Xe máy điện có phải thực hiện đăng ký xe hay không?

bởi Luật Sư X

Xe máy điện ngày càng trở nên phổ biến, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu loại phương tiện khá đặc thù này có phải tiến hành đăng ký xe khi đưa vào sử dụng hay không? Bài viết này sẽ giúp các bác rõ hơn về điều đó.

Căn cứ:

  • Luật Giao thông đường bộ 2008
  • Nghị định 46/2016/NĐ-CP
  • Thông tư 15/2014/TT-BCA

Nội dung tư vấn

Việc xuất hiện xe máy điện trên đường phố, ngõ lớn, ngõ nhỏ đang ngày càng trở nên phổ biến bởi sự thuận tiện trong việc sử dụng, vừa tiết kiệm về mặt kinh tế. Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc số lượng loại phương tiện này càng gia tăng một cách đáng kể thì sự vào cuộc của pháp luật đối với người điều khiển phương tiện này cũng ngày càng trở nên chặt chẽ.

Người điều khiển, người ngồi trên phương tiện này không những phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ như đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường,…. mà còn phải tuân thủ về mặt thủ tục “đăng ký” với cơ quan nhà nước khi đưa phương tiện này vào sử dụng.

1. “Xe máy điện” phải thực hiện thủ tục đăng ký

Thật vậy! Một trong những điều kiện để xe cơ giới có thể tham gia giao thông là chủ sở hữu phải thực hiện việc đăng ký và gắn biển số tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mà theo quy định của pháp luật thì “xe máy điện” cũng là một phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo Khoản 18, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 mà cụ thể như sau:

Điều 3: Giải thích từ ngữ:

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Điều 53. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới

3. Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Cũng theo quy định của pháp luật, Chủ sở hữu xe cơ giới phải có trách nhiệm đăng ký xe tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mua, bán, chuyển nhượng, thừa kế hoặc tặng cho. 

Khoản 3 Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA về trách nhiệm của chủ xe:

” 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.”

Cơ quan giải quyết: Trách nhiệm đăng ký xe thì rõ rồi. Nhưng chủ sở hữu phải đến cơ quan nào, bộ phận nào để đăng ký xe thì nó lại là câu chuyện thuộc về thẩm quyền. Cụ thể, theo Điều 3, Thông tư 15/2014/TT-BCA về Đăng ký xe: 

Điều 3: Cơ quan đăng ký:

2. Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Phòng Cảnh sát giao thông) đăng ký, cấp biển số các loại xe sau đây (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này):

….

b) Xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe có kết cấu tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện của cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc cư trú tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng Cảnh sát giao thông đặt trụ sở.

3. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương mình (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này).

Như vậy, tùy vào đối tượng sử dụng “xe máy điện” mà cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký xe cho loại phương tiện này cũng sẽ khác nhau. Nếu chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài (như là cá nhân người nước ngoài,…) thì Phòng Cảnh sát giao thông sẽ là cơ quan đăng ký, cấp biển số. Còn nếu chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước thì Công an cấp huyện sẽ là cơ quan đăng ký, cấp biển số.

Hồ sơ đăng ký: Khi thực hiện đăng ký xe cho chiếc “xe máy điện” của mình, thì cũng như các loại xe cơ giới khác, hồ sơ mà chủ sở hữu phải mang theo cũng như phải hoàn thiện bao gồm:

  • Giấy khai đăng ký xe.
  • Giấy tờ của chủ xe.
  • Giấy tờ của xe.(Gồm: Hợp đồng mua bán xe; Hóa đơn mua bán xe; Chứng từ nguồn gốc của Giấy chứng nhận an toàn kĩ thuận và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.)

2. Mức xử phạt khi không đăng ký xe

Với quy định của pháp luật như vậy thì việc không thực hiện thủ tục đăng ký xe cho “xe máy điện” của bạn là hành vi vi phạm pháp luật. Và tất nhiên, bạn sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt cho hành vi vi phạm này có thể lên đến 400.000 đồng tùy vào tính chất vi phạm. Cụ thể theo Khoản 3 và 4 Điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có quy định như sau: 

“3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

 a) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định”

Bởi vậy, Kể cả là xe máy điện thì bạn hãy nhớ đăng ký xe đầy đủ và luôn mang Giấy tờ xe theo mình khi tham gia giao thông để bảo vệ ví tiền nhé! 

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm