Chế ảnh, ghép ảnh người khác có vi phạm pháp luật?

bởi

Sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội: facebook, zalo, twitter… đã tạo ra rất nhiều trào lưu trong cộng đồng giới trẻ. Một trong những trào lưu hot của cộng đồng mạng là chế ảnh, ghép ảnh câu like. Hành vi đã trở thành một thói quen đùa cợt của cư dân mạng. Tuy nhiên, có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng trào lưu này để xúc phạm, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự người khác, trục lợi bản thân. Vậy đối với những hành vi này pháp luật có những chế tài xử lý như thế nào?

Căn cứ pháp lí

Nội dung tư vấn

1. Chế ảnh, ghép ảnh có thể là hành vi vi phạm pháp luật:

Việc phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội kèm theo với việc các app chỉnh sửa ảnh ngày càng nhiều và dễ sử dụng thì trào lưu chế ảnh, ghép ảnh ngày càng diễn ra nhan nhản. Mọi người có thể vô tư, tự do chế những bức ảnh mà mình thích trên các app điện thoại mà không cần phải có quá nhiều kỹ năng photoshop để câu like của cộng đồng mạng, mà không quan tâm liệu có chủ nhân bức ảnh có đồng ý hay không hay liệu bức ảnh chế có xúc phạm hay bôi nhọ người khác hay không. Ranh giới giữa mục đích chế ảnh cho vui và xúc phạm người khác rất mong manh, và một khi vượt qua ranh giới đó thì bạn sẽ bị pháp luật xử lý. Thông thường, những người thực hiện hành vi  khi có đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền của chủ nhân bức ảnh hoặc là hành vi chế ảnh của họ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của các cán bộ, công chức, cơ quan tổ chức nhà nước thì mới bị xử lý. Và những hành vi chế ảnh, ghép ảnh sẽ tùy thuộc vào mức độ bôi nhọ, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác mà có thể bị xử phạt hành chính và nặng hơn là có thể bị xử lý hình sự.

2. Chế tài xử phạt:

Xử lý hành chính:

Thông thường, đối với những hành vi chế ảnh, ghép ảnh thì hình thức xử lý được áp dụng nhiều nhất là xử phạt hành chính. Cụ thể thì theo điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi này như sau:

Điều 19. Vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng


2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:


c) Sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Theo đó, đối với hành vi ghép ảnh, sửa ảnh, chế ảnh làm sai lệch nội dung bức ảnh nhằm mục đích xâm hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt tiền và mức xử phạt tiền cụ thể tùy thuộc vào mức độ vi phạm là:

  • Đối với cá nhân: Mức phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng
  • Đối với tổ chức: Mức phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng

Xử lý hình sự:

Trong trường hợp, người thực hiện hành vi chế ảnh, ghép ảnh, sửa chữa ảnh gây hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, uy tín, danh dự của người khác thì có thể bị xử lý hình sự và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Cụ thể tại Điều 155 quy định như sau:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

Như quy định ở trên, đối với hành vi chế ảnh, ghép ảnh xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể bị phạt cảnh cáo, hoặc bị phạt tiền với mức cao nhất là 30.000.000 đồng, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ và  nếu mức độ hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn thì có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 2 năm.

Mặc dù trào lưu chế ảnh chỉ mang tính mua vui, câu like của cộng đồng mạng, tuy nhiên, trào lưu nào cũng có hai mặt tốt xấu, chế ảnh cũng vậy. Nhiều người lợi dụng chế ảnh để thực hiện những mục đích xấu như xúc phạm, bôi nhọ người khác, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Năm 2013, một nữ sinh ở Thạch Thất, Hà Nội đã tự tử vì bạn bè nữ sinh đã ghép ảnh chân dung cô bé vào tấm hình quảng cáo một cô gái mặc áo rộng cổ đăng lên mạng để mua vui, trêu đùa, câu like. Giá như nam sinh chế ảnh gỡ bỏ tấm ảnh hoặc không chế ảnh cô bé đó thì đã không có sự việc thương tâm xảy ra. Câu chuyện này mặc dù đã qua rất lâu nhưng nó sẽ vẫn luôn là bài học cho những cá nhân, tổ chức đang và sẽ dùng ảnh cuả người khác để chỉnh sửa đăng lên mạng để cho vui hay câu like, câu share. Trào lưu nào cũng có mục đích mang lại niềm vui cho cộng đồng mạng nhưng niềm vui nào cũng cần có một mức độ giới hạn nhất định, đừng vượt qua những giới hạn đó để không phải gây ra những hậu quả thương tâm hay phải vướng vào pháp luật.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm