Chứng cứ là gì?

bởi

Chứng minh có ý nghĩa rất quan trọng trong xét xử, giải quyết một vụ việc kể cả trong dân sự và hình sự. Chứng minh không chỉ giúp các bên đương sự làm rõ yêu cầu của mình mà còn giúp Tòa án giải quyết vụ việc, đưa ra phán quyết một cách công bằng và đúng đắn. Một trong những công cụ có giá trị chứng minh mạnh nhất là chứng cứ. Vậy chứng cứ là gì? Có phải những tài liệu mà các bên đưa ra đều được Tòa án xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé:

Căn cứ:

Nội dung tư vấn:

1. Chứng cứ là gì?
Khái niệm chứng cứ được quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Điều 93 BLTTDS 2015
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Và tại Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng có quy định thêm

Điều 86. Chứng cứ
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Từ hai điều luật trên, ta nhận thấy, không phải bất cứ tài liệu, vật chất nào thu thập được và giao nộp cho Tòa án cũng đều được xem là chứng cứ. Nếu muốn được xác định là chứng cứ phải có những thuộc tính như sau:

  • Tính khách quan:

Chứng cứ phải có thật và tồn tại độc lập với ý chí của con người. Tính có thật ở đây là chứng cứ phải hiện hữu và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định như hợp đồng, hóa đơn, bản ghi âm… Chứng cứ phải tồn tại độc lập với ý chí của con người có nghĩa là con người thông qua những hoạt động của mình mà thu thập, nghiên cứu, tìm kiếm chứng cứ không thể tạo ra chúng theo ý muốn chủ quan nhằm đem lại lợi ích cho bản thân mà tự tạo ra những chứng cứ sai lệch, không đúng sự thật. 

  • Tính liên quan:

Chứng cứ được sử dụng phải gắn liền với sự kiện cần chứng minh trong vụ việc dân sự. Nói cách khác là nó phải liên quan và chứa những thông tin cần thiết để đáp ứng quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Chẳng hạn, muốn yêu cầu đòi tài sản cho thuê thì phải cung cấp hợp đồng cho thuê hay những giấy tờ liên quan đến việc cho thuê, không thể đòi lại tài sản cho thuê mà đi nộp giấy chứng nhận của bác sĩ hay hợp đồng ủy quyền. Bởi việc cung cấp những chứ cứ không liên quan làm cho việc giải quyết vụ việc khó khăn và làm mất thời gian giải quyết của tòa án khi phải xem xét chứng cứ.

  • Tính hợp pháp:

Chứng cứ muốn có giá trị phải tuân thủ pháp luật về thu thập, nghiên cứu, xác định chứng cứ. Ngoài ra, những chứng cứ này phải được rút ra từ những nguồn nhất định do pháp luật quy định. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Cả ba thuộc tính này đều rất quan trọng, chỉ cần thiếu một trong ba, tất cả những tài liệu đều không được coi là chứng cứ, không có giá trị pháp lý trong việc đưa ra phán quyết.

2. Nguồn chứng cứ:
Chứng cứ phải được thu thập từ các nguồn sau đây mới được coi là hợp pháp:
Trong tố tụng dân sự, quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015

Điều 94. Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
2. Vật chứng.
3. Lời khai của đương sự.
4. Lời khai của người làm chứng.
5. Kết luận giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
9. Văn bản công chứng, chứng thực.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định. 

Trong tố tụng hình sự, quy định tại Điều 87 BLTTHS 2015

Điều 87. Nguồn chứng cứ
1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.

Nhìn chung, các nguồn chứng cứ trong dân sự và hình sự cũng tương tự nhau. Từ những nguồn chứng cứ trên cùng với việc đảm bảo 3 thuộc tính của chứng cứ sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc chứng minh để từ đó Tòa án có thể đưa ra những phán xét hợp tình hợp lý.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ giải quyết tranh chấp dân sự Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm