Dẫn độ tội phạm là gì?

bởi
Dẫn độ tội phạm là gì?

Trong cuộc sống hằng ngày, chắc hẳn bạn đã từng nghe ở đâu đó như trên tivi; radio, báo chí… về cụm từ “Dẫn độ tội phạm”. Tuy nhiên bạn lại chưa hiểu cụm từ này có nghĩa là gì. Vậy thì hãy cùng Luật sư X tìm hiểu dẫn độ tội phạm là gì? Nguyên tắc dẫn độ tội phạm như thế nào?…

Căn cứ:

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015 
  • Luật tương trợ tư pháp 2007

Nội dung tư vấn

Dẫn độ tội phạm là gì?

Dẫn độ là gì?

Song hành cùng với sự phát triển của Luật hình sự quốc tế, dẫn độ được xem như là một công cụ hữu hiệu để các quốc gia phòng chống, đầu tránh và xử lý các tội phạm hình sự khi những đối tượng phạm tội có hành vi bỏ trốn ra nước ngoài. Trong quá trình hòa nhập sâu và rộng đối với cộng đồng quốc tế, pháp luật hình sự Việt Nam cũng có quy định về dẫn độ để phù hợp với pháp luật quốc tế. Tại Khoản 1 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 quy định về khái niệm dẫn độ như sau:

1. Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Tuy Việt Nam chưa có một luật riêng để quy định về dẫn độ tộ. Nhưng có thể thấy rằng định nghĩa về dẫn độ trong Luật tương trợ tư pháp 2007 là tương đồng với định nghĩa của pháp luật quốc tế. Khi mà hầu hết các quốc gia đều thống nhất rằng, dẫn độ là việc đưa một cá nhân trở về quốc gia nơi mà họ có hành vi vi phạm pháp luật để chịu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án theo pháp luật nước đó. 

Dẫn độ là một hoạt động tư pháp đặc thù, giữa hai bên chủ thể là hai quốc gia được quốc tế công nhận về chủ quyền. Quốc gia yêu cầu việc dẫn độ thường là quốc gia bị cá nhân là đối tượng của việc dẫn độ gây ra hành vi vi phạm pháp luật và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, quốc gia được yêu cầu sẽ xem xét tính chất của sự việc và các quy định pháp luật của quốc gia mình để đưa ra quyết định có dẫn độ đối với tội phạm đó hay không. 

Các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định dẫn độ ở Việt Nam đó là các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Căn cứ theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì các cơ quan đó là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án,… Đối với trường hợp yêu cầu dẫn độ tội phạm về Việt Nam, tùy vào các giai đoạn tố tụng cụ thể thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa ra những yêu cầu dẫn độ và gửi tới nhà chức trách nước ngoài nơi mà tội phạm đang lưu trú. 

Bên cạnh đó, hoạt động dẫn độ tội phạm còn được thực hiện bởi các cơ quan cảnh sát quốc tế như Interpol, Aseanpol,… Việc hợp tác với các lực lượng cảnh sát quốc tế để nhằm dẫn độ tội phạm cũng là hữu hiệu. Tiêu biểu là với phạm vi hoạt động rộng và có sự tham gia của hơn 80 quốc gia thành viên, Interpol đóng một vai trò quan trọng trong công tác dẫn độ tội phạm quốc tế.

Cơ sở pháp lý quy định về việc dẫn độ tội phạm tại Việt Nam
Ở phần trên đã biết được dẫn độ tội phạm là gì, thì ta đi tìm hiểu tiếp về cơ sở pháp lý về việc dẫn độ. Bên cạnh các văn bản pháp luật như Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật tương trợ tư pháp 2007 thì việc dẫn độ tội phạm của Việt Nam còn phụ thuộc vào các điều ước quốc tế đã được ký kết với quốc gia khác liên quan tới vấn đề dẫn độ tội phạm hình sự. Đây được xem là một nguồn quan trọng khi xảy ra các vụ việc cần phải dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Điều ước quốc tế song phương và đa phương về việc dẫn độ tội phạm sẽ giúp cho các cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước liên quan sẽ có cơ sở để áp dụng những thỏa thuận được nêu trong điều ước. Qua đó, giải quyết nhanh chóng quá trình dẫn độ tội phạm, phục vụ công tác tố tụng hiệu quả. 

Trên thế giới, các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm được ký kết rộng dãi giữa các quốc gia, từ song phương tới đa phương, từ khu vực tới liên khu vực. Việt Nam cũng tham gia ký kết những điều ước quốc tế liên quan về vấn đề dẫn độ tội phạm có thể kể tới như Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Ba Lan năm 1993; Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên Bang Nga năm 1998; Hiệp định về dẫn độ tối phạm giữa Việt Nam – Hàn Quốc năm 2003;…. Nội dung của các điều ước điều ước song phương này dề cập tới nghĩa vụ dẫn độ tội phạm; đối tượng của hoạt động dẫn độ; Căn cứ từ chối dẫn độ; Thủ tục dẫn độ và các tài liệu cần thiết liên quan tới việc dẫn độ; Quy định về việc bắt khẩn cấp đối tượng bị dẫn độ; Quy định về chi phí dẫn độ;…. Nhìn chung, các thỏa thuận về dẫn độ tội phạm của Việt Nam với một số nước thông qua các điều ước quốc tế đã thể hiện được sự phù hợp, tương đồng đối với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, nó còn phù hợp đối với điều kiện, chế độ kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trong thời đại hội nhập quốc tế. Qua đó, giúp cho các bên đạt được sự hiệu quả cao nhất trong quá trình đấu tranh, xử lý tội phạm hình sự. 

Những nguyên tắc của dẫn độ

Căn cứ theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Luật tương trợ tư pháp 2007 thì có thể tổng hợp một số những nguyên tắc cơ bản của việc dẫn độ tội phạm như sau:

Nguyên tắc có đi có lại

Đây là một trong những nguyên tắc rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống quốc tế. Nội dung của nguyên tắc có đi có lại đối với hoạt động dẫn độ tội phạm quy định rằng các quốc gia được yêu cầu dẫn độ chỉ tiến hành các hoạt động dẫn độ tội phạm, nếu nhận được sự bảo đảm chắc chắn từ phía quốc gia yêu cầu rằng trong trường hợp dẫn độ tương tự phát sinh thì quốc gia này cũng sẽ đảm bảo chắc chắn trong thực tế sẽ thực hiện dẫn độ tội phạm cho quốc gia đối tác hữu quan theo yêu cầu của quốc gia này

Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình

Xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với dân cư và xuất phát từ việc nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo các quyền và lợi ích của công dân (cá nhân mang quốc tịch của quốc gia đó), thì nội dung nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình là quốc gia được yêu cầu dẫn độ có quyền từ chối không thực hiện yêu cầu dẫn độ của quốc gia khác, nếu cá nhân bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước mình (người mang quốc tịch của quốc gia được yêu cầu).

Nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị

Đây là một trong những nguyên tắc gây ra khá nhiều tranh cãi về việc áp dụng nguyên tắc này trong thực tế quan hệ giữa các quốc gia. Nội dung của nguyên tắc này là quốc gia được yêu cầu có thể từ chối yêu cầu dẫn độ của quốc gia khác đối với các cá nhân mà quốc gia này cho rằng đã phạm các tội về chính trị (có lý do hoạt động và tư tưởng chính trị đối lập tại quốc gia yêu cầu). Việc lý giải được “tính chính trị” của các loại tội phạm này phụ thuộc vào quan điểm chính trị của chính quốc gia được yêu cầu.

Nguyên tắc định danh kép

Nguyên tắc này được coi là nguyên tắc quan trọng và không thể thiếu được của hoạt động dẫn độ tội phạm. Nội dung của nguyên tắc này hoạt động dẫn độ chỉ được tiến hành khi hành vi do cá nhân bị dẫn độ thực hiện được định danh là hành vi phạm tội theo quy định hiện hành của pháp luật cả hai quốc gia (quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu dẫn độ), đồng thời hành vi phạm tội phải được định án ở mức trừng phạt cụ thể theo ý chí của các quốc gia hữu quan và được ghi nhận trong pháp luật nước mình, hoặc được các nước này thoả thuận nhất trí và được quy định trong các điều ước quốc tế giữa các quốc gia hữu quan.

Những trường hợp không được dẫn độ

Không dẫn độ nếu cá nhân bị dẫn độ sẽ bị kết án đối với tội phạm khác

Theo đó, cá nhân được yêu cầu dẫn độ sẽ chỉ bị truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội trên cơ sở định danh tội phạm được áp dụng tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội đó, hành vi này đã được cung cấp như là cam kết để được dẫn độ của quốc gia yêu cầu. Quốc gia được yêu cầu hoàn toàn có thể từ chối dẫn độ tội phạm nếu quốc gia yêu cầu tiến hành xét xử đối với tội phạm khác mà cá nhân đó đã thực hiện trong quá khứ (không nằm trong yêu cầu dẫn độ).

Không dẫn độ trong trường hợp cá nhân sẽ bị kết án tử hình

Trong quan hệ hợp tác dẫn độ tội phạm, các quốc gia có thể đưa ra thoả thuận về trường hợp quốc gia được yêu cầu sẽ từ chối dẫn độ nếu như cá nhân được dẫn độ sẽ bị kết án tử hình đối với hành vi vi phạm của mình tại quốc gia yêu cầu hoặc quốc gia đó sẽ chấp nhận dẫn độ nếu nhận được sự cam kết của quốc gia yêu cầu rằng cá nhân đó sẽ không bị lĩnh án tử hình.

Một số trường hợp khác

Một số trường hợp không dẫn độ tội phạm khác bao gồm: Không dẫn độ trong trường hợp cá nhân bị xét xử về cùng một tội; Không dẫn độ nếu hành vi phạm tội của cá nhân được thực hiện ở quốc gia này mà quốc gia khác lại đưa ra yêu cầu dẫn độ; Cá nhân không bị dẫn độ nếu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã chấm dứt; Cá nhân sẽ không bị dẫn độ nếu các hành vi phạm tội được ghi nhận trong đề nghị dẫn độ thuộc sự điều chỉnh đặc biệt của quốc gia được yêu cầu; Một số trường hợp từ chối dẫn độ khi cân nhắc các vấn đề nhân đạo đối với cá nhân bị dẫn độ.

Hy vọng bài viết Dẫn độ tội phạm là gì giúp quý độc giả có những hiểu biết thêm về dẫn độ tội phạm.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm