Phúc thẩm là gì?

bởi

Trong nhiều hệ thống pháp luật có quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm. Đây là thủ tục của tòa án cấp trên xem xét lại bản án bị kháng cáo hoặc kháng nghị của tòa án cấp dưới khi bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật. Để hiểu rõ hơn về thủ tục phúc thẩm là gì, xin tham khảo bài viết dưới đây của LSX.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
  • Nghị quyết 326/2016/UBTVQH

Nội dung tư vấn

Pháp luật Việt Nam quy định việc xét xử một vụ án có thể qua các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm. Tùy theo lĩnh vực luật dân sự, hình sự hay hành chính mà thủ tục phúc thẩm được điều chỉnh phù hợp.

Trong lĩnh vực luật dân sự, phúc thẩm là một giai đoạn quan trọng được quy định chặt chẽ trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và các văn bản liên quan. Hãy cũng LSX tìm hiểu về thủ tục phúc phẩm vụ án dân sự trong bài viết dưới đây.

1. Thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là gì?

Khoản 1 Điều 17 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 17: Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định pháp luật, bản án xét xử sơ thẩm vụ án nếu không có kháng nghị (của Viện kiểm sát), kháng cáo (của cá nhân và tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan) thì sẽ có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trường hợp bản án có kháng nghị, kháng cáo thì vụ án phải đưa ra xét xử phúc thẩm. Thông thường thời gian kháng cáo là 15 ngày, thời gian kháng nghị là 15 ngày đối với Viện kiểm sát cùng cấp hoặc 30 ngày đối với Viện kiểm sát cấp trên. Sau thời gian này mà không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực.

Như vậy, có thể hiểu phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

2. Thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Bước 1: Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo hoặc kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý, thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa. Trong vòng 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa có thể đưa ra một trong các quyết định:

  • Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
  • Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
  • Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Quyết định này dựa trên kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án đã được xét xử ở cấp sơ thẩm.

Bước 2: Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án

Trường hợp Tòa quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì phiên tòa phải được diễn ra theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật, gồm thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi các đương sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử công nhận thỏa thuận đó và dựa trên đó đưa ra bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì phiên tòa được tiến hành theo thủ tục gồm phần tranh tụng giữa nguyên đơn, bị đơn:

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày, người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp, đương sự có quyền bổ sung ý kiến;
  • Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Hoặc tranh luận đối với kháng nghị:

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng nghị. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;
  • Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu.

Bước 3: Nghị án và tuyên án xét xử phúc thẩm

Sau phần tranh tụng, Tòa án và Viện kiểm sát ra quyết định và tuyên án. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

3. Án phí và lệ phí tạm ứng án phí của phiên tòa phúc thẩm

Căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH thì mức án phí phúc thẩm cho các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, lao động là 300.000 đồng. Còn đối với các vụ tranh chấp về thương mại thì có án phí là 2 triệu đồng.

Về nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm được quy định tại Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự như sau:

Điều 148. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm

1. Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.

2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.

3. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Lưu ý: Người nào nộp đơn kháng cáo thì sẽ có nghĩa vụ phải nộp tiền tạm ứng án phí và lệ phí phúc thẩm.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí:

  • Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân;
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án dân sự hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật tố tụng dân sự, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước khởi kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện vụ án hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để thu hồi nợ vay trong trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
  • Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;
  • Người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
  • Các trường hợp khác không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí mà pháp luật có quy định.

Như vậy, đối với trường hợp viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm thì không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn

Trân trọng

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm