Vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là gì?

bởi Luật Sư X

Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc hàng đầu để bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình hiện nay. Hành vi ngoại tình chính là biểu hiện của việc vi phạm nguyên tắc này. Vậy vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là gì? Hãy cùng tham khảo bài viết của LSX dưới đây nhé.

Căn cứ:

  • Bộ luật hình sự 2015
  • Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
  • Nghị định 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP)

Nội dung tư vấn

Nguyên tắc một vợ một chồng là gì?

Nguyên tắc một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản hàng đầu của chế độ hôn nhân và gia đình. Theo đó, có thể hiểu rằng nguyên tắc này quy định cá nhân đã kết hôn chỉ được có một vợ hoặc một chồng và trong thời kì hôn nhân không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.

Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Ví dụ: Anh A và chị B đạt đủ các điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và  Gia đình nên anh chị quyết định đi đăng ký kết hôn tại UBND nơi hai người cư trú. Kể từ thời điểm được UBND cấp Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn thì anh A và chị B chính thức là vợ chồng và bắt đầu thời kì hôn nhân. Trong thời kì hôn nhân, anh A và chị B không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với bất kỳ cá nhân nào khác.

Vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng

Vậy vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là gì? Vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là việc một người trong thời kì hôn nhân kết hôn với một người thứ ba ngoài vợ chồng hiện tại của mình hoặc chung sống như vợ chồng với người thứ ba khác. Biểu hiện cụ thể bao gồm nhưng không giới hạn những hành vi sau:

  • Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
  • Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
  • Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Nếu hành vi ngoại tình ở mức độ chưa nghiêm trọng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và nếu hành vi ngoại tình gây nên hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng của Bộ luật hình sự.

Vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình

Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì luật nghiêm cấm việc một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Như vậy cá nhân có hành vi này đã vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi của mình.

Theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013 thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đối với hành vi:

  • Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
  • Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
  • Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ

Ví dụ: Anh A đã kết hôn được 3 năm. Trong thời gian vợ mang bầu, anh A đã ngoại tình với chị B đồng nghiệp cơ quan. Anh A nói dối vợ rằng mình cần phải đi công tác xa trong 6 tháng nhưng thực tế là anh A đến sống chung với chị B tại nhà chị B. Hành vi của anh A đã vi phạm nguyên tắc chế độ một vợ một chồng và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt trung bình cho hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là  1.500.000 đồng.

Tội vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng

Nhằm góp phần bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng một cách chặt chẽ, nhà nước đã đưa hành vi ngoại tình vào Bộ luật hình sự, buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 01 năm tù. Để xác định một cá nhân có phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 thì cần phải xét 4 dấu hiệu cấu thành nên tội phạm bao gồm chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.

Mặt chủ thể của tội phạm

  • Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng  là chủ thể thường. Theo đó người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự nghĩa là không mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của bản thân theo quy định của Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 sẽ là chủ thể của tội này.

Mặt khách thể của tội phạm

  • Khách thể là những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có khách thể là chế độ hôn nhân và gia đình trong xã hội. Theo đó, cá nhân có hành vi ngoại tình đã xâm phạm vào chế độ hôn nhân và gia đình đang được nhà nước bảo vệ nên phải chịu trách nhiệm hình sự.

Mặt khách quan:

  • Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên bên ngoài của tội phạm bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện phạm tội…. Hành vi khách quan được quy định cụ thể trong điều luật của Bộ luật hình sự và nếu bất kỳ người nào thực hiện hành vi đó dẫn đến hậu quả bằng phương tiện nào đó thì có thể xem là tội phạm.
  • Có thể thấy hành vi khách quan trong tội vi phạm chế độ một vợ, một chống gồm những hành vi sau:
    • Người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác;
    • Người chưa có vợ, chưa có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.
  • Hậu quả của hành vi này là làm cho quan quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.

Mặt chủ quan:

  • Mặt chủ quan là biểu hiện về mặt tâm lý bên trong người phạm tội bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng sẽ có lỗi cố ý với mục đích thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

Mức xử phạt khi vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng bao gồm phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ hoặc có thể phạt tù lên đến 03 năm.

Quy định về vi phạm chế độ một vợ một chồng trong BLHS

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Như vậy, vi phạm chế độ một vợ một chồng theo cách gọi phổ biến hiện nay chính là hành vi ngoại tình. Không chỉ người đã kết hôn ngoại tình mới bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự mà ngay cả người chưa kết hôn nhưng ngoại tình với người đã có vợ, có chồng cũng sẽ xị xử phạt tương tự.

Mời bạn đọc xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Nếu chồng chung sống với người khác mà người này không biết anh chồng đã có gia đình thì có bị phạt không?

Câu trả lời là không. Trong trường hợp này, người thứ ba sẽ được xác định là ngay tình, và việc xử phạt sẽ chỉ được áp dụng đối với anh chồng, bao gồm xử phạt hành chính và có thể là xử lý hình sự.

Làm thế nào để chứng minh là chồng có chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác ở bên ngoài?

Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được coi là hoàn thành khi nào?

tội phạm được xem là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là gì. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư X; hãy liên hệ 0833.102.102.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm