Hợp đồng bảo hiểm có nội dung như thế nào?

bởi letrang19012000
Hợp đồng bảo hiểm có nội dung như thế nào?

Xin chào Luật sư X. Tôi sắp mua bảo hiểm và phải ký hợp đồng bảo hiểm. Vậy xin luật sư cho tôi biết hợp đồng bảo hiểm có nội dung như thế nào? Tôi rất mong nhận được phản hồi sớm nhất từ phía luật sư. Trân trọng cảm ơn.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật sư X chúng tôi. Dưới đây là bài viết Hợp đồng bảo hiểm có nội dung như thế nào?. Mời bạn cùng đón đọc.

Cơ sở pháp lý

Nội dung tư vấn

Hợp đồng bảo hiểm là gì?

Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Trong đó: Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm có nội dung như thế nào?

Theo quy định tại Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm bao gồm các nội dung chính sau:

Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc thụ hưởng

Đây là nội dung về thông tin cơ bản của các bên tham gia bảo hiểm và các bên có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Nội dung này xác định rõ các chủ thể này thông qua tên, địa chỉ, thậm chí là chứng minh nhân thân đối với cá nhân (qua số chứng minh thư nhân dân, số thẻ căn cước,…), phương thức liên lạc (số fax, số điện thoại, email,…) hay số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp để chứng minh tư cách cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Đối tượng bảo hiểm

Đối tượng bảo hiểm là nội dung quan trọng cần phải có trong bảo hiểm do đối tượng bảo hiểm là yếu tố quan trọng xác định sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Đối tượng bảo hiểm có thể là:

  • Các yếu tố nhân thân của con người như sức khỏe, tính mạng,…
  • Tài sản
  • Trách nhiệm dân sự

Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản

Đây là nội dung về mức thanh toán mà bên nhận bảo hiểm phải thanh toán cho người thụ hưởng, bên mua bảo hiểm trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà các bên đã thỏa thuận. Riêng đối với bảo hiểm tài sản, giá trị tài sản được bảo hiểm ở đây là phần giá trị do các bên thỏa thuận để bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm có nội dung như thế nào?
Hợp đồng bảo hiểm có nội dung như thế nào?

Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm

  • Phạm vi bảo hiểm là phạm vi trách nhiệm mà doanh nghiệp chấp nhận chịu tương đương với các rủi ro mà doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm đối với chủ thể tham gia.
  • Mỗi doanh nghiệp đều có thể đưa ra các điều kiện bảo hiểm khác nhau đối với mỗi loại nghiệp vụ bảo hiểm, miễn là không vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm, theo đó phải thỏa mãn các điều kiện này thì chủ thể mua bảo hiểm mới được thanh toán bảo hiểm.
  • Điều khoản bảo hiểm là các nội dung bao gồm cả phạm vi bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm, nêu rõ các trường hợp được bảo hiểm và bảo hiểm theo phương thức như thế nào.

Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Đây là nội dung quy định các trường hợp bên nhận bảo hiểm không phải thực hiện thanh toán bảo hiểm cho người thụ hưởng, bên mua bảo hiểm (theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận của các bên).

Thời hạn bảo hiểm

Hầu hết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng có thời hạn (trừ hợp đồng bảo hiểm trọn đời). Các bên thỏa thuận thời hạn bảo hiểm phải chú ý rõ ràng vì trong nhiều trường hợp thời điểm hết hạn cũng là thời điểm phát sinh trách nhiệm thanh toán bảo hiểm của bên nhận bảo hiểm đối với bên được bảo hiểm.

Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm

Mức phí bảo hiểm là mức phí mà người, tổ chức tham gia bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm nhận trách nhiệm trên phần rủi ro được bảo hiểm.

Các phương thức đóng phí bảo hiểm có thể là:

  • Trực tiếp
  • Qua bưu điện
  • Thanh toán qua ngân hàng

Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường

Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là nội dung nhằm xác định thời điểm và phương thức thực hiện trách nhiệm của bên nhận bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm) đối với bên được bảo hiểm (bên mua bảo hiểm).

Các quy định giải quyết tranh chấp

Đây là nội dung phòng tránh rủi ro trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Trong nội dung này, các bên thống nhất phương thức giải quyết tranh chấp và pháp luật giải quyết tranh chấp (trong trường hợp việc giao kết hợp đồng có yếu tố nước ngoài).

Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng

Thời điểm giao kết hợp đồng phải được nêu rõ trong hợp đồng để xác định thời điểm giao kết và chứng minh hiệu lực của hợp đồng.

Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, hợp đồng bảo hiểm có các điều khoản khác không bắt buộc phải có trong hợp đồng. Các điều khoản khác này do các bên thỏa thuận, không được thay thế các điều khoản bắt buộc trên, không trái pháp luật.

Các loại hợp đồng bảo hiểm là gì?

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 liệt kê 04 loại hợp đồng bảo hiểm:

Hợp đồng bảo hiểm con người

Theo quy định tại Điều 32, 32 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000:

– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khoẻ và tai nạn con người.

– Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:

  • Bản thân bên mua bảo hiểm;
  • Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;
  • Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;
  • Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

– Số tiền bảo hiểm hoặc phương thức xác định số tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm tài sản

Theo quy định tại Điều 40, 41 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000:

  • Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.
  • Số tiền bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó.

Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Theo quy định tại Điều 52, 54 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000

  • Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự được hiểu là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định tại Điều 52 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.
  • Số tiền bảo hiểm là số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.2.4. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải

Hợp đồng bảo hiểm hàng hải

Theo quy định tại Điều 303, 304, 312 Bộ luật Hàng hải 2015:

– Hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng bảo hiểm các rủi ro hàng hải, theo đó người được bảo hiểm phải nộp phí bảo hiểm theo thỏa thuận và người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo cách thức và điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng.

– Đối tượng hợp đồng bảo hiểm hàng hải là bất kỳ quyền lợi vật chất nào có thể quy ra bằng tiền liên quan đến hoạt động hàng hải, bao gồm:

  • Tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải;
  • Giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, tiền thuê tàu, tiền thuê mua tàu, tiền lãi ước tính của hàng hóa, các khoản hoa hồng, các khoản tiền cho vay, bảo đảm tiền ứng trước, chi phí bị nguy hiểm khi tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải;
  • Trách nhiệm dân sự phát sinh do các rủi ro hàng hải.

– Số tiền bảo hiểm:

  • Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm phải kê khai số tiền cần bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm.
  • Số tiền bảo hiểm là số tiền mà người bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
  • Trường hợp số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm thấp hơn giá trị bảo hiểm thì người bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm, kể cả các chi phí khác thuộc phạm vi bảo hiểm.
  • Trường hợp số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm lớn hơn giá trị bảo hiểm thì phần tiền vượt quá giá trị bảo hiểm không được thừa nhận.

Thông tin liên hệ Luật sư X

Trên đây là tư vấn của Luật sư X về Hợp đồng bảo hiểm có nội dung như thế nào?. Chúng tôi hi vọng bạn có thể vận dụng kiến thức trên. để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn; giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến khai thuế đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc; giải thể công ty, giải thể công ty tnhh 1 thành viên, tạm dừng công ty; mẫu đơn xin giải thể công ty, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, …. của Luật sư X, hãy liên hệ: 0833102102. Hoặc qua các kênh sau:

Câu hỏi thường gặp

Nghĩa vụ thông tin của bên mua bảo hiểm là gì?

Nghĩa vụ thông tin của bên mua bảo hiểm:
– Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, theo yêu cầu của bên bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết.
– Trong trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai nhằm giao kết hợp đồng để hưởng tiền bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và thu phí bảo hiểm đến thời điểm chất dứt hợp đồng.

Nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại là gì?

Nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại:
– Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện ghi trong hợp đồng, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại.
– Trong trường hợp bên được bảo hiểm có lỗi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại đã ghi trong hợp đồng thì bên bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn mà các biện pháp phòng ngừa vẫn không được thực hiện thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc không trả tiền bảo hiểm khi thiệt hại xảy ra do các biện pháp phòng ngừa đã không được thực hiện.

Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm và của bên bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm như thế nào?

Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm và của bên bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm:
– Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
– Bên bảo hiểm phải thanh toán chi phí cần thiết và hợp lý mà người thứ ba đã bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm