Pháp luật về đấu giá hàng hóa trong thương mại

bởi NguyenDucThuan
Đấu giá hàng hóa trong thương mại

Trong nền kinh tế thị trường, đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, mang tính thiết thực và là nhu cầu cần thiết cho xu thế phát triển xã hội văn minh. Nó là một trong những phương thức linh hoạt trong việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động mua bán trao đổi hàng hoá nói riêng phát triển một cách đa dạng. Vậy, quy định của pháp luật về đấu giá hàng hóa trong thương mại như thế nào?

Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Cơ sở pháp lý

Luật thương mại năm 2005

Đấu giá hàng hóa là gì?

Đấu giá hàng hóa được hiểu là một hoạt động bán hàng hóa nhằm mục đích sinh lợi mà người bán tự mình tổ chức đấu giá hoặc thông qua người tổ chức đấu giá do mình lựa chọn, công khai việc bán hàng hóa đến các đối tượng có quan tâm và lựa chọn người mua trả giá cao nhất trong số những người tham gia đấu giá theo những nguyên tắc và trình tự, thủ tục nhất định.

Theo quy định tại khoản 1 điều 85 Luật thương mại:

Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất.

Đặc điểm của đấu giá hàng hóa trong thương mại:

  • Thứ nhất, đấu giá hàng hóa là một hoạt động bán hàng đặc biệt.
  • Thứ hai, chủ thể tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa bao gồm: Người bán hàng hóa, người mua hàng hóa và thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá hàng hóa.
  • Thứ ba, đối tượng của đấu giá hàng hóa là hàng hóa trong thương mại và được phép lưu thông trên thị trường.
  • Thứ tư, hình thức pháp lý của đấu giá hàng hóa. Tồn tại dưới dạng hợp đồng ủy quyền bán đấu giá và văn bản bán đấu giá hàng hóa.

Các hình thức đấu giá hàng hóa

Tùy thuộc vào các loại tượng hàng hóa, mục đích và điều kiện tổ chức đấu giá mà đấu giá hàng hóa có thể được thực hiện theo nhiều cách thức khác nhau như đấu giá theo phương thức trả giá lên, đấu giá theo phương thức đặt giá xuống, phương thức đấu giá ngược, đấu giá kiểu nhượng quyền, tổ hợp.

Đấu giá theo phương thức trả giá lên và đặt giá xuống

Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.

Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng. (chỉ có trong thương mại).

Đấu giá dùng lời nói hoặc không dùng lời nói

Đấu giá dùng lời nói: người điều hành và những người tham gia sử dụng ngôn ngữ lời nói nhằm xác định giá khởi điểm cũng như các mức giá được trả

Đấu giá không dùng lời nói: người mua hàng đưa ra giá đối với hàng hóa bằng hình thức như bỏ phiếu, đấu giá qua mạng internet

Chủ thể tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa trong thương mại

Người bán hàng hóa

Người bán hàng là chủ sở hữu hàng hoá, người được chủ sở hữu hàng hoá uỷ quyền bán hoặc người có quyền bán hàng hoá của người khác theo quy định của pháp luật. Quyền của người bán hàng không phải là người tổ chức đấu giá bao gồm:

  • Nhận tiền hàng đã bán đấu giá và khoản chênh lệch thu được trong trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 204 của Luật Thương mại hoặc nhận lại hàng hoá trong trường hợp đấu giá không thành.
  • Giám sát việc tổ chức bán đấu giá hàng hoá.

Nghĩa vụ của người bán hàng không phải là người tổ chức đấu giá:

  • Giao hàng hoá cho người tổ chức đấu giá, tạo điều kiện để người tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá xem xét hàng hoá và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá đấu giá.
  • Trả thù lao dịch vụ tổ chức đấu giá.

Người tổ chức đấu giá

Người tổ chức đấu giá là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá hoặc là người bán hàng của mình trong trường hợp người bán hàng tự tổ chức đấu giá.

Quyền của người tổ chức đấu giá bao gồm:

  • Yêu cầu người bán hàng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá đấu giá, tạo điều kiện cho người tổ chức đấu giá hoặc người tham gia đấu giá kiểm tra hàng hoá đấu giá và giao hàng hoá được bán đấu giá cho người mua hàng trong trường hợp người tổ chức đấu giá không phải là người bán hàng đấu giá.
  • Xác định giá khởi điểm trong trường hợp người tổ chức đấu giá là người bán hàng đấu giá hoặc được người bán hàng uỷ quyền.
  • Tổ chức cuộc đấu giá.
  • Yêu cầu người mua hàng thực hiện việc thanh toán.
  • Nhận thù lao dịch vụ đấu giá do người bán hàng trả.

Nghĩa vụ của người tổ chức đấu giá (Điều 190 Luật Thương mại 2005) bao gồm:

  • Tổ chức đấu giá hàng hoá theo đúng nguyên tắc, thủ tục do pháp luật quy định và theo phương thức đấu giá thoả thuận với người bán hàng.
  • Thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết có liên quan đến hàng hoá đấu giá.
  • Bảo quản hàng hoá đấu giá khi được người bán hàng giao giữ.
  • Trưng bày hàng hoá, mẫu hàng hóa hoặc tài liệu giới thiệu về hàng hóa cho người tham gia đấu giá xem xét.
  • Giao hàng hóa đấu giá cho người mua phù hợp với hợp đồng tổ chức dịch vụ đấu giá hàng hoá.

Người mua hàng hóa

Quyền và nghĩa vụ của người mua hàng hóa

Người mua hàng hóa là người tham gia đấu giá trả giá cao nhất sau khi tuyên bố kết thúc cuộc đấu giá.

Người mua hàng hóa có quyền tham gia trả giá; Mua hàng hóa nếu thỏa mãn điều kiện trong cuộc đấu giá; Được nhận lại tiền cọc nếu không mua được hàng hóa; Được trả lại hàng hóa nếu hàng hóa đó không đúng niêm yết, thông báo.

Bên cạnh đó, người mua hàng hóa có nghĩa vụ Đặt cọc để đăng ký mua hàng theo yêu cầu của người tổ chức bán đấu giá; Tham gia trả giá; Chịu mọi chi phí liên quan tới cuộc đấu giá nếu đã chọn mua lại mà từ chối dẫn đến đấu giá không thành.

Những người không được tham gia đấu giá

Pháp luật hạn chế quyền của một số chủ thể. Theo đó, những đối tượng sau không được tham gia đấu giá:

  • Người không có, mất năng lực hành vi dân sự; hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ hành vi của mình.
  • Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của họ.
  • Người trực tiếp thực hiện việc giám định hàng hóa bán đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng con của họ.
  • Người không có quyền mua hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc của đấu giá hàng hóa trong thương mại

Một là, Nguyên tắc công khai. Theo đó phải công khai về:

  • Thời gian, địa điểm tiến hành đấu giá.
  • Tên loại hàng hóa bán đấu giá.
  • Số lượng, chất lượng, giá khởi điểm của hàng hóa.
  • Địa điểm trưng bày giới thiệu hàng hóa.
  • Những người đăng ký mua hàng hóa.

Hai là, Nguyên tắc trung thực. Thể hiện ở chỗ các thông báo về cuộc bán đấu giá, thông tin về hàng hóa, các giấy tờ có liên quan đến hàng hóa bán đấu giá, những đặc điểm khuyết tật không nhìn  thấy được của hàng hóa phải rõ ràng, chính xác và đầy đủ, không tạo ra sự nhầm  lẫn, lừa dối.

Ba là, Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá.

Liên hệ Luật sư X

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Pháp luật về đấu giá hàng hóa trong thương mại”. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102

  1. FaceBook: www.facebook.com/luatsux
  2. Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
  3. Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux

Câu hỏi thường gặp

Đấu giá tài sản là gì?

Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua và người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản bán. Đấu giá tài sản có thể là bắt buộc (theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền) hoặc tự nguyện (theo nhu cầu của chủ sở hữu tài sản).

Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là gì?

Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu).

Trường hợp nào đấu giá không thành?

Cuộc đấu giá được coi là không thành trong các trường hợp sau đây:
Không có người tham gia đấu giá, trả giá;
Giá cao nhất đã trả thấp hơn mức giá khởi điểm đối với phương thức trả giá lên.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm