Quy trình thu hồi đất vi phạm theo quy định của pháp luật

bởi
Quy trình thu hồi đất vi phạm theo quy định của pháp luật

Mỗi người dân đều được Nhà nước giao đất để sử dụng đất nhằm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá nhân sử dụng đất không đúng với mục đích đất đã giao. Trường hợp này sẽ bị thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai. Vậy quy trình thu hồi đất vi phạm trong trường hợp này được quy định như thế nào?

Căn cứ pháp lý

Luật đất đai năm 2013

Nội dung tư vấn

1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật

a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;

đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;

e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;

h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

2. Căn cứ thu hồi đất vi phạm

Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai.

3. Quy trình thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai

Bước 1. Xác định hành vi vi phạm phải thu hồi đất.

  • Trường hợp vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ thu hồi đất.
  • Trường hợp vi phạm pháp luật đất đai không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì biên bản xác định hành vi vi phạm phải có đại diện của Ủy ban nhân dân xã làm chứng để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.

Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm gửi biên bản cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất để chỉ đạo việc thu hồi.

Bước 2. Ban hành quyết định thu hồi.

Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa khi cần thiết. Trình Ủy ban nhân dân cùng cấp về quyết định thu hồi.

Bước 3. Thông báo thu hồi đất cho người sử dụng đất.

Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

* Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyết định thu hồi đất trong trường hợp sau:

  • Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
  • Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

* Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp như:

  • Thu hồi đất đối vớ hộ gia đình; cá nhân; cộng đồng dân cư.
  • Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Bước 4. Cập nhật, chỉnh lý dữ liệu cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Cơ quan tài nguyên và môi trường có thẩm quyền thực hiện công việc này.

Bước 5. Tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (nếu người sử dụng đất không hợp tác thực hiện thủ tục thu hồi đất).

Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.

Bước 6. Quản lý đất đã giải phóng mặt bằng

Tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý quỹ đất sau thu hồi và được giải phóng mặt bằng để cơ quan nhà nước giao, cho thuê hoặc đấu thầu cho các mục đích khác nhau.

Trên đây là quy trình thu hồi đất do vi phạm luật đất đai. Để biết thêm thông tin chi tiết và được tư vấn kịp thời, vui lòng liên hệ LSX qua hotline: 0833 102 102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm