Có được mời chào quảng cáo sản phẩm tại cơ quan nhà nước không?

bởi Luật Sư X
Có được mời chào quảng cáo sản phẩm tại cơ quan nhà nước không?

Một trong những hoạt động giúp cho khách hàng, người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình, biết đến công ty mình mà các cá nhân, doanh nghiệp thường hay sử dụng đó là hoạt động quảng cáo? Vậy “quảng cáo” ở đâu? Có được quảng cáo tại cơ quan nhà nước hay không? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Luật Thương mại năm 2005.
  • Luật Quảng cáo 2012.
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
  • Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nội dung tư vấn

1. Quảng cáo là gì?

1.1. Định nghĩa

Điều 102 Luật Thương mại 2005 quy định: “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình”.

Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.

1.2. Phương tiện quảng cáo

Phương tiện quảng cáo là công cụ để giới thiệu sản phẩm quảng cáo. Phương tiện quảng cáo gồm (Điều 106 Luật Thương mại 2005, Điều 17 Luật Quảng cáo 2012):

  • Báo chí.
  • Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
  • Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.
  • Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.
  • Phương tiện giao thông.
  • Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao.
  • Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo. 
  • Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.

1.3. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

Danh mục các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo được quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012. Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ bị cấm quảng cáo:

  • Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
  • Thuốc lá. 
  • Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
  • Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo. 
  • Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
  • Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
  • Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
  • Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

1.4. Hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo

Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo thương mại nói riêng và hoạt động quảng cáo nói chung được quy định tại Điều 109 Luật Thương mại và Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Cụ thể là cấm:

  • Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo.
  • Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
  • Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
  • Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
  • Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
  • Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
  • Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
  • Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
  • Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
  • Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
  • Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 
  • Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
  • Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
  • Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
  • Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
  • Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

2. Yêu cầu về nội dung, điều kiện quảng cáo

2.1. Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo (Điều 18 Luật Quảng cáo 2012)

Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

  • Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
  • Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

2.2. Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo (Điều 19 Luật Quảng cáo 2012)

Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.

2.3. Điều kiện quảng cáo (Điều 20 Luật Quảng cáo 2012)

Đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ mà điều kiện quảng cáo sẽ khác nhau. Cụ thể là:

  • Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
  • Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
  • Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012.

3. Có được mời chào, quảng cáo sản phẩm tại cơ quan nhà nước hay không?

Trả lời: Có thể mời chào, quảng cáo sản phẩm tại cơ quan Nhà nước

Giải thích:

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau thì việc quảng cáo sản phẩm tại cơ quan Nhà nước là “được phép”.

Thứ nhất, không thực hiện các hoạt động quảng cáo bị cấm được quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 và cũng đã được nêu tại mục 1.4 phần 1 nêu trên.

Thứ hai, đáp ứng đúng yêu cầu về nội dung quảng cáo quy định tại Điều 18 và Điều 19 Luật Quảng cáo 2012.

Thứ ba, tuân thủ về điều kiện quảng cáo quy định tại Điều 20 Luật Quảng cáo 2012.

Thứ tư, đối với từng loại phương tiện quảng cáo (trừ quảng cáo bằng loa phóng thanh hay các hình thức tương tự) thì phải tuân thủ điều kiện để được cho là hợp pháp.

Ngược lại, nếu quảng cáo sản phẩm tại cơ quan nhà nước rơi vào một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là trái pháp luật:

  • Thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo (quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo) như quảng cáo sản phẩm bị cấm quảng cáo, quảng cáo trái thuần phong mỹ tục,…
  • Không đáp ứng được yêu cầu về nội dung quảng cáo.
  • Không tuân thủ về các điều kiện quảng cáo chung và điều kiện quảng cáo đối với từng phương tiện quảng cáo.
  • Quảng cáo sản phẩm bằng loa phóng thanh hay các hình thức tương tự ( Điểm b khoản 1 Điều 33 Luật Quảng cáo 2012 quy định:  “Không được quảng cáo tại trụ sở cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện”).

4. Trách nhiệm pháp lý

Tùy từng mức độ vi phạm mà hoạt động quảng cáo nói chúng và hoạt động quảng cáo sản phẩm tại cơ quan nhà nước nói riêng có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo được quy định từ Điều 50 đến Điều 78 Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Theo đó:

  • Đối với cá nhân thì mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
  • Đối với tổ chức thì mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi là 2.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng (Trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52; khoản 2 và khoản 3 Điều 55; khoản 2 Điều 56; Điều 57; Điều 58; các điểm a, b và c khoản 3 Điều 59; điểm a khoản 2 Điều 68; khoản 2 Điều 69 và khoản 1 Điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP – Đây là mức tiền phạt đối với tổ chức).

Ở mức độ nặng hơn, một trong những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo là gian dối trong quảng cáo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó:

  • Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm