Đảng viên không cấp dưỡng cho con sau ly hôn có bị khai trừ không?

bởi LinhTrang
Đảng viên không cấp dưỡng cho con sau ly hôn có bị khai trừ không?

Sau khi ly hôn thì người không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nhưng trên thực tế, có những trường hợp cha mẹ không thực hiện nghĩa vụ này vì nhiều lý do. Việc này thường dẫn đến thiệt hại lớn cho con cái. Do vậy có rất nhiều trường hợp đã bị xử lý về tội này. Vật thì câu hỏi đặt ra là nếu đối với trường hợp là Đảng viên không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn có bị khai trừ không? Hãy cùng luật sư X tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Câu hỏi: Chào luật sư X, tôi có một câu hỏi như sau: Tôi và chồng ly hôn với nhau tính đến nay đã được nửa năm. Chúng tôi có với nhau một đứa con năm nay được 10 tuổi. Sau khi ly hôn anh và tôi có thỏa thuận con sẽ ở cùng tôi. Và trong đó anh sẽ là người cấp dưỡng. Nhưng trong nửa năm qua anh không chu cấp cho con một đồng nào. Cho tôi hỏi anh có vi phạm luật hôn nhân và gia đình không? Anh là Đảng viên không cấp dưỡng cho con thì có bị khai trừ ra khỏi Đảng không? Mong luật sư X giải đáp giúp tôi.

Nội dung tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư X. Sau quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi xin được trả lời như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
  • Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.
  • Điều 35 Quy định 30-QĐ/TW năm 2016.
  • Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP.
  1. Giải thích từ ngữ.

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?

Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Ðảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, các nghị quyết của Ðảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Ðảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Ðảng.

Ly hôn là gì?

Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ:

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định.

  • Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn; thì khi đó Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.
  •  Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.

Cấp dưỡng là gì?

Cấp dưỡng là việc một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Cấp dưỡng cho con là gì?

Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con không có bất cứ sự phân biệt nào giữa con đẻ, con nuôi; con có cha mẹ tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc con có cha, mẹ không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình khi không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tập trung vào sự đóng góp tài sản của cha, mẹ để đảm bảo cho quá trình phát triển và hoàn thiện thể chất, tinh thần của con. Cùng với quan hệ nuôi dưỡng; quan hệ cấp dưỡng được xem là một trong những quyền và nghĩa vụ tài sản (gắn với nhân thân) quan trọng giữa cha mẹ và con.

Vậy Đảng viên không cấp dưỡng cho con thì có bị vi phạm pháp luật hay kỷ luật không?

2.Về các hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên theo quy định.

Đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật nếu không cấp dưỡng cho con. Vậy có những hình thức xử lý kỷ luật nào?

Theo Điều 35 Quy định 30-QĐ/TW năm 2016 và Quyết định 102-QĐ/TW năm 2017 Đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật như sau:

  • Hình thức kỷ luật: Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
  • Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.

Vậy nên phải tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm. Khi đó ta sẽ có các hình thức xử lý phù hợp của Đảng.

3. Kỷ luật Đảng viên không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn.

Đối với việc Đảng viên không cấp dưỡng cho con dựa trên yêu cầu của đối phương.

Trong trường hợp này ta áp dụng điểm a khoản 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP.

11. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn (Điều 92).

Khi áp dụng quy định tại Điều 92 cần chú ý một số điểm sau đây:

a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.

Do vậy mà việc đối phương yêu cầu không cần cấp dưỡng cho con và sau khi được Tòa án giải thích họ vẫn kiên quyết, tự nguyện nuôi con thì người cấp dưỡng sẽ không vi phạm về vấn đề nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp này thì Đảng viên không cấp dưỡng cho con cũng sẽ không bị vi phạm các quy định của Đảng đề ra.

Đối với việc 2 bên ly hôn và Đảng viên phải cấp dưỡng cho con mà không cấp dưỡng

Trong trường hợp này ta có những quy định sau:

Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Như vậy sau khi ly hôn, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

Vậy thì nghĩa vụ cấp dưỡng có thể thay thế bằng nghĩa vụ khác được không?

Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng:

“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

Do đó theo khoản 1 Điều 107 trên thì nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế. Đặc biệt là không được chuyển giao cho người khác. Và nếu không thực hiện nghĩa vụ này thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Đây chính là tội trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Đối với Đảng viên không cấp dưỡng cho con có bị kỷ luật không?

Tại Khoản 3 Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017, có quy định:

Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

Ép buộc vợ (hoặc chồng), con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ chối thực hiện, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

=> Như vậy, nếu đảng viên không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Qua các thông tin chúng tôi đã cung cấp như trên, mong rằng bạn đã hiểu được vấn đề Đảng viên không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng không. Tùy thuộc vào việc thỏa thuận giữa hai bên. Nếu không có thỏa thuận thì bên cấp dưỡng cho con sẽ phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Mong rằng bài viết trên sẽ giúp ích cho độc giả! Nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ và mong muốn được tư vấn trực tiếp vấn đề trên, xin hãy liên hệ ngay với luật sư X. Hân hạnh được hỗ trợ quý khách theo số điện thoại: 0833 102 102

Bài viết tham khảo: Công chức ngoại tình có bị buộc thôi việc.

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm