Giám hộ là gì?

bởi Luật Sư X
Giám hộ là gì?

Giám hộ là một khái niệm được sử dụng phổ biến trong quan hệ dân sự. Ví dụ chúng ta thường hay nghe thấy quy định người chưa thành niên hoặc người lớn tuổi kém minh mẫn phải có người giám hộ khi tham gia những giao dịch quan trọng như thừa kế, mua bán nhà… Vậy giám hộ được pháp luật quy định là gì? Hãy cùng xem bài viết dưới đây nhé. 

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Khái niệm Giám hộ

Giám hộ theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật dân sự 2015 là việc cá nhân hoặc pháp nhân được luật quy định hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định để chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngoại trừ trường hợp người giám hộ đương nhiên.

Điều 46. Giám hộ

1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Ví dụ: A hiện nay 60 tuổi, vì một tai nạn giao thông nên A có khó khăn trong nhận thức và không làm chủ được hành vi. A không giao tiếp được một cách bình thường và hay bỏ nhà đi. Vì vậy Tòa chỉ định con của A là B làm người giám hộ cho A. Theo đó, B sẽ chăm sóc, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của A trong các sinh hoạt hàng ngày hoặc các hoạt động quan trọng liên quan đến thừa kế, tặng cho tài sản…

 

2. Người được giám hộ

Căn cứ theo khoản 1 Điều 47 BLDS 2015 thì những người được giám hộ bao gồm:

  • Người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; 
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Ví dụ: C là một học sinh 13 tuổi ở với ông bà ngoại do bố mẹ mất trong một vụ tai nạn. Trong trường hợp này, C được xem là một người được giám hộ nghĩa là cần người chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi của mình.

 

3. Người giám hộ

a. Điiều kiện của người giám hộ

Người giám hộ chính là người trực tiếp chăm sóc và bảo về quyền lợi cho người được giám hộ. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành người giám hộ do đó để trở thành người giám hộ cá nhân hoặc pháp nhân cần đáp ứng những điều kiện như sau:

  • Điều kiện đối với cá nhân:
  1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
  3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
  4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
  1. Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
  2. Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

b. Người giám hộ đương nhiên

Người giám hộ đương nhiên là người thực hiện nghĩa vụ giám hộ mà không cần đăng ký việc giám hộ tại cơ quan có thẩm quyền. Trong số những người được giám hộ thì chỉ có người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự mới có người giám hộ đương nhiên.

  • Đối với người chưa thành niên, pháp luật quy định thứ tự những người trở thành người giám hộ đương nhiên của họ như sau:

Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

  • Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, pháp luật quy định thứ tự những người trở thành người giám hộ đương nhiên của họ như sau:

Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

 

4. Nghĩa vụ của người giám hộ

Đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi, người giám hộ có các nghĩa vụ sau:

  • Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ.
  • Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
  • Quản lý tài sản của người được giám hộ.
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Đối với người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, người giám hộ phải có nghĩa vụ sau:

  • Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
  • Quản lý tài sản của người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người giám hộ có các nghĩa vụ sau:

  • Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;
  • Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;
  • Quản lý tài sản của người được giám hộ;
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

 

5. Quyền của người giám hộ

Bên cạnh những nghĩa vụ cần phải thực hiện, người giám hộ cũng có những quyền hợp pháp để bảo vệ cho quyền và lợi ích của chính mình.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 58 Bộ luật dân sự 2015 thì người giám hộ có các quyền như sau:

  • Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
  • Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
  • Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Đối với người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền của người này phải tuân theo quyết định của Tòa án. Tòa án sẽ quyết định người giám hộ này có một hay tất cả các quyền trong số quyền đã nêu trên.

 

6. Quy định về số lượng người giám hộ và người được giám hộ

Căn cứ theo khoản 2 Điều 47 và khoản 3 Điều 48 Bộ luật dân sự 2015 thì một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người nhưng người được giám hộ chỉ được giám hộ bởi một người trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

 

7. Chấm dứt việc giám hộ

Quan hệ giám hộ là một quan hệ có thời hạn mà không kéo dài mãi do đó căn cứ theo khoản 1 Điều 62 thì quan hệ giám hộ sẽ chấm dứt trong trường hợp sau:

  • Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Người được giám hộ chết;
  • Cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
  • Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.

Trên đây là một số quy định của pháp luật về quan hệ giám hộ, hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư dân sự tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm