Nên hay không nên sử dụng mẫu di chúc trên mạng?

bởi Quỳnh
Nên hay không nên sử dụng mẫu di chúc trên mạng?

Xin chào Luật sư X, tôi có một vấn đề vướng mắc rất mong được giải đáp. Tôi đang có ý định muốn lập di chúc. Tôi thấy hiện nay có rất nhiều mẫu di chúc trên mạng. Vậy tôi có thể sử dụng mẫu di chúc trên mạng không hay phải tự viết di chúc? Mong sớm nhận được câu trả lời của Luật sư, tôi xin cảm ơn!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi của mình đến Bộ phận hỏi đáp Luật thừa kế của Luật sư X. Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015

Nội dung tư vấn

1. Thế nào là di chúc? Di chúc trên mạng là gì?

Căn cứ vào Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Theo quy định này, di chúc phải có các yếu tố sau:

– Đó là sự thể hiện ý chí của cá nhân mà không phải là của bất cứ chủ thể nào khác;

– Mục đích của việc lập di chúc là chuyển tài sản là di sản của mình cho người khác;

– Chỉ có hiệu lực sau khi người đó chết.

Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc. Do đó, di chúc phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và của di chúc nói riêng. Vì vậy, một người muốn định đoạt tài sản của mình bằng di chúc cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc. 

Di chúc trên mạng là những mẫu di chúc được soạn sẵn và đưa lên trên mạng cho mọi người sử dụng. Tuy nhiên, không phải mẫu di chúc trên mạng nào cũng đúng theo pháp luật. Vậy, một bản di chúc cần những điều kiện gì để hợp pháp?

Xem thêm: Cách viết di chúc như thế nào?

2. Các điều kiện để di chúc hợp pháp (Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Một bản di chúc hợp pháp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Người lập di chúc phải có năng lực chủ thể:

Người lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.

b) Người lập di chúc tự nguyện:

Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của họ. Vì vậy, việc phá vỡ sự thống nhất này sẽ làm mất đi tính tự nguyện của người lập di chúc. Sự thống nhất này có thể bị phá vỡ trong những trường hợp sau:

  • Người lập di chúc bị cưỡng ép, đe dọa về thể chất (đánh đập, giam giữ…); hoặc về tinh thần (dọa làm một việc khiến người lập di chúc bị mất uy tín, danh dự…).
  • Di chúc do họ lập trên cơ sở bị lừa dối như làm tài liệu giả…

c) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội:

Nôi dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Người lập di chúc chỉ định người thừa kế; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; phân định di sản thừa kế; đưa ra các điều kiện để chia di sản thừa kế… Ý chí của người lập di chúc phải phù hợp với các quy định của Nhà nước và không trái với đạo đức xã hội; tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. 

d) Hình thức của di chúc không được trái quy định của pháp luật:

Hình thức của di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc; là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc; là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc. Vì vậy, di chúc phải được lập dưới một hình thức nhất định.

Theo Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”. Pháp luật quy định có 2 loại hình thức:

– Hình thức văn bản: là loại di chúc được thể hiện dưới dạng chữ viết (viết tay, đánh máy); có chứng nhận hoặc không có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Hình thức miệng: toàn bộ ý chí của người lập di chúc thể hiện bằng lời nói.

Xem thêm: Di chúc bằng miệng có hiệu lực khi nào?

Đọc thêm: Có mấy hình thức thừa kế theo pháp luật dân sự?

https://www.youtube.com/watch?v=qS88SGpc4_E&t=6s

3. Hiệu lực pháp luật của di chúc (Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Hiệu lực pháp luật của di chúc là giá trị pháp lý của di chúc được thực hiện trên thực tế; tuân theo đúng nội dung của di chúc, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.

Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

– Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.

– Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

– Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Như vậy, chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

– Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

– Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

– Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

4. Việc sử dụng mẫu di chúc trên mạng nên hay không nên?

a) Về mặt hình thức

Một trong những sai lầm khi lập di chúc đó là người lập di chúc tìm mẫu di chúc trên mạng rồi in ra, ký hoặc điểm chỉ. Sở dĩ là sai lầm bởi theo quy định của pháp luật dân sự thì một bản di chúc không có người làm chứng thì phải viết tay, ký hoặc điểm chỉ ở dưới mỗi nội dung di chúc.

Vì vậy, nếu bản di chúc không có người làm chứng thì việc in mẫu di chúc trên mạng và ký hoặc điểm chỉ là không đúng với quy định của pháp luật.

Đồng thời, pháp luật cũng cho rằng việc tự tay viết di chúc mới thể hiện đúng ý chí của người lập di chúc, tức là người đó hoàn toàn tự nguyện và trong một trạng thái minh mẫn khi viết di chúc thì bản di chúc đó mới có hiệu lực.

Để tránh trường hợp có ai đó vì một lý do nào đó mà in mẫu di chúc trên mạng và đưa cho chúng ta ký. Và nếu như công nhận bản di chúc này có hiệu lực pháp luật thì nó sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế khác. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên in mẫu di chúc trên mạng rồi ký hoặc điểm chỉ khi không có người làm chứng.

Căn cứ vào Điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc bằng văn bản có 4 loại:

  • Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có công chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Với 3 loại là di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì có thể in mẫu di chúc trên mạng, ký hoặc điểm chỉ dưới mỗi trang nội dung.

b) Về mặt nội dung

Căn cứ vào Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nội dung của di chúc như sau:

– Tên văn bản;

– Ngày, tháng, năm lập di chúc;

– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

– Di sản để lại và nơi có di sản.

Như vậy, một bản di chúc được coi là hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Đồng thời, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hình thức, nội dung theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy để một bản di chúc có hiệu lực là chuyện không hề đơn giản. Do đó, thay vì tìm kiếm những mẫu di chúc trên mạng thì chúng ta nên tìm đến những luật sư có uy tín để được tư vấn cụ thể.

Hi vọng rằng nội dung Luật sư tư vấn sẽ giúp ích được cho bạn đọc. Hãy liên hệ khi có nhu cầu viết di chúc và sử dụng dịch vụ luật sư thừa kế: 0833102102.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm