Người đi tù có được bán đất không?

bởi Thanh Thủy
Người đi tù có được bán đất không

Đi tù hay còn gọi là người đang chấp hành án phạt tù là một trong những hình phạt nghiêm khắc nhất mà pháp luật quy định đối với những người phạm tội. Phạt tù là hình thức tước bỏ tự do của con người, buộc họ phải cách ly khỏi cuộc sống xã hội trong một khoản thời gian nhất định. Những người đang phải chấp hành án phạt tù sẽ bị tước đi một số quyền lợi. Vậy ” người đi tù có được bán đất không”?. Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây của LSX nhé.

Câu hỏi: Chào luật sư, vợ chồng tôi kết hôn từ năm 2016 và trong thời gian hôn nhân thì hai vợ chồng có mua được một mảnh đất rộng hơn 200 mét vuông. Năm 2021, chồng tôi do có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nên đã bị xử phạt mức án là 18 tháng tù. Hiện nay do gia đình khó khăn, tôi có nhu cầu muốn bán mảnh đất mà vợ chồng tôi dang có đi thì có được không ạ?, luật sư cho tôi hỏi là người đi tù có được bán đất không ạ?. Tôi xin cảm ơn.

Điều kiện để bán đất là gì?

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua bán đất) khi có đủ các điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ), trừ trường hợp 02 trường hợp sau:

Theo điểm a khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 có 02 trường hợp không có Sổ đỏ vẫn có quyền bán đất, cụ thể:

+ Người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp Sổ đỏ nhưng được quyền bán đất được thừa kế cho người khác.

+ Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 được bán đất khi:

 Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền bán đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;

Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền bán khi có điều kiện để cấp Sổ đỏ (chưa cần có Sổ).

– Đất không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

Người đi tù có được bán đất không
Người đi tù có được bán đất không

Quyền của người đang chấp hành hình phạt tù

Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định:

  • Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án (khoản 3 Điều 4).
  • Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân (điểm a khoản 1 Điều 27).
  • Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật (điểm e khoản 1 Điều 27).
  • Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (điểm g khoản 1 Điều 27).
  • Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật (điểm h khoản 1 Điều 27).

Như vậy, người chấp hành án phạt tù được hưởng các quyền công dân chỉ trừ những quyền bị pháp luật hoặc Tòa án tước.

Người đi tù có được bán đất không?

Người chấp hành án phạt tù được hưởng các quyền công dân chỉ trừ những quyền bị pháp luật hoặc Tòa án tước. Do đó nếu không bị pháp luật hoặc Tòa án tước hay hạn chế quyền sở hữu tài sản thì thì người chấp hành án vẫn có các quyền này, trong đó có quyền được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp đang chấp hành hình phạt tù, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn được thực hiện theo quy định của Luật đất đai và văn bản pháp luật có liên quan.

Căn cứ theo quy định tại điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyên nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất.

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Theo quy định trên thì trong trường hợp đang chấp hành hình phạt tù nhưng phần đất của người đang đi tù không thuộc những trường hợp đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên người đó, đất đang có tranh chấp, quyền sử dụng đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án và đất hết thời hạn sử dụng đất thì người đi tù vẫn có quyền bán đất theo quy định của pháp luật.

Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi đang chấp hành hình phạt tù

Vì người đứng tên đất đang chấp hành hình phạt tù nên không thể đến Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã phường thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, do đó, trong trường hợp này người bán hộ có thể liên hệ trực tiếp với văn phòng công chứng nơi có đất yêu cầu công chứng viên đến trại giam nơi người đứng tên đất đang chấp hành hình phạt tù để công chứng hợp đồng.

Thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng

Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng nhưng việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang chấp hành hình phạt tù thì phải làm như thế nào?

Thứ nhất, căn cứ theo khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng 2014 người yêu cầu công chứng phải nộp một bộ hồ sơ và nêu nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch. Hồ sơ bao gồm:

  • Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối vớitài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
  • Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Thứ hai, căn cứ theo khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014 thì việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Do đó, người đang chấp hành hình phạt tù có thể công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, cụ thể là tại trại giam nơi người đó đang chấp hành án.

Cơ quan thực hiện công chứng có thể gửi công văn đến ban quản lý trại giam nêu rõ việc đang tiếp nhận và thực hiện yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà một trong các bên tham gia giao dịch là người đang chấp hành án tại trại giam; đồng thời đề nghị được gặp gỡ người đó để thực hiện công chứng.

Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:

  • Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
  • Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;

  • Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của LSX về vấn đề “ Người đi tù có được bán đất không” . Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể tận dụng những kiến thức trên; để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến đất đai như về hợp đồng tặng cho đất có điều kiện, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy định về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đất rừng phòng hộ có được xây nhà không, Khung giá đền bù đất đai, Cấp lại sổ đỏ mới;… của LSX. Hãy liên hệ hotline: 0833.102.102.

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Có thể lấy chữ ký của người đang đi tù để bán đất được không?

Trường hợp quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng phải được sự đồng ý của tất cả thành viên và được các thành viên trên 15 tuổi ký vào. Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình được ký thay cho các thành viên khi được các thành viên trong gia đình đồng ý bằng văn bản, được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
Bên cạnh đó, Căn cứ Điều 44 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người bị kết án phạt tù chỉ bị tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Cho nên, người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện các quyền dân sự của mình trong đó có quyền được biết, nêu ý kiến và ký kết hợp đồng dân sự.
Do vậy, trường hợp gia đình có nhu cầu chuyển nhượng đất đai cho người khác, tùy vào quyền sử dụng đất đó là quyền sử dụng đất của cá nhân hay hộ gia đình mà người cần ký vào hợp đồng cũng khác nhau. Trường hợp quyền sử dụng đất được cấp cho cá nhân, thì không cần lấy chữ ký của người đang chấp hành hình phạt tù. Trường hợp quyền sử dụng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì cần có chữ ký của người đang chấp hành án phạt tù trong trường hợp này đã trên 15 tuổi.
Tuy nhiên, trường hợp này, ngoài việc xin chữ ký trực tiếp của người đang chấp hành hình phạt tù, thì gia đình có thể làm văn bản ủy quyền của người đang chấp hành án cho người đứng tên trên giấy chứng nhận để thực hiện ký kết hợp đồng thì không cần xin chữ ký của người trong tù theo quy định.

Vợ có được bán đất khi chồng đang đi tù hay không?

– Nếu mảnh đất này là tài sản riêng của vợ thì người vợ hoàn toàn có thể bán mà không cần chữ ký của người chồng.
– Nếu mảnh đất này là tài sản riêng của chồng thì người vợ chỉ có quyền bán khi được chồng ủy quyền.
– Nếu mảnh đất này là tài sản chung của vợ chồng thì người chồng phải ủy quyền cho người vợ
      Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật hôn nhân gia đình 2014:
     “Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng”. Như vậy, trong trường hợp người chồng đang chấp hành án phạt tù thì người chồng có thể ủy quyền cho người vợ trong  việc thực hiện giao dịch mua bán đất.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm