Quy định biên chế công chức nhà nước theo pháp luật hiện hành

bởi Thanh Tri
Quy định biên chế công chức nhà nước theo pháp luật hiện hành

Công chức, viên chức là những người làm việc ở vị trí công việc phục vụ lâu dài và vô thời hạn trong các đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cơ quan công lập của nhà nước. Biên chế được hưởng các chế độ về lương và phụ cấp được thẩm quyền phê duyệt hoặc do đơn vị quyết định dưới sự hướng dẫn quy định của Nhà nước. Vậy Công chức, viên chức có chế độ quyền lợi gì? Biên chế công chức nhà nước được quy định là gì theo pháp luật hiện hành?

Tại bài viết dưới đây, Luật sư X xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “ Quy định biên chế công chức nhà nước theo pháp luật hiện hành”. Mong rằng bài viết sẻ mang đến bạn đọc nhiều điều bổ ích .

Căn cứ pháp lý

Quy định của pháp luật về công chức, viên chức

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật viên chức năm 2010 (Sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019):

  • Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
  • Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Quy định về biên chế đối với công chức, viên chức

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 35 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế:

  • Cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm xác định, mô tả vị trí việc làm, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng công chức.
  • Hàng năm, cơ quan sử dụng công chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, báo cáo cơ quan quản lý công chức để phê duyệt và tổ chức tuyển dụng theo quy định

Thứ hai, đối với viên chức, theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Biên chế công chức, viên chức năm 2022 – 2026

Biên chế công chức viên chức năm 2022 – 2026
Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương và các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026.

Theo đó, tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức là 1.979.433 biên chế, trong đó:

  • Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương là 6.285 biên chế, gồm 3.335 cán bộ, công chức và 2.950 viên chức.

(Chi tiết xem thêm tại Phụ lục I)

  • Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) là 64.266 biên chế, gồm 55.949 cán bộ, công chức; 6.959 viên chức và 1.358 biên chế công đoàn tạm giao.

(Chi tiết xem thêm tại Phụ lục II)

  • Chính quyền địa phương (gồm UBND và HĐND) cấp tỉnh trở xuống, đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương; cán bộ, công chức cấp xã là 1.908.882 biên chế:
  • 140.826 cán bộ, công chức.
  • 1.562.485 viên chức.

(Trong đó, 65.980 biên chế giáo viên bổ sung giai đoạn 2022 – 2026. Riêng năm học 2022 – 2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương).

  • 205.571 cán bộ, công chức cấp xã (tạm tính theo số liệu năm 2021, sau đó thực hiện theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP và giảm tương ứng theo lộ trình giảm các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2022 – 2026).

Hiện nay, theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP thì số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau:

  • Loại 1: tối đa 23 người;
  • Loại 2: tối đa 21 người;
  • Loại 3: tối đa 19 người.
    Đến 2026, tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức
    Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, trong đó nêu rõ:

Giai đoạn 2021 – 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 – 2021 thì phải đồng thời:

  • Thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026;
  • Tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 – 2021.

Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 – 2026.

Biên chế được giao giai đoạn 2022 – 2026 không bao gồm lao động hợp đồng.

Quy định biên chế công chức nhà nước theo pháp luật hiện hành

Chế độ quyền lợi của  công chức, viên chức

Khi làm việc theo biên chế, công chức, viên chức có những quyền sau đây:

Quyền của công chức:

Thứ nhất, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ như:

  • Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.
  • Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.
  • Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
  • Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
  • Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.

Thứ hai, công chức được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

Thứ tư, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

 Quy định về quyền của viên chức:

Thứ nhất, viên chức được pháp luật bảo đảm quyền khi hoạt động nghề nghiệp, cụ thể:

  • Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.
  • Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
  • Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc.
  • Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
  • Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
  • Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.
  • Được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, viên chức được đảm bảo về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương:

  • Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.
  • Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
  • Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba, viên chức được đảm bảo về quyền nghỉ ngơi, theo đó:

  • Viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
  • Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
  • Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.
  • Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ tư, viên chức được đảm bảo các quyền về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định như:

  • Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
  • Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Thứ năm, ngoài những quyền được nêu ở trên, viên chức còn được đảm bảo những quyền khác khi làm việc trong biên chế như quyền được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở; được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

Mời bạn xem thêm:

Thông tin liên hệ

Trên đây là những vấn đề liên quan đến “Quy định biên chế công chức nhà nước theo pháp luật hiện hànhLuật sư X tự hào sẽ là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề cho khách hàng liên quan đến tư vấn pháp lý, thủ tục giấy tờ liên quan đến thủ tục đăng ký logo, giải thể doanh nghiệp, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, tra mã số thuế cá nhân, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm… Nếu quý khách hàng còn phân vân, hãy đặt câu hỏi cho Luật sư X thông qua số hotline 0833.102.102. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi nhanh chóng. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Câu hỏi thường gặp

Xếp loại chất lượng cán bộ, công chức được chia thành bao nhiêu mức?

Tại khoản 3 và khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định:
1. Căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ, công chức được xếp loại chất lượng theo các mức như sau: – Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. – Hoàn thành tốt nhiệm vụ. – Hoàn thành nhiệm vụ. – Không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Kết quả xếp loại chất lượng cán bộ, công chức được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác. 3. Việc xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ:
– Đối với cán bộ có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.
– Đối với công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc.
+ Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 02 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại;
+ Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn.

Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức được thực hiện như thế nào?

Tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định:
Công chức dự thi nâng ngạch phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
– Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức;
– Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
– Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi;
– Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức. 2. Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây:
– Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;
– Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?

viên chức thuộc đối tượng không được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Lý giải cho việc quy định này, có thể xem xét đến hai nguyên nhân:
– Viên chức cũng như công chức, cán bộ, có thể là viên chức hoặc viên chức quản lý sẽ là người quản lý hoặc trực tiếp làm công việc liên quan đến các ngành, nghề, lĩnh vực nhất định.
Do đó, quy định không cho viên chức thành lập doanh nghiệp sẽ là biện pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng có thể xảy ra.
– Nếu viên chức vừa làm người quản lý, làm việc trực tiếp vừa là người kinh doanh sẽ dễ có tiêu cực, thậm chí có thể biến doanh nghiệp đó thành “sân sau” của viên chức để thu lợi bất chính

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm