Hiện nay một trong những loại rác chiếm số lượng nhiều và phổ biến nhất hiện nay là rác thải sinh hoạt, mặc dù không thể ngừng tạo ra rác trong quá trình sinh sống, làm việc nhưng vì rác có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Cũng chính vì thế nhằm xử lý và giảm lượng rác sinh hoạt mà nhà nước đã quy định về phân loại rác thải sinh hoạt. Để giải đáp vấn đề trên mời quý độc giả cùng LSX tìm hiểu qua bài viết sau.
Tác hại của ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra
Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,… đây là những vấn đề luôn được nhà nước và người dân quan tâm. Việc ô nhiễm này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, sức khỏe và môi trường sống của con người. Một số tác hại của ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra có thể kể đến như sau:
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị có xu hướng tăng trung bình từ 10% – 16%. Trong đó, tỷ lệ thu gom rác thải tại các đô thị bình quân trên cả nước chỉ đạt khoảng 70% – 85%.
Hiện nay, trên toàn quốc lượng chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị phát sinh 38.000 tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý hơn 85%. Con số này ở nông thôn là 32.000 tấn mỗi ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%.
Rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng tới nhiều mặt của môi trường, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay. Cụ thể:
- Rác thải sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến cả nguồn nước mặt và nước ngầm. Rác có thể do người dân đổ trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ, cống rãnh… Lượng rác này sau khi bị phân huỷ sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng nước mặt, nước ngầm trong khu vực, làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, gây ra các bệnh nguy hiểm.
- Trong thành phần rác thải có chứa nhiều chất độc, khi rác thải được đưa vào môi trường và không được xử lý khoa học thì những chất độc xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất, làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Đặc biệt, hiện nay, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày, mà các túi nilon này cần 50 – 60 năm mới phân hủy trong đất. Do đó, chúng tạo thành các bức tường ngăn cách trong đất, hạn chế quá trình phân hủy, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút.
- Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, chất đống lộn xộn, không thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý,… để lại những hình ảnh không đẹp, gây mất mỹ quan.
- Trong rác thải sinh hoạt, thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn. Các loại rác hữu cơ dễ phân huỷ gây hôi thối, phát triển vi khuẩn gây hại làm ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe. Khu tập trung rác là nơi thu hút, phát sinh và phát triển chuột, ruồi, muỗi, gián, các loại vi trùng gây nhiều chứng bệnh truyền nhiễm cho con người, vật nuôi trong gia đình. Rác thải không được thu gom, tồn đọng trong không khí, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người sống xung quanh… Đặc biệt, các bãi rác công cộng là nguồn mang dịch bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng cũng như làm cho môi trường sống không bị ô nhiễm bởi rác thải, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ hằng ngày.
Quy định phân loại rác thải sinh hoạt chi tiết
Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt (viết tắt là CTRSH) thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý, thành 02 nhóm như sau:
a) Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.
b) Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Cụ thể phân thành 04 nhóm:
- Nhóm Chất thải tái chế (phế liệu): Tạp chí, báo, giấy, sách vở các loại; Vỏ hộp sữa, hộp giấy carton, thùng carton, hộp đựng trứng, khay đựng trứng; Đồ nhựa các loại (lon nước ngọt, xô, chậu, túi…); Đồ nhôm (lon bia, nồi, ấm…); Đồ thủy tinh (chai, lọ…); đồ kim loại (sắt, thép…); Nhóm cao su (vỏ xe, dép, săm, lốp…)… Phế liệu trong sinh hoạt, người dân, chủ nguồn thải có thể bán, cho các cá nhân, tổ chức thu gom có chức năng hoặc lực lượng thu gom tại nguồn.
- Nhóm Chất thải hữu cơ dễ phân hủy: Thức ăn thừa và các loại thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả hư hỏng; cỏ, lá cây, hoa các loại; bã trà, bã cà phê; các loại vỏ, hạt trái cây; xác động vật; phân gia cầm, gia súc nuôi; bã mía, xác mía…Được lực lượng thu gom thực hiện thu gom tại nguồn vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 5, thứ 7 và Chủ nhật.
- Nhóm Chất thải còn lại: Vỏ bao bì bánh, kẹo, giấy bạc; hạt hút ẩm; Đồ sành, sứ, gốm vỡ; túi nylon, giấy ăn đã sử dụng; vải, sợi cũ rách, khăn cũ; đầu lọc thuốc lá; tóc, lông động vật, đất, cát; dao, lưỡi lam, kéo; vỏ sò, vỏ hến, vỏ trứng; trấu thải, tro, than; tả em bé, băng vệ sinh…Được lực lượng thu gom thực hiện thu gom tại nguồn vào các ngày thứ 3 và thứ 6.
- Đối với Nhóm chất thải sinh hoạt nguy hại: pin đã qua sử dụng, bóng đèn hư cũ, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, chất thải điện tử…Hộ gia đình đem đến điểm tiếp nhận hoặc điểm thu hồi chất thải nguy hại được Ủy ban nhân dân Huyện bố trí tại các văn phòng ấp, khu phố.
Rác tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) sau phân loại phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ.
b) Bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.
Lợi ích của việc phân loại rác
Việc chúng ta phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ làm:
Giảm lượng rác thải ra môi trường – tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý;
Giảm lượng rác chôn lấp – tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường;
Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng – tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng;
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên;
Là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội.
Hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, tổ chức
Mỗi hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp tận dụng từ 1-2m2 đất trong khuôn viên của gia đình, tổ chức, doanh nghiệp để đào hố hoặc trên mặt đất trống, hoặc ủ ngoài đồng ruộng để xử lý rác thải hữu cơ phát sinh hàng ngày.
Cách xử lý như sau:
- Đối với hộ gia đình lượng rác thải hữu cơ hàng ngày tương đối nhỏ, đào hố kích thước hố: dài x rộng x sâu là 1m x 1m x1,2m, phần nhô lên mặt đất cao khoảng 0,2m, hố có lắp đậy đảm bảo để tránh nước mưa tràn vào, và tránh côn trùng xâm nhập. Tùy từng điều kiện gia đình có thể đào kích thước hố to hoặc nhỏ hơn và có bổ sung chế phẩm sinh học (Emuniv) hoặc men vi sinh tự làm theo hướng dẫn tạo vi sinh tại mục dưới để giảm mùi và tăng mức độ phân hủy của vi sinh vật.
- Đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình phát sinh lượng chất thải hữu cơ với quy mô lớn có thể Ủ trên mặt đất bằng hoặc dốc, là nơi râm mát có mái che
Các bước thực hiện để xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình (thực hiện 1 lần với khối lượng rác lớn) như sau:
Áp dụng với các hộ gia đình có diện tích, có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm (phát sinh lượng chất thải hữu cơ lớn)
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu (có thể phối trộn thêm một số thành phần khác như sau)
Thứ nhất là dụng cụ: Bình ô doa, xẻng, cào, dao băm, găng tay, khẩu trang, ủng…
Thứ 2 là Men vi sinh: 1 gói men 200g hòa 20l nước (phun cho 1 tấn nguyên liệu).
Thứ 3 là Nguyên liệu: Ngoài rác thải hữu cơ phát sinh từ hoạt động sinh hoạt từ các hộ gia đình có thể bổ sung thêm rơm, bèo (kích thước nên nhỏ hơn 8cm – khoảng nửa gang tay: Trộn 2 tạ rơm + 6 tạ bèo), phân gia súc, gia cầm.
Một số nguyên liệu bổ sung giúp tăng cường chất dinh dưỡng và khả năng phân hủy của chất hữu cơ: Rỉ đường + 6 kg urê + 8 kg lân (nếu có).
Bước 2: Phương pháp tiến hành
- Cho 1/4 số nguyên liệu vào vừa đảo vừa tưới 1/4 dung dịch men vi sinh
- 3 phần còn lại làm tương tự và vun thành đống.
- Phủ kín nilon lên đống ủ.
Bước 3: Theo dõi và kiểm tra
- Luôn giữ độ ẩm (50 – 60%). Nếu thấy phân quá khô thêm nước, nếu quá ướt bổ sung đất bột khô sau đó trộn đều.
- Nhiệt độ đống ủ không quá 600C (Nếu sờ bên ngoài đống ủ thấy nóng hơi dát tay).
Chúng ta có thể kiểm tra chất lượng phân bằng cách quan sát màu sắc của phân: Màu đen hoặc nâu sẫm
Mùi: phân không còn mùi hôi, thối, hay còn mùi hôi nhẹ là đạt tiêu chuẩn. Nếu còn mùi hôi, thêm men (hòa nước ¼ gói men vào nước), che bạt, kiểm tra sau 1 tuần.
- Đối với rác hữu cơ hàng ngày: Sử dụng hố đào trong vườn hoặc thiết bị ủ rác hữu cơ (thùng có nắp đậy nhưng phải thiết kế có hệ thống thoát nước rỉ rác):
Hàng ngày đổ rác hữu cơ vào vào hố đào hoặc thiết bị ủ rác, bổ sung chế phẩm vi sinh
Lưu ý: Sau 30-40 ngày, có thể sử dụng phân vi sinh. Phân hữu cơ vi sinh nên dùng để bón lót cho cây trồng ở giai đoạn làm đất. Trong canh tác, phân vi sinh có tác dụng thay thế một phần phân vô cơ bón cho cây trồng, mặt khác khống chế được bệnh thối đen rễ lúa. Phân vi sinh còn có tác dụng cải tạo đất, giữ cho đất ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè; kiểm soát được cỏ dại và sâu bệnh.
Mời các bạn xem thêm bài viết
- Xe máy chỉ có một gương chiếu hậu có bị phạt không?
- Thay đổi kết cấu xe máy phạt bao nhiêu tiền?
- Giới hạn kích thước hàng hóa xe máy được phép chở tại Việt Nam theo QĐ 2022
Thông tin liên hệ
Luật sư X đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề “Quy định phân loại rác thải sinh hoạt” Ngoài ra, chúng tôi có hỗ trợ dịch vụ pháp lý khác liên quan đến Tranh chấp đất đai. Hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833.102.102 để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022 quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định
Ngoài ra, Điều 25 Nghị định 45/2022 còn quy định một số mức phạt khác liên quan đến hành vi thu gom, thải rác trái quy định về bảo vệ môi trường, gồm: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Cùng với việc xử phạt trực tiếp, Nghị định cũng cho phép phạt nguội với các hành vi trên. Thay vì bắt quả tang để xử phạt, hệ thống camera sẽ ghi lại hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định để xử phạt nguội.
Theo khoản 2, Điều 6, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định đây là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền gấp 02 đối với cá nhân.
Theo quy định điểm c và d Khoản 18 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi vứt rác thải bừa bãi bị xử phạt như sau:
c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.
Nếu địa phương bạn sinh sống có thùng rác công cộng thì bạn nên đổ rác vào đúng thùng chứa rác để đảm bảo vệ sinh. Nếu địa phương bạn không có thùng rác công cộng thì mỗi khi đến cuối giờ chiều sẽ có người đến thu gom rác tại địa phương bạn và có kẻng đổ rác. Bạn cần chuẩn bị để mang rác ra đổ đúng giờ, tránh trường hợp không đổ rác được đúng nơi mà vứt rác bừa bãi.