Quy định về chuyển sinh hoạt đảng khi nghỉ hưu như thế nào?

bởi Gia Vượng
Quy định về chuyển sinh hoạt đảng khi nghỉ hưu như thế nào?

Trên thực tế hiện nay, vẫn còn tồn tại một số địa phương xuất hiện tình trạng nhiều Đảng viên công tác ở địa phương, dù đã về hưu cư trú và sinh sống trên địa bàn nhưng không thực hiện chuyển sinh hoạt Đảng. Vậy pháp luật quy định về chuyển sinh hoạt đảng khi nghỉ hưu như thế nào? Làm sao để tránh những tình trạng nêu trên? Đối tượng xét miễn công tác và sinh hoạt Đảng gồm những ai? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này tại nội dung bài viết dưới đây. Hi vọng bài viết mang lại nhiều điều bổ ích đến bạn đọc.

Căn cứ pháp lý

Quy định 29-QĐ/TW

Đảng viên là gì?

Theo quy định khoản 1 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 thì Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Những ai có thể kết nạp Đảng?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 được hướng dẫn bởi bởi Mục 1 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 thì công dân đủ các điều kiện sau có thể được xét để kết nạp vào Đảng:

– Về tuổi đời.

+ Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).

+ Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

– Về trình độ học vấn.

+ Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

+ Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư.

Đối tượng xét miễn công tác và sinh hoạt Đảng gồm những ai?

Theo quy định tại Hướng dẫn 27-HD/BTCTW hướng dẫn về việc miễn công tác và sinh hoạt Đảng đối với Đảng viên thì đối tượng, thủ tục xét miễn công tác và sinh hoạt đảng như sau:

Trong trường hợp xét, quyết định miễn công tác và sinh hoạt đảng đối với những đảng viên tuổi cao, sức khỏe yếu và tự nguyện xin miễn công tác và sinh hoạt đảng 

– Đảng viên tuổi cao là đảng viên hết tuổi lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động: nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi. 

– Đảng viên sức khỏe yếu do chi bộ xem xét dựa vào tình trạng sức khỏe thực tế của đảng viên (mắc bệnh cần chữa trị dài ngày (từ ba tháng trở lên); hoặc căn cứ bệnh án của cơ sở y tế). 

Quy định về chuyển sinh hoạt đảng khi nghỉ hưu
Quy định về chuyển sinh hoạt đảng khi nghỉ hưu

– Đảng viên thuộc đối tượng nêu trên tự nguyện làm đơn hoặc báo cáo trực tiếp với chi bộ. Chi bộ họp xét, ra nghị quyết để đảng viên được miễn công tác, sinh hoạt đảng (ghi sổ nghị quyết của chi bộ) và báo cáo với cấp ủy cơ sở. 

Lưu ý: Khi đảng viên có nguyện vọng trở lại công tác và sinh hoạt đảng, làm đơn hoặc trực tiếp báo cáo để chi bộ xét, quyết định.

Trong trường hợp xét, quyết định miễn công tác và sinh hoạt đảng đối với những trường hợp khác 

– Đảng viên đi thăm người thân ở trong nước, ngoài nước từ ba tháng trở lên; đảng viên làm việc lưu động hoặc việc làm không ổn định, xa nơi đang sinh hoạt chi bộ, không có điều kiện tham gia sinh hoạt chi bộ theo quy định. 

+ Trong các trường hợp này, Đảng viên làm đơn nêu rõ lý do và thời gian xin miễn công tác và sinh hoạt đảng, báo cáo chi bộ. 

+ Chi bộ họp xét, ra nghị quyết cho đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng và báo cáo để cấp ủy cơ sở biết; thời gian miễn công tác và sinh hoạt đảng không quá 12 tháng. 

+ Hết thời gian miễn công tác, sinh hoạt đảng, đảng viên phải làm bản tự kiểm điểm về việc giữ gìn tư cách đảng viên, báo cáo để chi bộ xét cho trở lại sinh hoạt đảng. 

+ Trường hợp đảng viên cần đi thêm đợt mới thì phải làm đơn, báo cáo để chi bộ xem xét, quyết định. 

– Đảng viên là cán bộ, công chức nghỉ trước tuổi chờ đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ quy định của Nhà nước có nguyện vọng được miễn công tác và sinh hoạt đảng. 

+ Trong thời gian đảng viên nghỉ chờ làm thủ tục nghỉ hưu thì tổ chức đảng làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tạm thời về đảng bộ nơi đảng viên cư trú; 

+ Nếu đảng viên có nguyện vọng miễn sinh hoạt đảng thì làm đơn, báo cáo chi bộ nơi mình làm việc. 

+ Chi bộ xét, ra nghị quyết cho đảng viên được miễn sinh hoạt đảng và báo cáo để cấp ủy cơ sở biết. 

+ Sau khi cơ quan có thẩm quyền làm xong thủ tục, cấp sổ hưu cho đảng viên thì tổ chức đảng chuyển sinh hoạt đảng chính thức cho đảng viên về nơi cư trú.

Quy định về chuyển sinh hoạt đảng khi nghỉ hưu như thế nào?

Theo quy định tại điểm a, mục 6.3, Điều 6 Quy định 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực hoặc thay đổi nơi cư trú phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Và tại điểm c, mục này quy định trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt đảng. Nếu quá thời hạn trên, đảng viên hoặc tổ chức đảng vi phạm phải báo cáo lý do cụ thể để cấp ủy có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Đảng viên không tham gia sinh hoạt đảng thì không những không được hưởng quyền lợi của người đảng viên mà tại điểm 8.1, Điều 8, quy định này khẳng định: Chi bộ xem xét, đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên đối với một trong các trường hợp như: “Đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí 3 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng…”.

Để khắc phục tình trạng như vậy, các tổ chức đảng cần phải thường xuyên rà soát, nắm chắc số lượng đảng viên đã nghỉ hưu, đảng viên chuyển từ đơn vị khác về trên địa bàn sinh sống nhưng không chuyển sinh hoạt để báo cáo với cấp trên. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, thực hiện nghiêm các văn bản như Hướng dẫn 01-HD/TW ngày 20/9/2016, Quy định 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW về nghiệp vụ công tác đảng viên của Ban Tổ chức Trung ương để làm tốt công tác tiếp nhận và chuyển sinh hoạt theo quy định.

Đặc biệt, bản thân người đảng viên là cán bộ đã nghỉ hưu cần nêu cao hơn tinh thần gương mẫu, chấp hành nghiêm các quyền, nghĩa vụ của người đảng viên đã được ghi trong Điều lệ Đảng, tiếp tục rèn luyện đạo đức cách mạng, đóng góp xây dựng tổ chức đảng ở nơi cư trú vững mạnh.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Thông tin liên hệ:

Trên đây là các thông tin của Luật sư X về Quy định “Quy định về chuyển sinh hoạt đảng khi nghỉ hưu như thế nào?” theo pháp luật hiện hành. Ngoài ra nếu bạn đọc quan tâm tới vấn đề khác liên quan đến dịch vụ tạm ngừng kinh doanh hay tư vấn pháp lý về vấn đề mẫu tạm ngừng kinh doanh gửi cơ quan thuế… có thể tham khảo và liên hệ tới hotline 0833102102 của Luật sư X để được tư vấn, tháo gỡ những khúc mắc một cách nhanh chóng.

Câu hỏi thường gặp:

Trường hợp nào được chuyển sinh hoạt Đảng?

Theo quy định tại Điều 6 Quy định số 29-QĐ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định có 05 trường hợp được xem xét và quyết định chuyển sinh hoạt Đảng:
– Chuyển sinh hoạt Đảng chính thức: Khi Đảng viên có quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài. Trong đó, Đảng viên đang bị thanh tra, kiểm tra, đang xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì chưa chuyển.
– Chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời: Khi Đảng viên thay đổi nơi cư trú, nơi công tác từ 03 tháng – 01 năm; Được cử đi học trong nước từ 03 tháng – 02 năm sau đó trở về đơn vị cũ làm việc;
– Chuyển sinh hoạt Đảng ra nước ngoài;
– Chuyển sinh hoạt Đảng khi chuyển giao, thành lập mới, chia tách, sáp nhập chi bộ, Đảng bộ: Trường hợp này, cấp ủy cấp trên nơi chuyển đi làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng tập thể cho Đảng viên;
– Chuyển sinh hoạt Đảng khi tổ chức Đảng bị kỷ luật giải tán, bị giải thể: Trong 30 ngày khi có quyết định giải tán, giải thể thì cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức Đảng đó thu hồi hồ sơ, con dấu và làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cho Đảng viên.

Học sinh, sinh viên đã là Đảng viên thì sinh hoạt đảng ở đâu?

Đảng viên là học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường ở trong nước mà chưa có nơi nhận làm việc hoặc nơi làm việc chưa có tổ chức đảng thì đảng ủy nhà trường có thể để đảng viên sinh hoạt ở đảng bộ nhà trường trong 12 tháng (hoặc chuyển sinh hoạt đảng về tổ chức đảng nơi cư trú theo đề nghị của đảng viên), quá thời hạn này thì giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng chính thức cho đảng viên về đảng bộ nơi cư trú

Khi chuyển sinh hoạt Đảng, Đảng viên có trách nhiệm gì?

Theo quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt đảng với đảng ủy cơ sở, chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt đảng. Nếu quá thời hạn trên, đảng viên hoặc tổ chức đảng vi phạm phải báo cáo lý do cụ thể để cấp ủy có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng.
Đảng viên phải bảo quản cẩn thận hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng, nếu để mất giấy giới thiệu sinh hoạt đảng và hồ sơ thì phải báo cáo ngay với cấp ủy nơi đã làm thủ tục trước đó để cấp ủy xem xét và giới thiệu với cấp ủy cơ sở nơi chuyển đi xét, lập lại hồ sơ đảng viên và làm lại thủ tục chuyển sinh hoạt đảng.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm