Vay vốn ngân hàng là một trong những giải pháp nhanh và phổ biến nhất khi chúng ta cần một khoản tiền để đầu tư hay tiêu dùng vào các mục đích cá nhân. Khi vay tiền, một trong những vấn đề được chúng ta quan tâm hàng đầu đó chính là quy định về lãi suất cho vay của các ngân hàng. Điều này được pháp luật tài chính và ngân hàng quy định rõ ràng và cụ thể. Vậy quy định về lãi suất cho vay của ngân hàng như thế nào? Các hình thức cho vay của các ngân hàng hiện nay ra sao? Điều kiện vay vốn ngân hàng là gì? Những nhu cầu vốn nào không được cho vay? Quy định về thỏa thuận vay ngân hàng ra sao? Hãy cùng LSX tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé! Hy vọng bài viết sau đây sẽ thực sự hữu ích đối với bạn.
Căn cứ pháp lý
Cho vay là gì?
Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao cho khách hàng sử dụng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Đối tượng cho vay chủ yếu là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế với mục đích sử dụng vốn tín dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, cho vay, còn gọi là tín dụng, là việc một bên (bên cho vay) cung cấp nguồn tài chính cho đối tượng khác (bên đi vay) trong đó bên đi vay sẽ hoàn trả tài chính cho bên cho vay trong một thời hạn thỏa thuận và thường kèm theo lãi suất.
Điều kiện vay vốn ngân hàng
Ngân hàng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
– Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
– Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
– Có phương án sử dụng vốn khả thi.
– Có khả năng tài chính để trả nợ.
– Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Những nhu cầu vốn không được cho vay
Ngân hàng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:
– Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
– Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.
– Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
– Để mua vàng miếng.
– Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
– Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;
+ Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
+ Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Quy định về thỏa thuận vay ngân hàng
Thỏa thuận vay ngân hàng (hay còn gọi là thỏa thuận cho vay) phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:
– Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cho vay; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của khách hàng;
– Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
– Mục đích sử dụng vốn vay;
– Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;
– Phương thức cho vay;
– Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức, thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
– Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng;
– Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;
– Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; trả nợ trước hạn;
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn theo Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN;
– Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
– Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN;
– Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;
– Hiệu lực của thỏa thuận cho vay.
Ngoài các nội dung trên, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
Các hình thức cho vay của các ngân hàng hiện nay
Hình thức cho vay theo từng lần của các ngân hàng
Đây là hình thức cho vay được áp dụng dành cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn không thường xuyên, không liên tục. Bất kể khi nào có nhu cầu cần vay vốn, khách hàng chỉ cần đến làm thủ tục cho vay ngay tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng để đượ vay vốn. Và khi hai bên đã thỏa thuận xong sẽ ký một bản hợp đồng cam kết.
Hình thức này dù sẽ giúp bạn có thể giải quyết được nhu cầu đối với từng lần co vay riêng lẻ và ngân hàng có thể đảm bảo được nguồn vốn. Nhưng với thủ tục có phần phức tạp trong quá trình xét duyệt do đó gây mất nhiều thời gian. Trong một số trường hợp khi người vay có vòng quay nhanh để phục vụ các mục tiêu khác nhau thì ngân hàng khó kiểm soát được.
Hình thức cho vay theo đúng hạn mức
Hình thức vay đúng hạn mức sẽ có sự khác biệt so với hình thức vay từng lần. Đối với kiểu vay này, một định mức tín dụng sẽ được ngân hàng áp dụng dành cho người đi vay trong một khoảng thời gian nào đó. Để được sử dụng gói vay này, khách hàng cần là đơn vị có tình trạng kinh doanh ổn định, thanh toán khoản vay đúng hạn theo quy định và tạo được sự uy tín đối với ngân hàng.
So với hình thức vay từng lần, ngân hàng có thể kiểm soát được khoản vay của các đơn vị một cách chặt chẽ hơn. Nhưng đòi hỏi ngân hàng phải luôn trong tình trạng có sẵn vốn vay để giải ngân cho khách hàng.
Hình thức cho vay trả góp – hình thức thông dụng của các ngân hàng
Vay trả góp gần như là hình thức cho vay phổ biến nhất hiện nay không chỉ có ở các ngân hàng mà còn xuất hiện ở các tổ chức tín dụng, các dịch vụ cho vay tư nhân. Khi đó, khách hàng và ngân hàng chỉ cần thỏa thuận số tiền vay và lãi suất tương ứng. Sau đó đem tổng khoản vay này để chia thành nhiều kỳ hạn trả. Nếu người đi vay sử dụng khoản tiền này để mua tài sản, thì tài sản này sẽ chính thức thuộc quyền sở hữu của người vay khi đã trả đủ khoản vay cho ngân hàng.
Hình thức này được sử dụng phổ biến bởi có rất nhiều ưu điểm vì mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng.
– Khi vay trả góp, người đi vay không cần phải dùng bất kỳ tài sản nào để được chấp thuận khoản vay giống như hình thức cho vay thế chấp. Những yêu cầu để làm thủ tục đơn giản, chỉ cần chuẩn bị sẵn các loại giấy tờ tùy thân để làm hồ sơ.
– Tiêu chí để bạn được xét duyệt hồ sơ đơn giản bởi ngân hàng chỉ xét duyệt dựa vào khả năng thanh toán khoản vay mà ngân hàng không cần truy xét về mục tiêu sử dụng tiền vay. Chính vì vậy bạn cần có thêm các giấy tờ để minh chứng về thu nhập hoặc chứng minh doanh thu từ các hoạt động kinh doanh hiện có của mình.
– Nếu bạn có được sự uy tín trong quá trình trả các khoản vay trước đó thì những khoản vay tiếp theo bạn sẽ được xét duyệt một cách nhanh chóng hơn.
Nhưng bạn cũng cần một số lưu ý đối với khoản vay này là có thể phát sinh thêm các phụ phí và cần xác định rõ lãi suất trước khi vay.
Hình thức cho vay thông qua sử dụng thẻ tín dụng
Hiện nay, ngân hàng đã phát triển một hình thức vay cho phép khách hàng sử dụng một số vốn đúng với hạn mức tín dụng để phục vụ cho một số nhu cầu như trả tiền khi mua hàng hóa, hay sử dụng dịch vụ nào đó. Thậm chí khách hàng còn có thể rút tiền mặt ngay tại các trụ ATM hay điểm ứng tiền là chi nhánh của ngân hàng.
Quy định về lãi suất cho vay của ngân hàng
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về lãi suất cho vay như sau:
– Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
– Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
+ Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
+ Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;+) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
+ Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
+ Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
– Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.
– Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
+ Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
+ Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
– Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.
Mức lãi suất cho vay tối đa của ngân hàng từ 25/10/2022 là bao nhiêu?
Theo Quyết định 1813/QĐ-NHH thì mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.
2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm.
Mức lãi suất cho vay trước ngày 25/10/2022 thực hiện thế nào?
Theo quy định tại Điều 2 Quyết định 1813/QĐ-NHH thì lãi suất áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay được ký kết trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay.
Khuyến nghị
Đội ngũ luật sư, luật gia cùng chuyên viên, chuyên gia tư vấn pháp lý với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chúng tôi có cung cấp dịch vụ tư vấn luật tài chính Luật sư X với phương châm “Đưa luật sư đến ngay tầm tay bạn” chúng tôi đảm bảo với quý khách hàng sự UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – CHUYÊN NGHIỆP.
Thông tin liên hệ
Luật sư X đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề “Quy định về lãi suất cho vay của ngân hàng“. Ngoài ra, chúng tôi có hỗ trợ dịch vụ pháp lý khác liên quan đến vấn đề tư vấn pháp lý về vấn đề dịch vụ thám tử tận tâm. Hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833.102.102. để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Lãi suất ngân hàng (bao gồm ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác) được phân thành nhiều loại khác nhau dựa trên cơ sở của các tiêu chí phân loại khác nhau.
Lãi suất theo nguồn sử dụng
Lãi suất ngân hàng được phân thành lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Lãi suất huy động là lãi suất mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác đưa ra khi huy động tiền gửi và là loại lãi suất quy định tỉ lệ lãi phải trả cho các hình thức nhận tiền gửi của khách hàng. Lãi suất cho vay là lãi suất mà ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác đưa ra để thu của người vay tiền. Lãi suất cho vay ở Việt Nam chủ yếu có ba loại là lãi suất cho vay của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, lãi suất của các tổ chức tín dụng với nhau và lãi suất của tổ chức tín dụng với khách hàng.
Lãi suất theo giá trị thực
Lãi suất ngân hàng được chia thành hai loại là lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực. Lãi suất danh nghĩa là loại lãi suất được xác định một kì hạn gửi hoặc vay, thể hiện trên quy ước giấy tờ được thoả thuận trước. Lãi suất thực là loại lãi suất xác định giá trị thực của khoản lãi được trả hoặc thu được sau khi đã trừ đi tỈ lệ lạm phát. Thông thường, trong nền kinh tế luôn có lạm phát nên lãi suất danh nghĩa bao giờ cũng cao hơn lãi suất thực.
Lãi suất theo thời gian
Lãi suất ngân hàng được chia thành ba loại là lãi suất huy động cho vay ngắn hạn, lãi suất huy động cho vay trung hạn và lãi suất huy động cho vay dài hạn.
Lãi suất ngân hàng cũng có thể được chia thành lãi suất đơn và lãi suất kép. Lãi suất đơn là tỉ lệ theo năm, tháng, ngày của số tiền lãi so với số tiền vay ban đầu để tính lãi thời hạn kế tiếp. Lãi suất kép là tỉ lệ theo năm, tháng, ngày của số tiền lãi so với số tiền vay, số tiền vay này tăng lên do có gộp lãi qua từng thời kì cho vay.
Lãi suất theo phương thức trả
Lãi suất ngân hàng được chia thành lãi suất trả trước và lãi suất trả sau. Lãi suất trả trước là lãi suất được tính trước và tính vào phần tiền gửi. Lãi suất trả sau là lãi suất mà sau kì hạn gửi tiền người gửi mới được nhận.
Theo chức năng của các ngân hàng
Lãi suất ngân hàng được chia thành lãi suất ngân hàng nhà nước và lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Lãi suất ngân hàng nhà nước là lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định trong hoạt động ngân hàng. Lãi suất ngân hàng nhà nước gồm có lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu. Lãi suất cơ bản là lãi suất do ngân hàng nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất do ngân hàng nhà nước áp dụng khi tái cấp vốn. Lãi suất tái chiết khấu là hình thức lãi suất tái cấp vốn được áp dụng khi ngân hàng nhà nước tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn cho các tổ chức tín dụng.
Lãi suất của các tổ chức tín dụng là lãi suất mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác áp dụng trong giao dịch với khách hàng. Lãi suất của các tổ chức tín dụng bao gồm các loại như lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, lãi suất thoả thuận, lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất thoả thuận là mức lãi suất do các tổ chức tín dụng thoả thuận với khách hàng trong hoạt động tín dụng thương mại. Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất thoả thuận giữa các tổ chức tín dụng với nhau trong việc vay các khoản vốn ngắn hạn.
Lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước đưa ra để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh như lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi. Lãi suất cơ bản là công cụ để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các chính sách tiền tệ trong ngắn hạn và chống cho vay nặng lãi.
Lãi suất cơ bản chỉ áp dụng cho đồng Việt Nam, do Ngân hàng Nhà nước công bố. Lãi suất cơ bản được xác định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động đầu vào của tổ chức tín dụng và xu hướng biến động cung – cầu vốn.
Từ khái niệm trên có thể thấy lãi suất cơ bản đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động tín dụng của ngân hàng nhà nước vì nó là công cụ quan trọng để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền tệ, tác động chung lên thị trường tài chính trong nước theo từng giai đoạn. Khi lãi suất cơ bản giảm cũng sẽ kéo theo lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm và ngược lại.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bạn đến gặp nhân viên tư vấn của ngân hàng để đề nghị vay vốn. Lúc này nhân viên sẽ đặt ra một số vấn đề xoay quanh nhu cầu vay tiền, bao gồm: Mục đích vay là gì? Số tiền cần vay là bao nhiêu? Bạn có thể trả nợ trong thời gian bao lâu? Có tài sản đảm bảo không? Nguồn thu nhập trung bình hàng tháng bao nhiêu? Có nguồn thu khác hay không?…
Sau khi biết được chính xác câu trả lời của bạn, nhân viên ngân hàng sẽ kiểm tra và cân nhắc khoản vay phù hợp nhất. Sau đó hướng dẫn bạn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của ngân hàng.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và thẩm định
Đây là giai đoạn bạn đem hồ sơ đến ngân hàng để nộp. Nhân viên ở bộ phận thẩm định sẽ tiếp nhận hồ sơ và tiến hành kiểm tra toàn bộ. Mỗi ngân hàng sẽ có phương pháp thẩm định khác nhau nhằm hạn chế rủi ro. Bạn càng cung cấp hồ sơ đầy đủ, chính xác, càng có cơ hội giải ngân cao.
Bước 3: Phê duyệt khoản vay
Sau khi thẩm định hồ sơ vay tiền, nhân viên ngân hàng sẽ lập báo cáo đề xuất tín dụng và gửi lên các cấp có thẩm quyền. Lúc này các lãnh đạo cấp cao mới phê duyệt khoản vay. Và nhân viên ngân hàng sẽ thông báo đến bạn ngay khi có kết quả.
Bước 4: Giải ngân
Nếu hồ sơ được duyệt, bạn sẽ nhận được tiền vay giải ngân từ ngân hàng trong thời gian 1 – 3 ngày. Hoặc có thể kéo dài 7 ngày nếu như khoản vay phức tạp. Số tiền giải ngân có thể nhận bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tùy yêu cầu của bạn.