Thừa kế là một quan hệ của pháp luật dân sự. Với quan hệ này, các chủ thể sẽ có quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong đó, người có tài sản là người để lại thừa kế; trước khi chết, họ có quyền để lại tài sản của mình cho những người còn sống khác. Người thừa kế là người được nhận di sản của người chết dịch chuyển cho mình theo ý chí của họ hoặc theo pháp luật. Vậy việc thừa kế theo ý chí (theo di chúc) hoặc thừa kế theo pháp luật có điểm gì giống và khác nhau? Hãy cùng Phòng tư vấn Luật thừa kế của Luật sư X tìm hiểu nhé!
Căn cứ pháp lý
Nội dung tư vấn
Thừa kế theo pháp luật là gì?
Căn cứ tại Điều 649 Bộ luật Dân sự quy định: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định“. Như vậy, thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế; điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Cá nhân có quyền sở hữu với tài sản của mình, sau khi chết, số tài sản còn lại được chia đều cho những người thừa kế. Người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng. Những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết; thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận. Phạm vi những người thừa kế rất rộng, vì vậy pháp luật quy định thành nhiều hàng thừa kế. Trong đó, hàng thứ nhất là những người có quan hệ hôn nhân; huyết thống gần gũi nhất so với các hàng khác. Các hàng tiếp theo là những hàng dự bị nếu như người chết không có những người ở hàng thứ nhất; hoặc có nhưng họ đều không nhận; hoặc không có quyền nhận.
Xem thêm:
Thế nào là thừa kế theo di chúc?
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết“. Có thể thấy, thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống; theo quyết định của người đó trước khi chết được thể hiện trong di chúc. Nội dung cơ bản của thừa kế theo di chúc là chỉ định người thừa kế (cá nhân, tổ chức); và phân định tài sản, quyền tài sản cho họ, giao cho họ nghĩa vụ tài sản…
Xem thêm: Cách viết di chúc như thế nào?
So sánh thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc
Điểm giống nhau
- Đều là sự chuyển dịch tài sản của người đã chết cho những người còn sống.
- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
- Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.
- Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế; hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế; nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Tất cả đều có quyền từ chối nhận thừa kế.
- Người không được quyền hưởng di sản là những người được liệt kê tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
- Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình; hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Điểm khác nhau
Thứ nhất, về người được thừa kế:
- Đối với thừa kế theo pháp luật: Chia theo hàng thừa kế, thứ tự được quy định như sau: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Đối với thừa kế theo di chúc: Tất cả các cá nhân, tổ chức có tên trong di chúc; và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; tôn trọng ý chí của người lập di chúc. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên; con đã thành niên mà không có khả năng lao động; nếu không có tên trong di chúc thì vẫn được hưởng một phần di sản tối thiểu bằng 2/3 một suất thừa kế.
Thứ hai, về hình thức:
- Đối với thừa kế theo pháp luật: Lập thành văn bản thỏa thuận có công chứng về việc phân chia di sản của các đồng thừa kế. Nếu có tranh chấp thừa kế thì theo quyết định của Tòa án về phân chia di sản.
- Đối với thừa kế theo di chúc: Được lập bằng văn bản; nếu không lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng.
Thứ ba, về các trường hợp được hưởng thừa kế:
+ Thừa kế theo pháp luật gồm những trường hợp: – Không có di chúc; – Di chúc không hợp pháp; – Những người thừa kế đều chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế; – Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản; – Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; – Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; – Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản; từ chối quyền nhận di sản; chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
+ Đối với thừa kế theo di chúc: Theo ý chí, nguyện vọng của cá nhân khi lập di chúc; cá nhân được hưởng thừa kế phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế phải đang hoạt động vào thời điểm mở thừa kế; những người thuộc diện đương nhiên nhận thừa kế: cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên; hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
Thứ tư, về thứ tự ưu tiên:
- Thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng khi rơi vào các trường hợp như phân tích ở trên.
- Thừa kế theo di chúc được ưu tiên áp dụng trước.
Thứ năm, về thừa kế thế vị:
- Thừa kế theo pháp luật: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước; hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha; hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước; hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha; hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
- Thừa kế theo di chúc: Không có thừa kế thế vị.
Thứ sáu, về phân chia di sản:
+ Đối với thừa kế theo pháp luật: – Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai; nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng; để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng. – Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật; và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.
+ Đối với thừa kế theo di chúc: – Được thực hiện theo ý chí của người lập di chúc; nếu di chúc không phân định rõ ràng thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc; trừ trường hợp có thỏa thuận khác. – Trường hợp xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi; lợi tức thu được từ hiện vật đó; hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. – Trường hợp phân chia theo tỉ lệ khối di sản thì dựa vào khối di sản đang còn lại vào thời điểm mở thừa kế.
Hi vọng rằng nội dung Luật sư tư vấn sẽ giúp ích được cho bạn đọc. Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư thừa kế: 0833.102.102
Câu hỏi thường gặp
Khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự khẳng định:
“Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.”
Đồng thời, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập bất cứ lúc nào. Đặc biệt:
“Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.”
Ngoài ra, nếu trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.
Trong đó, thời hiệu yêu cầu chia di sản được quy định cụ thể tại Điều 623 Bộ luật Dân sự như sau:
– Thời hiệu yêu cầu chia di sản là bất động sản: 30 năm; động sản: 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
– Thời hiệu để yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình, bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Thời hiệu yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Từ những quy định trên có thể thấy, di chúc có hiệu lực từ thời điểm người để lại di chúc chết và có hiệu lực đến hết thời hiệu chia thừa kế (30 năm với bất động sản, 10 năm với động sản). Đặc biệt, nếu trong thời hiệu này, dù di sản đã được chia thì vẫn có thể yêu cầu chia lại theo di chúc.
Căn cứ Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”
Theo Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.”