Xác định xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?

bởi TranQuynhTrang
Xác định xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?

Trong cuộc sống hiện nay, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã không còn quá xa lạ. Sáng chế là một trong những đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và khi cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện sẽ được bảo hộ sáng chế đó của mình. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu đối tượng sáng chế được pháp luật bảo hộ này. Vậy cách xác định xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào? Hãy cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây của Luật sư X để rõ hơn vấn đề này bạn nhé!

Căn cứ pháp lý

Xác định khả năng có xâm phạm sáng chế tại Việt Nam hay không bằng cách nào?

Để xác định khả năng có xâm phạm sáng chế của người khác hay không, cần phải thực hiện biện pháp so sánh, đối chiếu sáng chế được bảo hộ với sản phẩm dự định đưa ra thị trường nhằm đánh giá sự trùng lặp hay tương đương giữa sản phẩm đó với sáng chế được bảo hộ, trên cơ sở này, nhận định về nguy cơ xâm phạm đối với sáng chế đang được bảo hộ ở mức độ nào, cao hay thấp.

Xác định xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?

Căn cứ để so sánh và đánh giá khả năng xâm phạm sáng chế là phạm vi bảo hộ sáng chế được xác định theo phần Yêu cầu bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Phần yêu cầu bảo hộ thường được thể hiện ngay sau phần mô tả sáng chế của Văn bằng được cấp, và là phần cốt lõi của bất kỳ sáng chế nào bởi vì chúng được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Nếu sản phẩm hay quy trình thuộc (hoặc rơi vào) phạm vi bảo hộ của sáng chế được bảo hộ, sẽ có hành vi xâm phạm sáng chế xảy ra và ngược lại.

Cơ quan thực thi của Việt Nam sẽ căn cứ vào phạm vi bảo hộ hay yêu cầu bảo hộ của bản mô tả sáng chế để phân tích, đánh giá về tính trùng lặp hay tương đương giữa sáng chế được bảo hộ với sản phẩm/quy trình nghi ngờ xâm phạm.

Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định căn cứ xác định hành vi xâm phạm. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:

– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.

– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Như vậy, để đánh giá khả năng xâm phạm sáng chế tại Việt Nam, cần phải xem xét kỹ bằng độc quyền sáng chế, dựa vào phần yêu cầu bảo hộ nhằm xác định phạm vi bảo hộ của sáng chế, trên cơ sở đó, so sánh sản phẩm/quy trình bị nghi ngờ so với sáng chế được bảo hộ. Lưu ý rằng, phần yêu cầu bảo hộ trong bản mô tả sáng chế có thể chứa một hoặc nhiều điểm yêu cầu bảo hộ của sáng chế ở dạng điểm độc lập và điểm phụ thuộc. Mỗi điểm yêu cầu bảo hộ sẽ thể hiện bản chất kỹ thuật của đối tượng cần được bảo hộ, tức là chứa các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản để tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định được đối tượng cần được bảo hộ, để đạt được mục đích đề ra, cũng như để phân biệt đối tượng cần được bảo hộ với đối tượng đã biết.

Xác định xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?
Xác định xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?

So sánh giữa sáng chế được bảo hộ và sản phẩm nghi ngờ như thế nào?

Để biết sản phẩm nghi ngờ có bị coi là trùng hay tương đương với sáng chế được bảo hộ hay không, cần so sánh/đối chiếu giữa sản phẩm nghi ngờ với sáng chế được bảo hộ. Nguyên tắc so sánh được quy định tại Điều 11, Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, theo đó, quy định rằng: Sản phẩm/quy trình được coi là trùng hoặc tương đương với sáng chế được bảo hộ theo một điểm nào đó (độc lập và phụ thuộc) của yêu cầu bảo hộ thuộc Bằng độc quyền sáng chế nếu tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản được nêu trong điểm yêu cầu bảo hộ đó đều có mặt trong sản phẩm/quy trình nghi ngờ dưới dạng trùng hoặc tương đương.

Dấu hiệu kỹ thuật cơ bản là tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật có ảnh hưởng đến bản chất của giải pháp kỹ thuật, tức là các dấu hiệu (đặc điểm) mà nếu thiếu chúng thì sẽ không đủ để tạo thành giải pháp kỹ thuật là sáng chế nêu trong đơn và không đủ để đạt được mục đích, không giải quyết được nhiệm vụ đặt ra cho sáng chế.

Các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản của sáng chế được bảo hộ nằm ở đâu trong bản mô tả sáng chế? Chúng được thể hiện tại phạm vi (yêu cầu) bảo hộ sáng chế. Dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản là đặc điểm về chức năng, công dụng, cấu tạo, liên kết, thành phần… cùng với các dấu hiệu cơ bản khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định bản chất (nội dung) của đối tượng.

Điều cốt lõi nhất trong việc xác định được liệu có hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế xảy ra hay không là cần đánh giá có hay không có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét. Điều 8, Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định rằng: Yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế có thể thuộc một trong các dạng sau đây: (i) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế; (ii) Quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế; và (iii) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.

Hơn nữa, để xác định được mức độ trùng hay tương đương giữa sản phẩm bị xem xét với sáng chế được bảo hộ, cần dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, cụ thể:

a) Hai dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được coi là trùng nhau nếu dấu hiệu đó có cùng bản chất, cùng mục đích sử dụng, cùng cách thức đạt được mục đích và cùng mối quan hệ với các dấu hiệu khác nêu trong yêu cầu bảo hộ;

b) Hai dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được coi là tương đương với nhau nếu có bản chất tương tự nhau hoặc có thể thay thế cho nhau, có mục đích sử dụng và cách thức để đạt được mục đích sử dụng cơ bản giống nhau.

Như vậy, có thể thấy rằng, sản phẩm nghi ngờ bị coi là “trùng” với sáng chế được bảo hộ nếu tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của sản phẩm đó trùng hoặc tương đương (thay thế được cho nhau) với các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của sáng chế được bảo hộ.

Sản phẩm nghi ngờ bị coi là “tương đương” với sáng chế được bảo hộ nếu phần lớn các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của sản phẩm đó trùng hoặc tương đương (thay thế được cho nhau) với các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của sáng chế được bảo hộ. Lưu ý rằng, hai dấu hiệu được coi là tương đương nếu có bản chất tương tự nhau có cùng mục đích và cách thức đạt được mục đích cơ bản là giống nhau.

Khi đối chiếu và so sánh phạm vi yêu cầu bảo hộ giữa sản phẩm bị xem xét với sáng chế được bảo hộ, cần tìm ra “tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản được nêu trong điểm yêu cầu bảo hộ” của sáng chế so với “tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản” trong sản phẩm nghi ngờ. Nếu sản phẩm bị nghi ngờ có chứa “tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản được nêu trong điểm yêu cầu bảo hộ” của sáng chế, sản phẩm bị nghi ngờ sẽ bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế.

Dựa trên việc đánh giá liệu sản phẩm bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế hay không, có thể xác định xem hành vi thương mại hóa sản phẩm bị nghi ngờ có cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế được bảo hộ hay không, trên cơ sở đó, có những biện pháp tương ứng phù hợp với định hướng kinh doanh.

Mời bạn xem thêm:

Thông tin liên hệ:

Vấn đề “Xác định xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Luật sư X luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ như đăng ký bản quyền Bắc Giang… vui lòng liên hệ đến hotline 0833102102 Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.

Câu hỏi thường gặp:

Đăng ký sáng chế được hiểu là như thế nào?

Đăng ký sáng chế không được định nghĩa cụ thể tại bất kỳ một văn bản nào tuy nhiên, có thể hiểu đây là một thủ tục quan trọng để sáng chế được cơ quan có thẩm quyền bảo hộ khi có bất cứ cá nhân, tổ chức nào xâm phạm quyền sáng chế.

Đối tượng nào được quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế?

Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, bao gồm:
– Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định theo pháp luật Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Người có quyền đăng ký quy định nêu trên có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Bằng độc quyền sáng chế có thời hạn bao lâu?

Theo quy định sáng chế được bảo hộ dưới hai dạng: Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Tại Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó quy định hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với sáng chế cụ thể như sau:
– Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
– Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm