Bản án về đòi lại đất cho ở nhờ

bởi letrang19012000
Bản án về đòi lại đất cho ở nhờ

Xin chào Luật sư X. Em là sinh viên Luật. Em đang cần tìm kiếm một bản án về đòi lại đất cho ở nhờ, để thực hiện nghiên cứu cho phần bài học của mình. Vậy Luật sư có thể giúp em tìm hiểu một bản án liên quan đến về vấn đề này không? Em rất mong nhận được phản hồi sớm nhất từ phía luật sư. Trân trọng cảm ơn.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật sư X chúng tôi. Dưới đây là Bản án về đòi lại đất cho ở nhờ. Mời bạn cùng đón đọc.

Nguồn bản án

Thuộc tính Bản án về đòi lại đất cho ở nhờ

  • Tên bản án: Bản án về tranh chấp đòi lại đất cho ở nhờ số 22/2019/DS–PT
  • Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
  • Số hiệu: 22/2019/DS–PT
  • Cấp xét xử: Phúc thẩm
  • Lĩnh vực: Dân sự
  • Ngày ban hành: 29/01/2019

Nội dung Bản án về đòi lại đất cho ở nhờ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 22/2019/DS–PT NGÀY 29/01/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI ĐẤT CHO Ở NHỜ

Ngày 29 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 263/2018/TLPT- DS ngày 03 tháng 12 năm 2018 về tranh chấp đòi lại đất cho ở nhờ.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 88/2018/DS–ST ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 279/2018/QĐ – PT ngày 04 tháng 12 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

1. Bà Trần Thu T, sinh năm 1954 (Có mặt); Địa chỉ: đường H, phường M, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bà Trần Thu H, sinh năm 1959; Địa chỉ: đường N, phường M, thành phố B, tỉnh Bến Tre

3. Bà Nguyễn Thị Cẩm N, sinh năm 1943

4. Bà Nguyễn Thị Cẩm H1, sinh năm 1948

Cùng địa chỉ: đường B, phường B, thành phố B, tỉnh Bến Tre.

5. Bà Nguyễn Trần Bảo H2, sinh năm 1972; Địa chỉ: khu phố B, phường S, thành phố B, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện theo ủy quyền của bà H, bà N, bà H1, bà H2 là bà Trần Thu T theo văn bản ủy quyền ngày 10/10/2016. (Có mặt)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà T là Luật sư Võ Thành Đ thuộc Hội Luật gia tỉnh Bến Tre. Địa chỉ: đường Đ, phường B, thành phố B, tỉnh Bến Tre. (Có mặt)

Bị đơn: Bà Lý L, sinh năm 1945 (Có mặt)

Địa chỉ: đường N, phường B, thành phố B, tỉnh Bến Tre.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà L là Luật sư Nguyễn Nghệ A – Văn phòng Luật sư Nguyễn Nghệ A thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre. Địa chỉ: đường N, phường B, thành phố B, tỉnh Bến Tre. (Có mặt)

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Trần Bích N1, sinh năm 1990; Địa chỉ: đường N, phường S, quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của chị N1 là anh Trần Trung N2, sinh năm 1976. Địa chỉ: đường Đ, phường P, quận M, Thành phố Hồ Chí Minh theo văn bản ủy quyền ngày 25/10/2016. (Có mặt)

2. Lý M, sinh năm 1943; Địa chỉ: đường N, phường B, thành phố B, tỉnh Bến Tre.

3. Lý L1, sinh năm 1950

4. Lý Hồng C, sinh năm 1957

Cùng địa chỉ: đường N, phường M, quận S, Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Lý T, chết năm 2015

6. Lý V, sinh năm 1955 Địa chỉ: ấp B, xã B, huyện T, tỉnh Bến Tre.

7. Lý H, sinh năm 1963 Địa chỉ: QL 60, phường P, thành phố B, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện theo ủy quyền của các ông bà M, L1, V, C, H là bà Lý L theo văn bản ủy quyền ngày 24/10/2016. (Có mặt)

– Người kháng cáo: Bị đơn bà Lý L.

Bản án về đòi lại đất cho ở nhờ
Bản án về đòi lại đất cho ở nhờ

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và trong quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn bà Trần Thu T (đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn khác) trình bày:

Phần đất tranh chấp thuộc một phần thừa 418, tờ bản đồ số 08 (trước năm 2010 là thửa 202, tờ bản đồ số 8, diện tích 540m2) có diện tích 58,2m2 (theo kết quả đo đạc ngày 11/5/2017), tọa lạc tại phường M, đường L, thành phố B do ông ngoại bà là ông Nguyễn Văn S (thường gọi là Sáu B) mua của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc T và bà Nguyễn Thị M vào năm 1922. Sau khi ông S mất (không để lại di chúc) thì bà ngoại là bà Mai Thị Q quản lý, sử dụng đến năm 1969 thì bà Q mất. Sau khi bà Q mất thì giao lại cho mẹ bà là bà Nguyễn Thị N quản lý, sử dụng.

Năm 1969, bà N có cho gia đình bà Lý L và Lý M ở nhờ trên đất nhưng chỉ nói miệng chứ không có làm giấy tờ. Chị em bà M và bà L mua nhà trên phần đất mà ông ngoại bà đang cho chủ căn nhà thuê. Khi mua căn nhà thì bà L và bà M có đến gặp ông Trần Văn X (chồng bà N, con rễ ông S) để xin tiếp tục được thuê phần đất diện tích khoảng 58,1m2 (đo đạc thực tế 58,2m2) để được mua căn nhà trên đất. Khi cho thuê chỉ thỏa thuận miệng. Sự việc này cũng được bà L thừa nhận. Bà M mua căn nhà của người khác nhưng bà không biết chính xác là ai, bà thuê không có thời hạn và bà L sử dụng đất cho đến nay. Sau khi thuê bà L đóng tiền thuê được vài năm đầu rồi không đóng nửa.

Năm 1975, bà Trần Thu V (con bà N) đòi lại đất, gia đình bà L thỏa thuận mua với giá 900.000 đồng nhưng không thành. Năm 1984, bà V đòi lại đất, gia đình bà L thỏa thuận chuyển nhượng với giá 02 chỉ vàng (thỏa thuận miệng) nhưng không thành. Năm 1996, gia đình bà thống nhất đưa đơn yêu cầu hòa giải tại phường M để đòi lại phần đất nêu trên. Năm 1997-1998, Ủy ban nhân dân phường M, thành phố B mời các bên để hòa giải, có biên bản hòa giải ngày 25/7/1997 và 17/02/1998 thì gia đình bà L đã công nhận phần đất này là của ông S và thương lượng mua lại với giá 900.000 đồng, sau đó thỏa thuận là 02 chỉ vàng. Năm 2000, gia đình bà ủy quyền cho ông Trần Hoài D tiếp tục đòi lại phần đất trên nhưng đến năm 2003 ông D mất nên việc tranh chấp bị gián đoạn.

Căn cứ biên bản ngày 07/4/2009, bà L đã thừa nhận đất này là của ông S nhưng lại lấy lý do ở lâu năm trên đất này nên đồng y mua lại giá 04 chỉ vàng 24k nhưng gia đình không đồng ý. Mặc khác, bà L chiếm hữu phần đất trên của gia đình bà để cho thuê bán hủ tiếu (kinh doanh hưởng lợi) mà không có nhu cầu về nhà ở. Bà L không sinh sống trên phần đất này mà sống ở nơi khác. Các nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện như sau:

– Yêu cầu gia đình bà L di dời nhà để trả lại phần đất có diện tích 58,2m2 theo kết quả đo đạc ngày 11/5/2017 thuộc một phần thửa 481, tờ 8, tọa lạc tại phường M, thành phố B, tỉnh Bến Tre.

– Công nhận quyền sử dụng đất thuộc thửa 481, tờ bản đồ số 8, tọa lạc tại phường M, thành phố B cho nguyên đơn.

Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Nguyễn Văn T1 trình bày:

Nguyên vào ngày 07/7/1969, cha của bà Lý L là ông Lý T2 có mua căn nhà tại đường N, ấp B, Châu T, quận T, tỉnh Kiến Hòa (nay là đường L, phường M, thành phố B) của vợ chồng ông Đặng Văn T3, sinh năm 1921 và

Huỳnh Thị B, sinh năm 1934 với giá 100.000 đồng. Sau khi làm giấy tờ trước bạ xong, cha mẹ bà L đã ở và quản lý đến nay. Sau khi cha mẹ bà L chết thì bà L tiếp tục quản lý, gìn giữ căn nhà mà không có ai tranh chấp. Do hoàn cảnh nghèo không có tiền tu sửa nhà nên bà L cứ để vậy mà ở, bà L đang dự tính làm lại chủ quyền nhà và đất nhưng gặp sự ngăn cản của các đồng nguyên đơn. Hiện nay các đồng nguyên đơn đang tranh chấp quyền sử dụng đất của căn nhà nay, vì họ cho rằng trước đây ông T3 và bà B chỉ bán nhà mà không bán đất cho bà L. Theo nội dung giấy mua bán nhà thì ông T3 và bà B bán căn nhà cho cha bà L có hiện trạng “… nhà lợp tole, vách ván, nền đất”. Khi làm giấy, ông bà cam kết: “Kể từ ngày bán nhà cha bà L được trọn quyền làm chủ vĩnh viễn căn nhà nói trên ông T3 và bà B hoàn toàn chịu trách nhiệm về căn nhà đã bán và không được khiếu nại bất kỳ điều gì về sau”. Việc cha bà L mua căn nhà của ông T3 và bà B là hợp pháp, có chính quyền sở tại xác nhận, bà L sống trên căn nhà mà không biết đất này là của ông S. Mặt khác, toàn bộ đất mà bà L đã chiếm hữu và sử dụng từ năm 1969 đến nay mà không ai tranh chấp. Vì vậy, nay các nguyên đơn muốn khởi kiện tranh chấp thì phải khởi kiện phía ông T3 và bà B chứ bà L chỉ là người sống trên căn nhà nên không biết việc đất là của ai. Do vậy, các nguyên đơn khởi kiện tranh chấp đất với bà L là không đúng nên bà L không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trần Bích N1 là ông Trần Trung N2 trình bày:

Chứng cứ của bà L là “Tờ bán đứt một căn nhà ngày 07/7/1969” chứng cứ này cũng đã thể hiện rõ là ông T3 và bà B bán căn nhà chứ không nói là bán đất. Các lời khai của bà Lý M và bà Lý L tại các cơ quan chức năng thì các bà cũng đã khai đất này là các bà đang thuê. Các giấy tờ, sổ bộ tại địa phương về quản lý đất đai cũng không có thể hiện bà Lý L và bà Lý M đứng tên đối với phần đất đang tranh chấp. Chính quyền địa phương cũng đã động viên bà L nên trả lại phần đất cho gia đình nguyên đơn. Nên ông cũng yêu cầu bà Lý L phải di dời nhà trả lại phần đất có diện tích 58,2m2 thuộc mộ phần thửa 481 (thửa cũ 202), tờ bản đồ số 8, tọa lạc tại phường M, thành phố B cho gia đình và công nhận phần đất nêu trên cho các nguyên đơn và chị Bích N1.

Sau khi hòa giải không thành Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre đưa vụ án ra xét xử. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 88/2018/DS-ST ngày 28/9/2018 đã tuyên:

Áp dụng Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 156 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 203 Luật đất đai 2013; Điều 147 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thu T, Trần Thu H, Nguyễn Thị Cẩm N, Nguyễn Thị Cẩm H1, Nguyễn Trần Bảo H2 và Trần Bích N1 về việc đòi lại quyền sử dụng đất cho ở nhờ đối với bà Lý L, Lý M, Lý L, Lý T, Lý V, Lý Hồng C và Lý H.

Buộc bà Lý L, Lý M, Lý L1, Lý T, Lý V, Lý Hồng C và Lý H phải giao trả lại cho bà Trần Thu T, Trần Thu H, Nguyễn Thị Cẩm N, Nguyễn Thị Cẩm H1, Nguyễn Trần Bảo H2 và Trần Bích N1 thửa đất số 481, tờ bản đồ số 8, diện tích 58,2m2, tọa lạc tại phường M, thành phố B, tỉnh Bến Tre để tiếp tục quản lý, sử dụng. Thửa đất có tứ cận như sau:

– Phía Bắc giáp đường L;

– Phía Nam giáp ông Huỳnh Sương T;

– Phía Tây giáp hẽm;

– Phía Đông giáp đất ông Huỳnh Sương T;

(Có họa đồ kèm theo)

Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục về quyền sử dụng đất theo luật định.

2. Chi phí thu thập chứng cứ bà Trần Thu T tự nguyện chịu số tiền là 1.230.000 đồng, bà T đã nộp xong.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02/10/2018 bị đơn bà Lý L kháng cáo. Theo đơn kháng cáo bà L trình bày: Bà không đồng ý với bản án sơ thẩm vì nhà đất là do bà mua hợp pháp, có giấy tờ hợp lệ. Yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo của bà, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà L trình bày: Bà L đã sử dụng phần đất này từ năm 1969. Bà L thừa nhận có trả tiền thuê đất cho gia đình bà T. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị định Số 111/CP ngày 14/4/1977 thì phần đất này đã được cải tạo xã hội chủ nghĩa do Nhà nước quản lý và người thuê được tiếp tục sử dụng. Bà đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước từ năm 1978 đến năm 2011. Do đó phần đất này không thuộc quyền quản lý sử dụng của các nguyên đơn nên các nguyên đơn không có quyền đòi lại phần đất này. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của bà L, bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Nguyên đơn bà Trần Thu T đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn khác trình bày: Phần đất tranh chấp là của gia đình bà cho bà Lý L và bà Lý M ở nhờ. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà T trình bày: Bị đơn thừa nhận nguồn gốc phần đất tranh chấp là do ông Nguyễn Văn S mua và gia đình bà L đã thuê đất, trả tiền thuê cho gia đình bà T. Tuy nhiên, bà L lại viện dẫn Nghị định Số 111/CP ngày 14/4/1977 để cho rằng phần đất này đã được cải tạo xã hội chủ nghĩa không thuộc quyền sử dụng của các nguyên đơn là không phù hợp. Bởi lẽ, phần đất này của gia đình bà T không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này, Nhà nước chỉ quốc hữu hóa đối với địa chủ, cường hào, ác bá. Trong khi Nhà nước không có trưng dụng toàn bộ phần đất này của gia đình bà T mà chỉ trưng dụng một phần để làm trường mẩu giáo và các văn bản của Ủy ban phường, Ủy ban thành phố đều xác định phần đất này là của gia đình bà T. Do đó, tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn có căn cứ, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người đại diện theo ủy quyền của chị Trần Bích N1 là anh Trần Trung N2 bày: Yêu cầu cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Lý L và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Quan điểm của kiểm sát viên:

Về tố tụng: Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Về nội dung: Bà T cho rằng phần đất này ông Nguyễn Văn S đã được cấp bằng khoáng và đã thất lạc nhưng bà T không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Các nguyên đơn cũng không có đăng ký kê khai phần đất này nên không có đủ căn cứ xác định phần đất tranh chấp là của cụ S. Do đó kháng cáo của bà L là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà L, sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Qua nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, căn cứ vào kết quả tranh luận. Xét kháng cáo của bà Lý L và đề nghị của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 31/3/2017 và hồ sơ đo đạc ngày 11/5/2017 thì phần đất tranh chấp có diện tích theo đo đạc thực tế là 58,2m2 (thửa cũ là một phần thửa 202), tờ bản đồ số 8, tọa lạc tại phường M, thành phố B, tỉnh Bến Tre. Trên đất có một căn nhà cây, vách đã mục, nhà không nóc, dài khoảng 12.5m, xung quanh nhà được rào dây kẽm gai, tol và cây đã cũ, mục, cổng rào phía trước bằng lưới B40 có 02 trụ sạn. Căn nhà và công trình trên đất đã hư hỏng không còn giá trị sử dụng nên tại phiên tòa sơ thẩm và tại đơn xin không định giá tài sản ngày 15/01/2019, bà Lý L xin không định giá để xác định giá trị tài sản trên đất nên tòa án không xem xét giải quyết.

[2] Nguồn gốc phần đất đang tranh chấp:

Theo trình bày của nguyên đơn và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì cụ Nguyễn Văn S (là cụ ngoại của bà T) đã mua của cụ Nguyễn Ngọc T và cụ Nguyễn Thị M phần đất này vào năm 1922, có làm giấy tay là “Tờ bán đứt một miếng thổ cư”. Tại Công văn số 863/VPĐK-TTLT ngày 18/7/2018 của Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp bản sao bằng khoáng điền thổ số 89 (chữ nước ngoài) nhưng không xác định được ai đứng tên bằng khoáng. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 14/01/2019, bà T có đề nghị tạm ngừng phiên tòa để dịch bằng khoáng số 89 sang chữ việt nhưng cơ quan dịch thuật không dịch được với lý do chuyên môn và chữ đã mờ. Tại phiên tòa bà T cũng đồng ý và không yêu cầu tiếp tục dịch thuật bằng khoáng số 89 nên tòa án không xem xét. Bà T cho rằng sau khi cụ S mất thì cụ Mai Thị Q là bà ngoại của bà quản lý, sử dụng phần đất này, đến năm 1969 cụ Q mất thì mẹ của bà là bà Nguyễn Thị N quản lý, sử dụng. Bà M và bà L chỉ mua nhà, còn đất thì vào thời điểm này bà N đang cho thuê. Từ sau khi bà M, bà L mua nhà thì bà N tiếp tục cho bà M, bà L thuê.

Theo trình bày của bà L và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì vào ngày 07/7/1969 cụ Lý T (cha của bà) có mua của ông Đặng Văn T3 căn nhà nằm trên phần đất này. Hai bên có lập hợp đồng mua bán và có xác nhận của chính quyền, gia đình bà đã sử dụng phần đất này trên 30 năm mà không biết đất này là của cụ S. Tại biên bản ngày 07/4/2009, bà L thừa nhận đất là của cụ S và thừa nhận có trả tiền thuê đất cho gia đình bà T.

Các chứng cứ khác như: Biên bản xác định ranh giới thửa đất tháng 8/1997 (không có ngày) bà Lý L đang sử dụng thửa đất tại nhà số 03, Lê Quý Đ; Hồ sơ kỹ thuật thửa đất số 202 không ghi tên chủ sử dụng lập ngày 04/12/1997; Biên lai thu thuế các năm 1976, 1977 của bà Nguyễn Thị N; Các biên lai thu thuế từ năm 1978 đến năm 2011 của ông Lý T2.

[3] Như vậy, từ các chứng cứ nêu trên chỉ có căn cứ xác định được ông ngoại của bà L có mua một phần đất của bằng khoáng số 89 nhưng diện tích là bao nhiêu và có chuyển tên bằng khoáng hay chưa thì không xác định. Còn đối với bị đơn thì vào các năm 1969 thì cha của bà L chỉ mua căn nhà trên đất. Tuy nhiên, lời trình bày của hai bên trước đây và tại phiên tòa hôm nay đều khẳng định gia đình của bà L thuê đất và đóng tiền thuê cho gia đình bà T từ năm 1969 đến năm 1996 và việc cụ S xác lập quyền đối với phần đất này từ lúc mua cho đến khi tranh chấp bà M cũng không chứng minh được. Phần đất còn lại mà cụ S đã mua hiện tại gia đình cụ S cũng không có sử dụng, một phần do Nhà nước quản lý làm trường mẫu giáo, một phần do các hộ dân khác sử dụng. Mặc dù cụ S có mua đất của cụ T và cụ M từ năm 1922 nhưng không còn chứng cứ gì chứng minh từ sau khi cụ S mua đất đã được chuyển quyền cho cụ. Hơn nữa, từ năm 1969 đến năm 1996 gia đình bà L thuê đất từ gia đình cụ S với giá 3.000 đồng/năm nhưng tại mục 6, 7 của Nghị định số 111/CP ngày 14/4/1977 quy định “Nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ đất cho thuê không phân biệt diện tích nhiều hay ít và nói chung không bồi hoàn trừ trường hợp đặc biệt”. “Người đang thuê đất được phép sử dụng mà không được mua bán, chuyển dịch và phải tuân theo những quy định về quản lý nhà đất ở đô thị”. Do đó, phần đất này không thuộc quyền của cụ S nửa, gia đình bà L quản lý, sử dụng liên tục phần đất này từ năm 1969 và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nhà đất cho Nhà nước từ năm 1978 đến năm 2011 là ngay thẳng liên tục trên 30 năm. Đáng lẽ ra cấp sơ thẩm phải bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn và người liên quan có yêu cầu độc lập nhưng bản án sơ thẩm lại buộc bị đơn phải giao trả toàn bộ thửa đất là làm thiệt hại đến quyền lợi ích của bị đơn nên kháng cáo của bà L là có căn cứ được chấp nhận. Sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn và người liên quan có yêu cầu độc lập.

Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên các nguyên đơn và người liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu chí phí tố tụng với số tiền 1.230.000 đồng. Bà T tự nguyện chịu và đã nộp xong.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn không được chấp nhận nên các nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm số tiền là 300.000 đồng. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập chị Trần Bích N1 phải chịu 300.000 đồng.

Do kháng cáo được chấp nhận nên bà L không phải chịu án phí phúc thẩm Quan điểm của Kiểm sát viên phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Chấp nhận kháng cáo của bà Lý L.

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 88/2018/DS-ST ngày 28/9/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Bến Tre.

Cụ thể tuyên:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn bà Trần Thu T, Trần Thu H, Nguyễn Thị Cẩm N, Nguyễn Thị Cẩm H1, Nguyễn Trần Bảo H2 và Trần Bích N1 về tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất cho ở nhờ đối với bà Lý L, Lý M, Lý L1, Lý T, Lý V, Lý Hồng C và Lý H.

2. Chi phí thu thập chứng cứ bà Trần Thu T tự nguyện chịu số tiền là 1.230.000 đồng, bà T đã nộp xong.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

– Bà Trần Thu T, bà Trần Thu H, bà Nguyễn Thị Cẩm N, bà Nguyễn Thị Cẩm H1, bà Nguyễn Trần Bảo H2 phải chịu 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng) nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0014020 ngày 05/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Bến Tre.

– Chị Trần Bích N1 phải chịu 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng) nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0017181 ngày 22/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Bến Tre.

– Hoàn tạm ứng án phí cho bà Trần Thu T, bà Trần Thu H, bà Nguyễn Thị Cẩm N, bà Nguyễn Thị Cẩm H1, bà Nguyễn Trần Bảo H2 số tiền 16.000.000đ (Mười sáu triệu đồng) theo biên lai thu số 0000101 ngày 03/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Bến Tre.

– Hoàn tạm ứng án phí cho chị Trần Bích N1 số tiền 7.500.000đ (Bảy triệu năm trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0014150 ngày 22/01/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Bến Tre.

4. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Lý L được miễn nộp.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Thông tin liên hệ Luật sư X

Trên đây là tư vấn của Luật sư X về Bản án về đòi lại đất cho ở nhờ. Chúng tôi hi vọng bạn có thể vận dụng kiến thức trên. để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn; giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến chuyển đất ao sang đất sổ đỏ; chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư; phí chuyển đổi tên sổ đỏ; hoặc các dịch vụ liên quan đến giải thể công ty, giải thể công ty tnhh 1 thành viên, tạm dừng công ty;…. của Luật sư X, hãy liên hệ: 0833102102. Hoặc qua các kênh sau:

Câu hỏi thường gặp

Trong quá trình lấy lại nhà ở, để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu không được thực hiện hành vi nào?

Trong quá trình lấy lại nhà ở, để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại thì trong quá trình đòi lại nhà, chủ sở hữu không được thực hiện hành vi sau:
– Thuê người hoặc tự mình di chuyển, đập phá tài sản, đồ đạc trong nhà;
– Thuê người hoặc tự mình đe dọa, khống chế, dùng vũ lực buộc người ở nhờ ra khỏi nhà hoặc cản trở quá trình sinh hoạt.

Lưu ý gì trong việc cho ở nhờ, cho mượn nhờ nhà?

Những lưu ý trong việc cho ở nhờ, cho mượn nhờ nhà
Nếu đang có ý định muốn cho ở nhờ, cho mượn nhà đất của mình và muốn hạn chế rủi ro, tranh chấp sau nay, trước hết chủ nhà nên xác lập hợp đồng.
Nội dung của hợp đồng mượn nhà cần có những điều khoản sau:
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Thỏa thuận chi tiết kỹ lưỡng về nội dung chủ sở hữu được phép lấy lại nhà ở trong những trường hợp nào;
– Thời hạn cho mượn cho ở nhờ;
– Khi có tranh chấp phát sinh thì hai bên sẽ giải quyết thế nào.

Đòi lại nhà đất cho ở nhờ bằng cách nào?

Khi chủ nhà không có thỏa thuận hay hợp đồng với người mượn, ở nhờ nhà thì lấy lại bằng một trong các cách sau:
– Cách 1. Thông báo về việc đòi nhà cho bên ở nhờ biết.
– Cách 2. Khởi kiện đòi lại nhà cho ở nhờ tại Tòa án.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm