Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các bên muốn đăng ký kết hôn phải trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền của nhà nước để nộp hồ sơ. Quy định này giúp xác nhận ý chí tự nguyện của nam nữ khi tham gia quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, quy định này cũng có những khuyết điểm bởi không phải mọi người đều sắp xếp được thời gian và công việc để trực tiếp đi đăng ký. Do đó, một phương án mới đang được triển khai là đăng ký kết hôn qua mạng. Vậy thủ tục này được tiến hành như thế nào? Phòng tư vấn Luật hôn nhân của Luật sư X sẽ hướng dẫn cho các bạn chi tiết thủ tục đăng ký kết hôn qua mạng 2021.
Điều kiện kết hôn là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”
Thứ nhất, về độ tuổi kết hôn: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” được hiểu là nam đã đủ 20 tuổi, nữ đã đủ 18 tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh. Sở dĩ pháp luật quy định độ tuổi như vậy là bởi khi đó cả nam và nữ đều là người thành niên, có đầy đủ năng lực dân sự, tự chịu trách nhiệm với các quy định của mình, đồng thời cũng có đủ khả năng để chăm sóc, nuôi nấng gia đình, con cái.
Thứ hai, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định: Một trong những nguyên tắc cơ bản của hôn nhân là tự nguyện, tiến bộ. Không chỉ vậy, Luật Hôn nhân và gia đình cũng nêu rõ, cưỡng ép kết hôn, cản trở kết hôn là một trong những hành vi bị cấm. Nếu bị cưỡng ép kết hôn thì có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật này.
Thứ ba, không bị mất năng lực hành vi dân sự: Người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, được Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Mà việc đăng ký kết hôn cần phải dựa vào ý chí của hai người nam, nữ, do hai người tự nguyện, tự thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền, đủ độ tuổi quy định thì không thể bị mất năng lực hành vi dân sự.
Thứ tư, không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn: Các trường hợp cấm kết hôn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Thủ tục đăng ký kết hôn qua mạng được tiến hành như thế nào?
Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn qua mạng
Bước 1: Truy cập trang đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, chọn tỉnh thành/quận, huyện/phường, xã nơi đăng ký kết hôn. Sau khi chọn xong nhấn Đồng ý, hệ thống sẽ trả về trang Nộp trực tuyến. Sau khi chọn Nộp trực tuyến, hệ thống sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Có 02 cách đăng nhập: Dùng tài khoản cấp bởi Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc tài khoản cấp bởi Bưu điện Việt Nam. Nếu chưa có tài khoản, có thể ấn Đăng ký phía dưới và làm theo hướng dẫn.
Bước 2: Khai thông tin đăng ký kết hôn
Sau khi đăng nhập Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống sẽ đưa người dùng về trang kê khai của từng tỉnh, thành phố để kê khai. Người dân làm theo hướng dẫn, điền chính xác thông tin người nữ, thông tin người nam, các thông tin liên quan…
Tại mục Hồ sơ đính kèm, nhấn chọn vào biểu tượng tại cột Đính kèm để tải các tập tin hình ảnh về các loại giấy tờ sau để cơ quan chức năng xác minh và giải quyết nhanh hồ sơ:
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã có thẩm quyền cấp trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp (chụp từ bản chính).
- Giấy tờ chứng minh về nhân thân của cả hai bên nam nữ: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (chụp từ bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính. Đối với Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân: chụp 02 mặt).
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của cả hai bên nam nữ: Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú của cả hai bên nam nữ (chụp từ bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính).
- Trích lục ghi chú ly hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (chụp từ bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ Sổ gốc).
Bước 3: Kiểm tra lại toàn bộ những thông tin đã kê khai, tích chọn “Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên“. Chọn Tiếp tục, nhập mã chính xác rồi nhấn Gửi thông tin để hoàn tất. Cuối cùng, chờ kết quả xác nhận hồ sơ được gửi về địa chỉ email. Khi đến nhận kết quả theo thời gian hẹn, người dân cần mang theo các giấy tờ bản gốc hoặc bản chứng thực để đối chiếu.
Thời gian giải quyết
Đối với thủ tục đăng ký kết hôn online thì thời gian được ghi nhận trên cổng thông tin điện tử chỉ là 01 ngày. Tuy nhiên, trường hợp phải xác minh các điều kiện kết hôn của hai bên hoặc cần phải bổ sung hồ sơ đăng ký thì thời gian có thể kéo dài. Thông thường, sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ thì hệ thống sẽ thông báo về việc ký giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và có thể đến theo lịch hẹn để nhận kết quả. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp phải xác minh thì bạn cũng có thể tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ của mình trên chính trang web đã đăng ký kết hôn.
Chi phí đăng ký kết hôn qua mạng
Chi phí đăng ký kết hôn qua mạng được ghi nhận trên trang Cổng dịch vụ công chính thức của Thành phố Hà Nội là miễn phí.
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:
“Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:
a) Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
b) Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.”
Như vậy, nếu hai người Việt Nam cư trú trong nước thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn qua mạng sẽ không phải trả bất kỳ lệ phí nào. Còn đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài UBND thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND, trong đó quy định lệ phí cho thủ tục hộ tịch khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại UBND Thành phố Hà Nội là 1 triệu đồng.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn online, bạn sẽ phải chờ kết quả xác nhận hồ sơ được gửi về địa chỉ email. Khi đến nhận kết quả theo thời gian hẹn, bạn cần mang theo các giấy tờ bản gốc hoặc bản chứng thực để đối chiếu và ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Theo quy định của Luật Hộ tịch thì có hai cơ quan là cơ quan tư pháp – hộ tịch thuộc UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn. Và trường hợp đăng ký kết hôn qua mạng thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận vẫn được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hộ tịch.
Hiện nay, việc đăng ký kết hôn qua mạng mới chỉ có thành phố Hà Nội cho phép đăng ký. Đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, UBND thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND, trong đó quy định lệ phí cho thủ tục hộ tịch khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại UBND thành phố Hà Nội là 1 triệu đồng.
Với mức chi phí đăng ký kết hôn theo quy định nói trên thì khi đến UBND để nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, các bạn nên biết và chuẩn bị lệ phí đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Đăng ký kết hôn không thể ủy quyền thực hiện cũng như khi nhận kết quả. Tuy nhiên, một trong hai người có thể nộp hồ sơ thay người còn lại mà không cần văn bản ủy quyền.