Người khuyết tật là những người không may khi sinh ra với cơ thể không lành lặn hoặc bị suy giảm các khả năng nhận thức nào đó. Nhằm hỗ trợ cho những đối tượng này trong xã hội, Nhà nước đã ban hành các chính sách đãi ngộ trong đó có bao gồm khoản trợ cấp người khuyết tật theo quy định. Để được hưởng khoản tiền này thì người khuyết tật cần đáp ứng các điều kiện nhất định. Vậy theo quy định hiện hành, Điều kiện hưởng trợ cấp người khuyết tật là gì? Chính sách trợ cấp người khuyết tật hiện nay như thế nào? Thủ tục giám định mức độ khuyết tật được thực hiện ra sao? Sau đây, Luật sư X sẽ làm rõ vấn đề này thông qua bài viết sau cùng những quy định liên quan. Hi vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.
Căn cứ pháp lý
Người khuyết tật là ai?
Tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 định nghĩa:
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Trong đó, Điều 3 Luật Người khuyết tật quy định có 06 loại khuyết tật là: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác.
Đồng thời, người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:
- Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
- Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng như trên.
Điều kiện hưởng trợ cấp người khuyết tật năm 2023
Điều 44 Luật người khuyết tật 2010 quy định điều kiện hưởng trợ cấp người khuyết tật như sau:
Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
b) Người khuyết tật nặng.
Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người khuyết tật đặc biệt nặng (trừ trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội) đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Lưu ý: Người khuyết tật đặc biệt nặng (trừ trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội) là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.
Thủ tục giám định mức độ khuyết tật như thế nào?
Thành phần hồ sơ
Theo Điều 4 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH bạn cần làm hồ sơ đề nghị xác định Giấy xác nhận khuyết tật nộp đến UBND cấp xã bao gồm:
- Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.
- Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Trình tự thủ tục
Bước 1: Nộp hồ sơ giám định mức độ khuyết tật
Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.
Khi nộp hồ sơ cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn:
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
- Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm:
- Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
- Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 Thông tư này; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
- Đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP;
Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.
Chính sách trợ cấp người khuyết tật hiện nay như thế nào?
Chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng
Theo khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Về mức hỗ trợ, từ 01/7/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội sẽ tăng lên 360.000 đồng/tháng (thay vì 270.000 đồng/tháng như quy định trước đây). Theo đó, căn cứ Điều 6 Nghị định 20, người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:
- 720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng;
- 720.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
Cấp thẻ bảo hiểm y tế
Căn cứ Điều 9, người khuyết tật thuộc đối tượng trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trường hợp được cấp nhiều loại thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế có quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất. Bên cạnh đó, họ còn được trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Chính sách dành cho người khuyết tật được chăm sóc tại cộng đồng
Theo Điều 18 Nghị định 20, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng sẽ được hưởng các chế độ sau:
– Trợ cấp xã hội hàng tháng:
- 720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng;
- 720.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
– Cấp thẻ bảo hiểm y tế;
– Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề;
– Hỗ trợ chi phí mai táng;
Đồng thời, khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ:
- Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;
- Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế;
- Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật thì được hưởng chế độ sau:
– Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi:
- 540.000 đồng với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;
- 720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên;Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;
- Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
- Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ là 360.000 đồng.
– Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc:
- 540.000 đồng đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 900.000 đồng đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng.
- Được hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
- Được ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật liên quan.
Chính sách đành cho người khuyết tật tại các cơ sở trợ giúp xã hội
Người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội sẽ được hỗ trợ như sau:
– Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng là:
- 1.800.000 đồng đối với trẻ em dưới 04 tuổi;
- 1.440.000 đồng đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên.
– Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.
– Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 18 triệu đồng.
– Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.
– Hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm
- Được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ học mầm non, giáo dục phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất theo quy định của pháp luật.
- Từ 16 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng không quá 22 tuổi.
- Trẻ em từ 13 tuổi trở lên được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội không còn học phổ thông thì được giới thiệu học nghề.
- Từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được đưa trở về nơi ở trước khi vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở trước đây của đối tượng có trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.
- Từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì cơ sở trợ giúp xã hội và địa phương xem xét hỗ trợ để có nơi ở, tạo việc làm và cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục giải quyết trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.
Mời bạn xem thêm
- Hoãn thi hành án tử hình được thực hiện thế nào?
- Quy định chung về thủ tục công nhận và cho thi hành án tại Việt Nam
- Thi hành án phạt quản chế diễn ra theo trình tự nào chế theo pháp luật
Thông tin liên hệ
Vấn đề “Điều kiện hưởng trợ cấp người khuyết tật” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Luật sư X luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý liên quan như là Đổi tên khai sinh Tp Hồ Chí Minh… vui lòng liên hệ đến hotline 0833.102.102. Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.
Câu hỏi thường gặp
Theo Khoản 1 Điều 51 Luật người khuyết tật 2010 quy định: Người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì không hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này nhưng được hưởng chính sách quy định tại Luật này nếu pháp luật về người có công với cách mạng hoặc pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định.
Như vậy, trường hợp đang hưởng trợ cấp tuất của thân nhân liệt sĩ thì bạn không được hưởng trợ cấp đối với người khuyết tật đặc biệt nặng.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 thì đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;
Người khuyết tật nặng.
Như vậy, chú bạn bị tai nạn thay khớp háng phải được xác định là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thì mới được hưởng trợ cấp đối với người khuyết tật.
Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 thì đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;
Người khuyết tật nặng.
Như vậy mẹ bạn bị gãy mấu chuyển xương đùi phải được xác định là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thì mới được hưởng trợ cấp đối với người khuyết tật.