Người Việt Nam được mang bao nhiêu quốc tịch?

bởi Luật Sư X
Người Việt Nam được mang bao nhiêu quốc tịch?

Người Việt Nam được mang bao nhiêu quốc tịch? Pháp luật hiện hành có cho phép việc một người mang hai quốc tịch hay không? Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây.

Căn cứ:

  • Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008

Nội dung tư vấn:

1. Quốc tịch là gì?

Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý giữa cá nhân đối với nhà nước nhất định, biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó được pháp luật của Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện.

Theo Điều 1 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.

2. Người Việt Nam được mang bao nhiêu quốc tịch?

Điều 4 luật Quốc tịch Việt Nam có quy định như sau:

Điều 4. Nguyên tắc quốc tịch

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Như vậy, về nguyên tắc, công dân Việt Nam có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên trong trường hợp pháp luật có quy định khác thì người Việt Nam vẫn có thể có nhiều quốc tịch. Vậy đó là những trường hợp nào?

Nhập quốc tịch Việt Nam

Khoản 2 và khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam có quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam có quy định như sau:

Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam

2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

Như vậy, về nguyên tắc, người muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và xin thôi quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên đối với các trường hợp sau đây sẽ không phải xin thôi quốc tịch nước ngoài.

  • Người xin nhập quốc tịch Việt Nam là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; là người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; hoặc việc người đó nhập quốc tịch Việt Nam có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người xin nhập quốc tịch Việt Nam không phải xin thôi quốc tịch nước ngoài. Tức là họ được mang 2 quốc tịch: quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài.
  • Trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài.

Trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Trường hợp này, một người đã từng mang quốc tịch Việt Nam, vì một lý do nào đó mà đã bị mất quốc tịch. Hiện họ đang mang một quốc tịch khác và có mong muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Về lý do, căn cứ mất quốc tịch Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam như sau:

Điều 26. Căn cứ mất quốc tịch Việt Nam

1. Được thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Bị tước quốc tịch Việt Nam.

3. Không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này.

4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật này.

5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo nguyên tắc, một người khi trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài. Tức là họ chỉ được mang một quốc tịch. Tuy nhiên tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định rằng một người vẫn được mang 2 quốc tịch trong trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam mà được Chủ tịch nước cho phép. Cụ thể như sau:

  • Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
  • Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
  • Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đã nhập quốc tịch nước ngoài và đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.

Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, theo khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn có thể mang hai quốc tịch: quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài.

Trường hợp trẻ em là con nuôi:

Khoản 1, khoản 2 Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định như sau:

Điều 37. Quốc tịch của con nuôi chưa thành niên

1. Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi.

Do đó, trong trường hợp cho hoặc nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thì trẻ em vẫn được mang hai quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài.

Như vậy có thể thấy rằng, người Việt Nam có thể mang 2 quốc tịch. Họ có quyền giữ lại quốc tịch gốc, họ vẫn có quyền nhập quốc tịch ở quốc gia đang sinh sống và tuân thủ pháp luật về nhập quốc tịch của nước sở tại. Việc chấp nhận người Việt Nam có thể mang 2 quốc tịch không đồng nghĩa với việc vi phạm nguyên tắc quốc tịch mà thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có thể hòa nhập.

3. Mang 2 quốc tịch sẽ phải đối mặt với vấn đề gì?

Đối với người mang hai quốc tịch, họ được hưởng đầy đủ quyền công dân của cả hai quốc gia. Cùng với đó, họ sẽ chịu sự quản lý của cả hai quốc gia. Tuy nhiên về lâu dài, công dân có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định của mỗi quốc gia sao cho phù hợp, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình và bản thân quốc gia đó. Bởi lẽ mỗi quốc gia sẽ có một quy chế pháp lý riêng, do đó có thể dẫn đến việc công dân có thể gặp lúng túng trong việc thực hiện các nghĩa vụ không giống nhau theo quy định của hai quốc gia.

Đối với quốc gia, khi chấp nhận tình trạng hai quốc tịch của công dân thì họ cần phải có cơ chế quản lý cụ thể, có trọng trách phải đối mặt với những rắc rối do xung đột về pháp lý giữa hai nước (nếu có). Đây thường là vấn đề phức tạp, quyền lợi của công dân mang hai quốc tịch trong hoàn cảnh này rất khó giải quyết triệt để.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm