Vợ chồng bình đẳng là một trong những nguyên tắc cơ bản định hướng cho hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình; dựa trên cơ sở nguyên tắc nam nữ bình đẳng được hình thành từ những ngày đầu tiên của lịch sử lập pháp nước ta. Do đó, đây là vấn đề có ý nghĩa pháp lý đặc biệt quan trọng. Vậy, nguyên tắc vợ chồng bình đẳng khi ly hôn được thể hiện như thế nào?
Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.
Cơ sở pháp lý
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Vợ chồng bình đẳng là gì?
“Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng” là những tư tưởng chỉ đạo của Nhà nước; là những cơ sở định hướng cho hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo đó vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc thực hiện những quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ vợ chồng thể hiện việc vợ chồng cùng nhau bàn bạc và quyết định các vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản của vợ chồng, của mỗi thành viên trong gia đình; liên quan đến đời sống chung của gia đình; tạo điều kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; đảm bảo cho quan hệ vợ chồng duy trì mối quan hệ tốt nhất.
Nội dung nguyên tắc vợ chồng bình đẳng khi ly hôn
Bình đẳng về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Trong quá trình hôn nhân, khi tình cảm vợ chồng không còn; vợ chồng đã xảy ra nhiều lục đục; mâu thuẫn sâu sắc đến mức hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng; đời sống chung không thể kéo dài; hoặc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình; vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Thì vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án cho họ ly hôn, chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Như vậy, sự bình đẳng ở đây là vợ hay chồng đều có thể nộp đơn ly hôn mà không cần điều kiện bắt buộc là đối phương phải đồng ý khi chứng minh được mâu thuẫn của vợ chồng ở tình trạng trầm trọng và không thể tiếp tục chung sống với nhau.
Ngoài trường hợp trên, hiện nay trên thực tế thường xảy ra khá nhiều trường hợp vợ chồng ly thân hoặc mâu thuẫn và một bên bỏ đi mấy năm không có tin tức; người còn lại muốn ly hôn lại không ly hôn được vì không biết vợ/ chồng mình ở đâu. Để đảm bảo sự bình đẳng, Luật Hôn nhân gia đình cũng có quy định: trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. (khoản 2 điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Tuy nhiên, nguyên tắc bình đẳng này cũng có một ngoại lệ, đó là trường hợp hạn chế quyền ly hôn đơn phương của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai; sinh con; hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với con sau khi ly hôn
Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng khi ly hôn còn thể hiện ở quyền và nghĩa vụ đối với con sau khi ly hôn.
Sự bình đẳng được thể hiện ở việc quyết định ai sẽ là người nuôi con sau ly hôn. Vợ chồng được thỏa thuận với nhau về việc ai là người trực tiếp nuôi con. Tòa án xem xét nếu việc thỏa thuận đó là hợp lý đảm bảo đứa con được phát triển toàn diện thì sẽ công nhận sự thỏa thuận đó.
Nếu vợ chồng không thỏa thuận được với nhau; hoặc có thỏa thuận nhưng quyền và lợi ích của con không được đảm bảo thì Tòa án sẽ quyết định người trực tiếp nuôi con dựa trên căn cứ về tư cách đạo đức; hoàn cảnh công tác; điều kiện kinh tế của mỗi bên vợ chồng; xem xét quan hệ tình cảm gắn bó giữa đứa con với cha, mẹ của mình. Trường hợp gia đình có con từ đủ 7 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con.
Bình đẳng ở nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con: người không trực tiếp nuôi con cũng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và chăm sóc con như người trực tiếp nuôi con. Người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi tôn trọng quyền được nuôi con của mình; cũng như không được cản trở việc người không trực tiếp nuôi con thăm nom; chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Người còn lại không trực tiếp nuôi con có quyền được thăm nom; và có thể yêu cầu thay đổi khi người không trực tiếp nuôi con chứng minh được người trực tiếp nuôi con không còn đủ khả năng nữa.
Bình đẳng về tài sản khi ly hôn
Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai vợ chồng. Vì thế có rất nhiều trường hợp theo yêu cầu của các bên Tòa án không can thiệp việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Tòa chỉ giải quyết khi các bên không thỏa thuận và có tranh chấp.
Trong trường hợp này tài sản chung sẽ được chia đôi tính đến các yếu tố sau: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Quy định này thể hiện rõ sự bình đẳng của vợ chồng trong việc sở hữu tài sản chung. Bởi lẽ, không phải cặp vợ chồng nào cũng có công sức đóng góp vào việc tạo lập tài sản chung như nhau. Do đó không thể chia tài sản chung theo cách đơn giản là chỉ chia đôi mà không tính đến các yếu tố khác.
Chẳng hạn trong trường hợp chồng có hành vi bạo lực gia đình; ngoại tình hoặc phá tán tài sản; thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung vợ chồng; để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ và con chưa thành niên.
Giải pháp nâng cao hiệu quả của nguyên tắc vợ chồng bình đẳng
Thứ nhất, tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình đến mọi người trong xã hội. Thông qua việc tuyên truyền giáo dục cũng góp phần thay đổi tư duy mang tính tập quán, truyền thống về vị trí vai trò của nam giới, nữ giới trong quan hệ hôn nhân và gia đình; nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn;- nơi mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn mang dấu ấn nặng nề của phong kiến.
Thứ hai, đổi mới các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng: ngoài việc treo pano, áp phích như trước đây thì cần áp dụng công nghệ thông tin như các trang mạng điện tử của nhà nước; hay các trang mạng xã hội như facebook, zalo;..để phổ biến rộng rãi thông tin đến người dân một cách nhanh chóng hiệu quả.
Thứ ba, mỗi vợ/chồng cần ý thức, nắm rõ được những quyền và nghĩa vụ của bản thân trong quan hệ hôn nhân.
Liên hệ Luật sư X
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng khi ly hôn. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án; quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Nguyên tắc này là cơ sở thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ chồng về các vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản của vợ chồng; cũng như các thành viên trong gia đình một cách hiệu quả. Từ đó thúc đẩy quá trình xã hội hóa theo xu hướng bình đẳng từ gia đình đến xã hội.
Thể hiện thông qua các quyền và nghĩa vụ nhân thân; chế độ tài sản của vợ chồng; quan hệ cha mẹ với con. Vợ chồng bình đẳng trong thời kì hôn nhân là một nguyên tắc quan trọng trong xây dựng gia đình; tạo tiền đề vợ chồng củng cố tình yêu, đảm bảo được sự bền vững của hạnh phúc gia đình; góp phần xóa bỏ tệ nạn xã hội như bạo lực gia đình; đảm bảo trật tự xã hội.