Xin chào Luật sư, văn phòng công chứng, cơ quan đại diện, văn phòng tư pháp,… điều có chức năng công chứng hồ sơ để xác định đó là giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên tôi không biết liệu các cơ quan công chứng có chức năng nhân biết các loại giấy tờ giả không. Vậy nếu trường hợp sổ đỏ giả có được công chứng không? Nếu cơ quan công chứng biết đó là giấy tờ giả nhưng vẫn thcuwj hiện thủ tục công chứng thì bị xử phạt ra sao? Xin được giải đáp.
Để giải đáp vấn đề trên mời quý độc giả cùng Luật sư X tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.
Căn cứ pháp lý
- Luật Công chứng 2014
Sổ đỏ là gì?
Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận; pháp luật đất đai từ trước tới nay không quy định về Sổ đỏ.
Tùy theo từng giai đoạn, ở Việt Nam có các loại giấy chứng nhận như:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở,
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Tuy nhiên, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 88/2009/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 10/12/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành kế thừa tên gọi Giấy chứng nhận mới, cụ thể:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013).
Công chứng giấy tờ là gì?
Định nghĩa công chứng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 như sau:
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Theo quy định này, việc công chứng chỉ dành cho hợp đồng, giao dịch bằng văn bản và bản dịch giấy tờ.
Không phải bất kỳ loại giấy tờ nào cũng được công chứng. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người thường dùng “công chứng giấy tờ” khi thực hiện việc chứng thực và phổ biến là chứng thực bản sao từ bản chính.
Cụ thể, chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính (theo Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Ngoài chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực còn có các hoạt động khác là: Cấp bản sao từ sổ gốc; Chứng thực chữ ký; Chứng thực hợp đồng, giao dịch (khác với công chứng hợp đồng, giao dịch).
Tóm lại, công chứng giấy tờ không phải khái niệm đúng mà chỉ là cách gọi được nhiều người dùng để chỉ việc chứng thực một văn bản, giấy tờ có nội dung, hình thức đúng với bản chính.
Cơ quan nào công chứng giấy tờ?
Theo Luật Công chứng, việc công chứng hợp đồng, giao dịch hoặc bản dịch chỉ được thực hiện tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.
Còn đối với công chứng giấy tờ hay chính xác là chứng thực giấy tờ, người có nhu cầu có thể đến một trong các cơ quan sau:
- Phòng Tư pháp huyện: Chứng thực bản sao do cơ quan của Việt Nam, nước ngoài, Việt Nam liên kết với nước ngoài cấp hoặc chứng nhận. Trong trường hợp này, người ký chứng thực là Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.
- Ủy ban nhân dân cấp xã: Chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận. Người ký trong trường hợp này là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.
- Cơ quan đại diện: Chứng thực bản sao do cơ quan của Việt Nam, nước ngoài, Việt Nam liên kết với nước ngoài cấp hoặc chứng nhận. Người ký là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.
- Phòng/Văn phòng công chứng: Chứng thực bản sao do cơ quan của Việt Nam, nước ngoài, Việt Nam liên kết với nước ngoài cấp hoặc chứng nhận. Việc ký do Công chứng viên tại tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
(theo Điều 5 Nghị định 23 năm 2015)
Sổ đỏ giả có công chứng được không?
Đầu tiên chúng ta phải hiểu văn phòng công chứng không có chức năng xác minh sổ đỏ giả hay thật. Song văn phòng công chứng là tổ chức xác thực tính hợp pháp các loại giấy tờ và sẽ không công chứng những hợp đồng, giấy tờ vi phạm pháp luật.
Vậy nên nếu xác định sổ đỏ là giả sẽ không công chứng được.
Công chứng nhầm sổ đỏ giả công chứng viên chịu trách nhiệm gì?
Căn cứ tại Điều 38 Luật Công chứng 2014 thì việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng được điều chỉnh như sau:
Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 128 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao mà:
Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, khi công chứng viên công chứng hợp đồng mua bán nhà đất có sổ đỏ bị làm giả thì tổ chức hành nghề công chứng nơi anh chị thực hiện việc công chứng hợp đồng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên nếu thiệt hại anh chị phải chịu từ 100.000.000 đồng trở lên thì công chứng viên thực hiện nhiệm vụ công chứng đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã công chứng hợp đồng mua bán nhà đất có sổ đỏ bị làm giả.
Mời các bạn xem thêm bài viết
- Xe máy chỉ có một gương chiếu hậu có bị phạt không?
- Thay đổi kết cấu xe máy phạt bao nhiêu tiền?
- Giới hạn kích thước hàng hóa xe máy được phép chở tại Việt Nam theo QĐ 2022
Thông tin liên hệ
Luật sư X đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề “Năm 2023, sổ đỏ giả có công chứng được không?” Ngoài ra, chúng tôi có hỗ trợ dịch vụ pháp lý khác liên quan đến đổi tên bố trong giấy khai sinh. Hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833.102.102 để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng.
Giá trị pháp lý của văn bản công chứng:
Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.
(Khoản 4 Điều 2, Điều 5 Luật Công chứng 2014)
Điều 43 Luật Công chứng 2014 quy định về thời hạn công chứng như sau:
Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng.
Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.
Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Chữ viết trong văn bản công chứng phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được tẩy xoá, không được để trống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thời điểm công chứng phải được ghi cả ngày, tháng, năm; có thể ghi giờ, phút nếu người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc công chứng viên thấy cần thiết.
Các con số phải được ghi cả bằng số và chữ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(Điều 45 Luật Công chứng 2014)