Pháp luật hiện hành có quy định như thế nào về việc sử dụng hóa đơn? Thông báo phát hành hóa đơn sau bao lâu thì được sử dụng theo quy định mới nhất? Hãy cùng Luật Sư X tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
- Thông tư số 39/2014/TT-BTC
- Thông tư 37/2017/TT-BTC
- Nghị định 119/2018/NĐ-CP
- Thông tư 68/2019/TT-BTC
Thông báo phát hành hóa đơn sau bao lâu thì được sử dụng?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về hóa đơn hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Hóa đơn chính là những chứng từ được lập để ghi những thông tin hàng hóa do người bán lập. Hóa đơn được lập thành 2 loại: Hóa đơn giá trị gia tăng và hóa đơn bán hàng.
Sau khi thông báo phát hành hóa đơn bao nhiêu ngày thì được sử dụng?
Thời gian trước, theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 9 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài Chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quy định về phát hành hóa đơn của tổ chức kinh doanh:
“Thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất năm (05) ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành”.
Cũng căn cứ theo Thông tư này thì sau khi nộp thông báo phát hành hóa đơn ít nhất 05 ngày, đơn vị phát hành sẽ được sử dụng hóa đơn.
Năm 2017, Bộ tài chính ban hành Thông tư 37/2017/TT-BTC thay đổi nội dung về thời gian sử dụng hóa đơn sau khi phát hành của Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
Theo đó, căn cứ khoản 3 Điều 1 Thông tư 37/2017/TT-BTC ban hành ngày 27/04/2017 “Thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất hai (02) ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn”.
Như vậy theo quy định mới nhất hiện nay, thay vì trước đây là 05 ngày như trước đây, hiện nay chỉ sau 02 ngày sau khi thông báo phát hành hóa đơn giấy doanh nghiệp được phép sử dụng hóa đơn.
Thông báo phát hành hóa đơn điện tử sau bao lâu thì được sử dụng?
Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định về phát hành hóa đơn điện tử.
Khoản 2 điều 14 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định: “Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi Thông báo theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong thời gian 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh”.
Cũng theo Nghị định này, tại khoản 2 Điều 20, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi Thông báo theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.
Nếu như trước đây muốn sử dụng hóa đơn phải gửi hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 02 ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn. Đồng thời, thông báo phát hành hóa đơn gồm cả hóa đơn mẫu phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn.
Theo quy định hiện hành thì sau 01 ngày làm việc thì doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo chấp nhận hoặc không chấp nhận sử dụng hóa đơn điện tử. Nếu được cơ quan thuế chấp thuận thì doanh nghiệp được phép sử dụng hóa đơn điện tử sau 01 ngày kể từ ngày đăng ký. Riêng trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, nếu yêu cầu không được chấp thuận thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cần chuyển sang đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Hóa đơn điện tử là gì?
Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, chữ ký số, chữ ký điện tử theo quy định pháp luật bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử
– Nhóm 1: Sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan Thuế
- Doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại;
- Hoặc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang hoạt động có đủ 3 điều kiện: Có giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử (Nộp báo cáo thuế hàng tháng, quý); Có hệ thống phần mềm kế toán; Phần mềm hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
– Nhóm 2: Sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế: Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
– Nhóm 3: Sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế
- Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 03 (ba) tỷ đồng trở lên; hoặc: Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên;
- Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nêu trên nhưng thực hiện kê khai thuế hàng tháng, quý với cơ quan thuế, nếu có nhu cầu thì cũng được áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.
– Nhóm 4: Sử dụng hóa đơn điện tử in từ máy tính tiền: Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018.
– Nhóm 5: Sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế được cấp theo từng lần phát sinh.
Có thể bạn quan tâm
- Hóa đơn điện tử là gì? Thủ tục để khai báo hóa đơn điện tử
- Hóa đơn điện tử có gì khác với hóa đơn giấy?
- Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn vào ngày nghỉ lễ?
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề “Thông báo phát hành hóa đơn sau bao lâu thì được sử dụng theo quy định mới nhất?” Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ về các lĩnh vực tài chính – kế toán, hình sự, thừa kế, đất đai, dịch vụ giải thể công ty,… khi có nhu cầu hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ 0833.102.102
Câu hỏi thường gặp
Hóa đơn điện tử có rất nhiều loại như: hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, hóa đơn khác gồm: tcm, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm,…; phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không, chứng từ thu cước phí vận tài quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng…
Ngày lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu do người xuất khẩu tự xác định phù hợp với thỏa thuận giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu. Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan