Hiện nay, ngành du lịch của nước ta đang trên đà phát triển và được chú trọng quan tâm. Vì thế mà công việc kinh doanh khách sạn cũng không ngừng tăng cao để đáp ứng yêu cầu của du khách. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước lựa chọn kinh doanh trong lĩnh vực này. Đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó, cần thực hiện những thủ tục cần thiết để tiến hành hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi và không vi phạm pháp luật. Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp năm 2014;
- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
- Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy; kinh doanh lưu trú du lịch.
Nội dung tư vấn:
1. Điều kiện để thực hiện hoạt động kinh doanh khách sạn
Các điều kiện chung bao gồm:
- Có đăng ký kinh doanh;
- Có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với cơ sở lưu trú du lịch.
Các điều kiện cụ thể bao gồm:
- Bảo đảm yêu cầu tối thiểu về xây dựng, trang thiết bị, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng đối với mỗi loại, hạng;
- Điều kiện về an ninh trật tự:
- Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Điều kiện về người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh:
- Đối với người Việt Nam không được thuộc các trường hợp: đã bị khởi tố hình sự; có tiền án chưa được xóa án tích, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù, bị cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự;…
- Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài, không thuộc trường hợp chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú;
- Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
- Phải có phương án bảo đảm an ninh, trật tự.
2. Trình tự, thủ tục thành lập khách sạn
Để thành lập khách sạn, trước hết bạn phải thành lập doanh nghiệp có mã ngành dịch vụ lưu trú hoặc hộ kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh khách sạn. Tùy theo quy mô, số lượng lao động thì bạn có thể thành lập doanh nghiệp theo một trong các loại hình doanh nghiệp được quy định trong luật doanh nghiệp năm 2014 bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh, công ty cổ phần, hoặc hộ kinh doanh cá thể.
Bước 1: Khách hàng nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục I của Thông tư 02/2019/TT – BKHĐT);
- Điều lệ công ty;
- Thông báo sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên/cổ đông (nếu có);
- Giấy đề nghị đăng công bố doanh nghiệp (Phụ lục II – 25 của Thông tư 02/2019/TT – BKHĐT);
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của các thành viên.
Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiếp nhận hồ sơ và chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ. Khách hàng là người sẽ chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đã nộp đó.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải ra thông báo:
- Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ;
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: khi có đủ các điều kiện là ngành nghề kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh; tên doanh nghiệp được đặt đúng theo quy định của pháp luật; có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ; đã nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đăng công bố trên Cổng thông tin điện tử về đăng ký doanh nghiệp với lệ phí 300.000 VNĐ.
3. Những giấy phép cần thiết sau khi thành lập khách sạn
Đây là ngành nghề có điều kiện nên sau khi thành lập khách sạn thì doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục để xin các loại giấy tờ sau đây:
- Cần có giấy phép an ninh trật tự;
- Cần có giấy phép phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy của công an có thẩm quyền.
Thủ tục xin giấy phép đủ điều kiện về an ninh, trật tự
Bước 1: Khách hàng cần lập một bộ hồ sơ để xin giấy phép đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được quy định tại Điều 19 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
- Bản sao hợp lệ một trong : Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu;
- Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa, gồm:
- Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP);
- Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều này nhưng thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP;
- Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.
Bước 2: Nộp bộ hồ sơ đó tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an cấp tỉnh đối với kinh doanh nhà nghỉ theo hình thức thành lập doanh nghiệp. Và được nộp tại Công an cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với kinh doanh nhà nghỉ theo hình thức hộ kinh doanh cá thể.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền xem xét giấy tờ tài liệu và chậm nhất trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phải đưa ra thông báo:
- Nếu hồ sơ hợp lệ: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
- Nếu hồ sơ không hợp lệ: không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải có văn bản trả lời cơ sở kinh doanh và nêu rõ lý do.
Thủ tục xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy
Bước 1: Khách hàng cần chuẩn bị một bộ hồ sơ xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy. Hồ sơ bao gồm:
- Bản sao Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh (công chứng).
- Đơn đề nghị cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện Phòng cháy chữa cháy” (theo mẫu);
- Bản sao “Giấy chứng nhận thẩm duyệt về Phòng cháy chữa cháy” và văn bản nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở xây dựng mới hoặc cải tạo;
- Bảng thống kê các phương tiện Phòng cháy chữa cháy, phương tiện thiết bị cứu người đã trang bị theo mẫu;
- Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
- Danh sách những nhân viên đã qua huấn luyện về Phòng cháy chữa cháy kèm theo “Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Phòng cháy chữa cháy”;
- Phương án chữa cháy của cơ sở.
Bước 2: Khách hàng sẽ nộp hồ sơ đó tại cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo từng cấp độ đối với loại hình kinh doanh.
Bước 3: Trong khoảng thời gian 20 – 30 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ và phải đưa ra thông báo:
- Nếu hồ sơ hợp lệ: Cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy.
- Nếu hồ sơ không hợp lệ: phải có văn bản trả lời cơ sở kinh doanh và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Khách sạn phải có quy mô từ 10 buồng ngủ trở lên, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách lưu trú và sử dụng dịch vụ. Trong thời hạn ba tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh sách sạn phải gửi một bộ hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sở tại để thẩm định, xếp hạng hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xếp hạng theo quy định. Sau khi được xếp hạng thì khách sạn cần thực hiện treo biển hạng và quyết định công nhận hạng cơ sở theo quy định của pháp luật.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102