Khi thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì thường ta sẽ thấy hồ sơ đăng ký đều yêu cầu về điều lệ công ty. Vậy điều lệ công ty là gì? Hãy đọc bài viết này để biết nó là gì nhé!
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp 2014
Nội dung tư vấn
1. Điều lệ công ty là gì?
Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định rõ điều lệ công ty là gì. Nhưng thông qua nội dung và mục đích thì ta có thể hiểu điều lệ công ty như sau:
Điều lệ công ty là bản thảo thuận giữa các chủ sở hữu công ty với nhau, dựa trên quy định của pháp luật để soạn thảo và là căn cứ để thành lập, quản lý, hoạt động và giải thể công ty.
Đồng thời, điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
2. Nội dung điều lệ công ty :
Theo điều 25 của Luật Doanh nghiệp 2014 thì điều lệ công ty gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
- Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh (công ty hợp danh) ; của chủ sở hữu công ty, thành viên (công ty trách nhiệm hữu hạn); cổ đông sáng lập (công ty cổ phần); phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;
- Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Cơ cấu tổ chức quản lý;
- Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
- Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
- Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;
- Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
- Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
- Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
3. Điều kiện để xây dựng điều lệ công ty
Vì tầm quan trọng của điều lệ công ty nên khi muốn soạn thảo điều lệ, chúng ta phải đảm bảo các điều kiện sau:
Thứ nhất, nội dung điều lệ phải có đầy đủ các quy định đã nêu trên, đồng thời không được trái với quy định pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, phải đảm bảo sự tự nguyện, thỏa thuận giữa các chủ sở hữu công ty.
Thứ ba, đối với điều lệ công ty khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của những người sau:
- Các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
- Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần
Thứ tư, đối với điều lệ được sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây:
- Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh;
- Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.
4. Loại hình doanh nghiệp bắt buộc phải có điều lệ công ty
Dựa trên những phân tích trên ta có thể thấy, điều lệ công ty đóng vai trò rất quan trọng đối với công ty. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng bắt buộc phải có điều lệ công ty. Cụ thể theo quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ yêu cầu bản điều lệ công ty đối với các loại hình:
- Công ty cổ phần
- Công ty trách nhiệm hữu hạn
- Công ty hợp danh
5. Thực tiễn:
Mặc dù, điều lệ công ty đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với các trường hợp xảy ra tranh chấp nội bộ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều công ty cũng như chủ sở hữu không nhận thức điều này nên thường thuê những cá nhân, tổ chức không chuyên hoặc thiếu kỹ năng để viết dùm điều lệ nhưng lại không tâm nội dung của điều lệ công ty viết gì. Chính vì lẽ đó, khi xuất hiện tranh chấp, kiện tụng đụng đến điều lệ công ty thì không thể dùng nó để giải quyết xung đột do sự mâu thuẫn giữa các điều khoản của điều lệ công ty. Điều này gây khó khăn cho các bên tranh chấp cũng như cơ quan có thẩm quyền giải quyền. Vì vậy, tôi mong rằng các công ty nên chú trọng hơn nội dung của bản điều lệ công ty.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn !
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102