Cổ đông là ai?

bởi Vudinhha
Cổ đông là ai?
Chúng ta thường bắt gặp cụm từ cổ đông, cổ phần hay cổ phiếu khi nhắc đến công ty cổ phần. Chắc hẳn nhiều người đã biết về khái niệm cổ phần và cổ phiếu vậy cổ đông là ai và có quyền lợi hoặc nghĩa vụ gì trong công ty cổ phần. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cổ đông nhé.

Căn cứ:

  • Luật Doanh nghiệp 2014

Nội dung tư vấn

1. Khái niệm Cổ đông

Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 định nghĩa cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Nói cách khác, cổ đông chính là người góp vốn vào công ty cổ phần và sở hữu phần vốn góp tương ứng với lượng cổ phần đã mua trong công ty.

Ví dụ: Vào thàng 8/2019 công ty cổ phần A đã chào bán một lượng lớn cổ phiếu ra ngoài thị trường. Bà B đã tiến hành mua một phần cổ phiếu tương ứng với 10% cổ phần của công ty. Như vậy sau khi tiến hành xong thủ tục góp vốn, bà B đã trở thành cổ đông của công ty khi sở hữu 10% cổ phần trong công ty.

2. Các loại cổ đông

Luật doanh nghiệp chia cổ đông thành 3 loại chính tương ứng với các loại hình cổ phần hiện nay bao gồm: cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi và cổ đông sáng lập

Cổ đông phổ thông:

Là người sở hữu cổ phần phổ thông, có các quyền lợi và nghĩa vụ thông thường nhất trong công ty và là loại hình cổ đông chiếm tỷ lệ cao nhất.

Cổ đông ưu đãi:

  • Cổ đông ưu đãi biểu quyết là người sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông nghĩa là có lợi thế về biểu quyết trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên chỉ có chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết.
    • Ví dụ: Ông A là cổ đông phổ thông sở hữu 100 cổ phần phổ thông. Ông B là cổ đông ưu đãi biểu quyết sở hữu 100 cổ phần ưu đãi biểu quyết. Điều lệ công ty quy định 1 cổ phần phổ thông tương ứng với 1 phiếu biểu quyết và 1 cổ phần ưu đãi biểu quyết tương ứng với 2 phiếu biểu quyết. Như vậy trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông, số phiếu biểu quyết của ông A là 100 và của ông B là 200 đồng nghĩa với việc ông B có nhiều lợi thế hơn so với ông A trong việc bỏ phiếu quyết định các công việc trong công ty,
  • Cổ đông ưu đãi cổ tức là người sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ đông phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm.
    • Ví dụ: Bà C là cổ đông phổ thông sở hữu 100 cổ phần phổ thông. Bà D là cổ đông ưu đãi biểu quyết sở hữu 50 cổ phần ưu đãi cổ tức. Điều lệ công ty quy định 1 cổ phần phổ thông sẽ được hưởng 0.01% lợi nhuận công ty hằng tháng và 1 cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ được hưởng 0.02% lợi nhuận công ty hằng tháng. Như vậy đến cuối tháng bà C sẽ được hưởng 1% lợi nhuận công ty còn bà D cũng sẽ được hưởng 1% lợi nhuận công ty mặc dù sở hữu số cổ phần ít hơn.
  • Cổ đông ưu đãi hoàn lại là người sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại và được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
    • Ví dụ: Anh E sở hữu 100 cổ phần ưu đãi hoàn lại tương ứng với 100 triệu đồng. Cổ phiếu ghi nhận điều kiện anh E sẽ được hoàn lại số tiền 100 triệu sau 3 năm công ty hoạt động. Như vậy trong vòng 3 năm công ty hoạt động, anh E sẽ được hưởng cổ tức như cổ đông phổ thông và đến năm thứ 4 anh E sẽ nhận lại 100 triệu vốn góp ban đầu.

Cổ đông sáng lập:

Là cổ đông sở hữu ít một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Nói cách khác, cổ đông sáng lập chính là người ban đầu đứng ra góp vốn thành lập công ty cổ phần, sở hữu những cổ phần phổ thông đầu tiên trong công ty cổ phần.

Ví dụ: Chị X, chị Y, chị Z, anh T cùng nhau thành lập công ty cổ phần A và mỗi người sở hữu 25% vốn điều lệ công ty được ghi nhận trong danh sách cổ đông sáng lập của công ty. Sau 1 năm thành lập, công ty A tiếp tục chào bán cổ phần và có thêm 10 người mua cổ phần trở thành cổ đông công ty. Như vậy chị X, chị Y, chị Z và anh T là 4 cổ đông sáng lập của công ty và 10 người còn lại chỉ đơn thuần là cổ đông phổ thông của công ty. 

3. Quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông

Loại cổ đông Quyền lợi Nghĩa vụ
Cổ đông phổ thông

Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định.

Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty.

Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp luật không cho phép.

Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác; Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.

Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.

Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. 

Tuân thủ Điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của công ty.

Chấp hành nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.

Thực hiện các nghĩa vụ khác theo Điều lệ công ty.

Cổ đông sáng lập Các quyền khác như cổ đông phổ thông trừ quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông.

Các nghĩa vụ như cổ đông phổ thông.

Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

Trong 03 năm đầu thành lập công ty, chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại  hội đồng cổ đông.

Cổ đông ưu đãi biểu quyết 

Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết ưu đãi.

Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ quyền chuyển nhượng cổ phần.

Có các nghĩa vụ như cổ đông phổ thông.

Không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết cho người khác.

Cổ đông ưu đãi cổ tức

Nhận cổ tức với mức ưu đãi.

Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản.

Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ quyền biểu quyết.

Có các nghĩa vụ như cổ đông phổ thông.

Không được biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Cổ đông ưu đãi hoàn lại Các quyền lợi khác như cổ đông phổ thông trừ quyền biểu quyết.

Có các nghĩa vụ như cổ đông phổ thông.

Không được biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
 
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm