Thế nào là đại hội đồng cổ đông , hội đồng quản trị , hội đồng thành viên?

bởi Vudinhha

Nhũng ai đã và đang quan tâm đến lĩnh vực luật doanh nghiệp chắc hẳn đều đã từng nghe qua về các bộ phân trong cơ cấu mô hình doanh nghiệp như đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát.,… . Vậy thế nào là đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên? Và chức năng của các cơ quan này là như thế nào ?

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Đại hội đồng cổ đông 

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong công ty cổ phần, bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết trong công ty. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan tập thể, làm việc không thường xuyên mà thực hiện chức năng quyền hạn thông qua cuộc họp đại hội cổ đông. Đại hội đồng cổ đông ra quyết định trên cơ sở biểu quyết tại cuộc họp đại cổ đông hoặc thực hiện thông qua việc lấy ý kiến bằng văn bản của các cổ đông. 

Đại hội đồng cổ đông họp thường niên hoặc bất thường, ít nhất mỗi năm một lần và địa điểm họp phải trên lãnh thỗ Việt Nam. Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ khi kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của hội đồng quản trị, cơ quan đăng ký kinh doanh được phép gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính 

Đại hội đồng cổ đông có quyền xem xét các quyết định những vấn đề chủ yếu và quan trọng trong công ty: Định hướng phát triển của công ty; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát; Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty( nếu điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác); Sửa đổi, bổ xung điều lệ công ty, thông qua báo cáo tài chính hàng năm, Xem xét xử lý các vi phạm của hội đồng quản trị, ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty …….. Trong một số trường hợp, công ty có thể bổ xung hoặc hạn chế quyền của đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều lệ.

Đại hội đồng cổ đông chỉ được quyền thông qua quyết định khi có ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận (tỷ lệ cụ thể quy định tại Điều lệ công ty). Trường hợp quyết định về loại cổ phần và số lượng cổ phần được quyền chào bán của từng loại; sửa đổi bổ sung điều lệ công ty; Tổ chức lại, giải thể công ty; Bán hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận (tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định).

2. Hội đồng quản trị 
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, thực hiện chức năng quản lý công ty thay cho đại hội đồng cổ đông khi đại hội đồng cổ đông không họp. Hội đồng quản trị thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. 

Hội đồng quản trị có nhiệm vụ và chức năng như sau theo quy định của Luật doanh nghiệp : 

Điều 140. Hội đồng quản trị 

2. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

b) Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;

c) Quyết định bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác;

d) Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty;

đ) Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại khoản 1 Điều 130 của Luật này;

e) Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật;

g) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;

h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng và giao dịch quy định, tại điểm d khoản 2 Điều 135, khoản 1 và khoản 3 Điều 162 của Luật này;

i) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định, tiền lương và quyền lợi khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;

k) Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty;

l) Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;

m) Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định;

n) Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;

o) Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;

p) Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể, yêu cầu phá sản công ty;

q) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Về thành phần, hội đồng quản trị có không ít hơn 3 thành viên và không quá 11 thành viên. Số thành viên hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do điều lệ công ty quy định. Nhiệm kỳ của hội đồng quản tri là 5 năm, thành viên hội đồng quản trị có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Việc họp hội đồng quản trị do chủ tịch hội đồng quản trị triệu tập, ít nhất mỗi quý một lần, chỉ hợp lệ khi có 3/4 số thành viên trở nên dự họp. Quyết định của hội đồng quản trị được thông qua nếu đực đa số thành viên dự họp chấp nhận, nếu số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của chủ tịch hội đồng quản trị. 

Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước đại hội đồng cổ đông về những sai phạm trong quản lý, vi phạm điều lệ, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho công ty. 

3. Hội đồng thành viên 

Hội đồng thành viên là cơ quan quyền lực cao nhất trong mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty hợp danh. Hội đồng thành viên là cơ quan mang tính tập thể, thực hiện chức năng của cơ quan thông qua cuộc họp và quyết định trên cơ sở biểu quyết của các thành viên tại cuộc họp hội đồng thành viên Hội đồng thành viên có những nghĩa vụ và quyền hạn sau đây: 

Đối với công ty TNHH 2 TV trở lên ( Điều 56 ) : 

a) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

b) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn;

c) Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty;

d) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trongbáo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

e) Quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

g) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;

h) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

i) Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện;

k) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

l) Quyết định tổ chức lại công ty;

m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;

n) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Đối với công ty hợp danh ( khoản 3 Điều 177)  : Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định các vấn đề sau đây phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận:

a) Phương hướng phát triển công ty;

b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

c) Tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới;

d) Chấp nhận thành viên hợp danh rút khỏi công ty hoặc quyết định khai trừ thành viên;

đ) Quyết định dự án đầu tư;

e) Quyết định việc vay và huy động vốn dưới hình thức khác, cho vay với giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;

g) Quyết định mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;

h) Quyết định thông qua báo cáo tài chính hằng năm, tổng số lợi nhuận, được chia và số lợi nhuận chia cho từng thành viên;

i) Quyết định giải thể công ty.

Ngoài ra, hội đồng thành viên còn có quyền quyết định về các vấn đề khác không quy định tại khoản 3 Điều này được thông qua nếu được ít nhất hai phần ba tổng số thành viên hợp danh tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị đều có những chức năng  khác nhau trong bộ máy cơ cấu doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan khi hoạt động doanh nghiệp để tránh những nhầm lẫn không đáng có. 

Hy vọng bài viết trên hữu ích cho bạn. 

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm