Điều kiện để được hoãn thi hành án phạt tù

bởi

Hoãn thi hành án phạt tù được coi là một quy định mang tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam, nhưng không phải lúc nào, điều kiện nào thì người phạm tội cũng được hoãn thi hành án phạt tù. Vậy hoãn thi hành án phạt tù là gì? Điều kiện gì để được áp dụng hoãn thi hành án phạt tù? Bài viết sau đây của Luật sư X sẽ giải đáp vấn đề này.

Căn cứ

  • Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Luật thi hành án hình sự 2010
  • Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTPTANDTC

Nội dung tư vấn

1. Hoãn chấp hành hình phạt tù là gì?

Hoãn chấp hành hình phạt tù được hiểu là tạm thời chuyển thời gian chấp hành hình phạt tù của người bị kết án tù qua một thời điểm muộn hơn. Có thể lý giải xuất phát điểm về chế định hoãn chấp hành hình phạt tù trong pháp luật hình sự Việt Nam là nhằm thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong việc áp dụng pháp luật, ngoài ra còn hướng đến bảo vệ quyền con người một cách triệt để và tối đa cho người bị kết án và cả chính những người thân của họ. Bởi vì, có thể nói, việc thi hành án phạt tù sẽ kéo theo hậu quả là họ sẽ phải thi hành án tại trại giam và sẽ không được tiếp tục lao động, chu cấp kinh tế cho gia đình hay nuôi dưỡng con cái, cha mẹ, người thân khác được trong suốt thời gian chấp hành án. Và như vậy, việc chấp hành án phạt tù sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân thân, sức khỏe của chính người bị kết án; không những thế việc thi hành án này phần nào đó cũng sẽ có tác động lớn đến những người thân, hoàn cảnh gia đình.

2. Điều kiện được hoãn chấp hành thi hành án phạt tù

Hoãn chấp hành hình phạt tù được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại Điều 67. Theo đó, người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 1 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 1 năm.

Do chưa có Nghị quyết mới để hướng dẫn thực hiện điều này, nên chi tiết các điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù vẫn đang được hiểu theo các hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt. 

Cụ thể, trong trường hợp thứ nhất “bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục” được hiểu là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, bị HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu… Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Trường hợp thứ hai, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi.

Trường hợp thứ ba, là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 1 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Gia đình họ sẽ gặp “khó khăn đặc biệt” trong cuộc sống (như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng… những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động).

Trường hợp thứ tư, bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm. “Là người bị kết án về tội ít nghiêm trọng (là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) và do nhu cầu công vụ, tức là do nhu cầu của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó)”.

Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ

Để được hoãn chấp hành án phạt tù cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Bản sao bản án hoặc bản sao trích lục bản án hình sự;
  • Văn bản đề nghị của Viện kiểm sát (trường hợp Viện kiểm sát đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù);
  • Văn bản đề nghị của cơ quan Công an (trường hợp cơ quan Công an đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù);
  • Đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù của người bị kết án (trường hợp người bị kết án xin hoãn chấp hành hình phạt tù);
  • Đơn của người thân thích của người bị kết án hoặc văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, của chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú (trường hợp không có đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan Công an và người bị kết án);
  • Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án. Đối với người bị nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS thì chỉ cần kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và trong hồ sơ bệnh án phải xác định rõ là đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu (trường hợp đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do người bị kết án bị bệnh nặng);
  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu (công chứng)

 

Bước 2: Nộp hồ sơ

Đối chiếu với các quy định trên nếu thuộc diện được xét hoãn chấp hành hình phạt tù. Mà trong trường hợp nếu cơ quan Viện kiểm sát hoặc cơ quan Công an không đề nghị thì người thân của người đang thi hành án hoặc người đại diện hợp pháp có thể làm hồ sơ gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án để được xem xét theo quy định của pháp luật.           

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa á n phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

Hi vọng bài viết hữu ích với bạn!

 Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm