Xúi giục người khác tự tử bị phạt tới 7 năm tù

bởi

Làng giải trí Hàn Quốc lại xảy ra một sự việc hết sức đau buồn trước thông tin về việc cựu thành viên của nhóm nhạc f(x) đã tự tử tại nhà riêng của mình. Thông tin ban đầu sau cảnh sát tiếp cận hiện trường cho rằng nữ ca sĩ đã treo cổ tự tử sau một thời gian dài mắc bệnh trầm cảm. Trước tiên, Luật sư X xin chia sẻ nỗi buồn cũng như đồng cảm với gia đình và fan hâm mộ của nữ ca sĩ. Tuy nhiên, khi chưa có kết luận chính thức của cảnh sát, chúng ta vẫn không thể bỏ qua khả năng cái chết của nữ ca sĩ có sự tác động của những người khác. Chẳng hạn như việc xúi giục, tạo điều kiện cho nữ ca sĩ tự tử. Từ sự việc trên, Luật sư X sẽ cùng quý độc giả nhìn về pháp luật Việt Nam xem nó có quy định thế nào về hành vi xúi giục hoặc tạo điều kiện giúp cho người khác tự tử.

Cơ sở pháp lý

Nội dung tư vấn

Xúi giục người khác tự tử là gì?

Theo y học, tự tử (tên tiếng Anh là Suicide And Suicidal Thoughts) là hình động của một người cố ý gây ra cái chết cho chính mình. Tự sát đang là nguyên nhân đứng thứ 13 gây tử vong trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, tự sát là nguyên nhân đứng thứ 6 gây tử vong. Tỷ lệ tự sát theo giới là 3 nam/1 nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ toan tự sát thì nữ/nam là 2:1.Trong nhóm người trẻ tuổi( vị thành niên và nhóm tuổi dưới 35), tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tự sát là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông

Có nhiều yếu tố là nguyên nhân gây ra tự sát: những căng thẳng trong các mối quan hệ và trong cuộc sống hàng ngày, những bệnh lý rối loạn tâm thần hoặc những hành vi mang tính tôn giáo cực đoan. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hành vi tự sát của một người được thực hiện dưới sự tác động bằng hành vi, lời nói, cử chỉ của người khác khiến cho nạn nhân đưa ra quyết định tự sát. Đây được coi là những hành vi xúi giục người khác tự tử.

Khoa học pháp lý hình sự định nghĩa như sau “Xúi giục người khác tự sát được hiểu là là hành vi của một người có những lời nói nhằm kích động, dụ dỗ, khuyến khích, thúc đẩy…người khác tự sát.”

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp có những người biết việc nạn nhân sắp tự tử nhưng không ngăn cản đồng thời có những việc làm nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân thực hiện hành vi tự tử.

Xúi giục người khác tự tử có phạm tội không?

Theo đó, hành vi giúp người khác tự sát được hiểu là hành vi tạo điều kiện cần thiết cho người khác để tự chấm dứt cuộc sống của chính họ. Cả 2 hành vi nêu trên đều bị pháp luật Việt Nam quy định là hành vi phạm tội nghiêm trọng, được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành. Do vậy, để xem xét toàn diện 2 tội phạm nêu trên, phải đánh giá toàn diện các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:

Mặt khách quan

  • Về hành vi. Có một trong các dấu hiệu sau đây:

– Xúi giục người khác tự sát: người phạm tội có hành vi kích động, dụ dỗ, khuyến khích người khác tự sát. Kích động người khác tự sát là có những lời lẽ nhằm thúc đẩy bằng cách tác động tâm lý làm cho người bị kích động tự ái đến mức cao độ nên đã tự sát. Nếu không có những lời lẽ kích động đó thì nạn nhân dù có chán đời, có uẩn khúc trong cuộc sống cũng chưa tới mức tự sát. Dụ dỗ người khác tự sát là người phạm tội đã có những lời lẽ khuyên bảo một cách khéo léo để làm cho người khác tự sát theo ý muốn của mình. Những lời nói kích động, dụ dỗ của người phạm tội là nhằm thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tự sát.

Vì vậy, ý thức của người phạm tội là là mong muốn làm sao cho nạn nhân tự sát.Cần xác định rằng, nếu không có hành vi xúi giục thì hậu quả tự sát không xảy ra.

– Giúp người khác tự sát: người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện vật chất hoặc tinh thần để người khác tự sát. Được thể hiện thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt như cung cấp công cụ, phương tiện hoặc hướng dẫn về cách thức, phương pháp để nạn nhân dễ dàng thực hiện hành vi tự sát hoặc mang lại sự tự tin và quyết tâm tự sát.

– Tội phạm hoàn thành khi người bị xúi giục hoặc giúp đỡ có hành vi tự sát. Việc nạn nhân chết hay không chết không có ý nghĩa định tội danh mà chỉ có ý nghĩa trong lượng hình hoặc xem xét đến việc có truy tố hay không.

  • Về hậu quả:

Hậu quả tự sát của nạn nhân là điều kiện bắt buộc, không kể hậu quả chết người có xảy ra hay không. Cả hai trường hợp xúi giục và giúp người khác tự sát, chỉ cần người bị xúi giục hoặc được giúp đỡ có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành, còn nạn nhân có chết hay không, điều đó chỉ có ý nghĩa khi xem xét quyết định hình phạt chứ không có ý nghĩa định tội. Tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, bởi vì dù có bị xúi giục hoặc được giúp đỡ đến mức nào đi nữa mà người bị xúi giục, người được giúp đỡ không tự sát thì vẫn chưa là tội phạm.

Khách thể

Các hành vi nêu trên đã xâm phạm (một cách gián tiếp) đến tính mạng của người khác.

Mặt chủ quan

Người phạm tội phải có ý thức rằng hành vi của mình là xúi giục hoặc giúp người khác tự sát và mong muốn qua sự xúi giục hoặc giúp sức của mình, nạn nhân sẽ tự sát. Nếu chỉ qua lời nói nhất thời hay sự giúp đỡ nhất thời, không xuất phát từ ý thức rằng lời nói hay hành vi của mình sẽ dẫn đến hậu quả tự sát hoặc tạo điều kiện để nạn nhân tự sát nhưng nạn nhân do bức xúc trước mà tự sát thì không thỏa mãn mặt chủ quan của tội phạm này.

Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.Khi xem xét để kết luận có hành vi phạm tội hay không, tòa án sẽ đánh giá, xem xét hành vi của tội phạm đưa ra hình phạt thích đáng.

Xúi giục người khác tự tử bị xử lý thế nào?

Tội xúi giục hoặc giúp đỡ người khác tự sát được quy định tại Điều 131 Bộ luật hình sự hiện hành như sau:

Điều 131. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ;

b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.

2. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Theo quy định tại Điều 131, có thể thấy hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 7 năm tù trong trường hợp người phạm tội có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là làm 2 người trở lên tự sát. 

Qua sự việc đáng buồn vừa xảy ra trong làng giải trí, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các bạn trẻ Việt Nam trong việc cần phải quan tâm hơn nữa về việc chăm lo, cải thiện đời sống tinh thần của bản thân mình và những người xung quanh để tránh gặp phải chứng trầm cảm dẫn tới những kết cục đau lòng.

Hy vọng những thông tin Luật sư X cung cấp hữu ích với bạn đọc!

Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102

Mời bạn xem thêm: Thấy người khác tự tử có phải cứu không?

Câu hỏi thường gặp

Vô ý làm chết người bị xử lý thế nào?

Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh bị xử lý thế nào?

Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Bức tử người khác bị xử lý thế nào?

Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm