Quyền thừa kế là một trong những quyền quan trọng của công dân được Nhà nước ta thừa nhận và bảo vệ. Thừa kế có thể theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật, trong đó thừa kế theo di chúc giúp các chủ thể liên quan được phân chia di sản một cách rõ ràng theo ý chí của người để lại di sản. Tuy nhiên trên thực tế không ít trường hợp dù đã có di chúc hợp pháp những vẫn xảy ra tranh chấp giữa những người thừa kế. Đặc biệt với di sản để lại là quyền sử dụng đất có giá trị cao, việc bảo vê quyền hưởng di sản thừa kế hợp pháp của người thừa kế là vô cùng quan trọng. Để hiểu hơn về vấn đề này, hãy cùng Luật sư tìm hiểu thông qua tình huống sau đây:
“Dạ cho em hỏi giờ nhà em định làm sổ đỏ, ông em di chúc lại cho bố em rồi nhưng trong nhà có 1 người định tranh (ông e đã chia đất đầy đủ cho mọi người) không đồng ý kí giấy thì ra toà, khả năng nhà em thắng để làm đc sổ không ạ? Ông e mất năm 2019 và có di chúc công chứng ạ”
Căn cứ pháp lý
Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
Quy định pháp luật về thừa kế theo di chúc
Pháp luật dân sự hiện nay quy định về vấn đề thừa kế, theo đó thừa kế có thể theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Trong đó có thể hiểu thừa kế theo di chúc là việc cá nhân chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết thông qua việc thể hiện ý chí trong di chúc. Di chúc phải được lập bằng văn bản; trường hợp không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng, tuy nhiên vẫn phải đáp ứng các điều kiện riêng với di chúc miệng. Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng, chứng thực di chúc. Di chúc được coi là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, điều 630 BLDS 2015, theo đó:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Như vậy, việc ông bạn mất và có để lại di chúc được công chứng đúng quy định pháp luật, đây sẽ là căn cứ vô cùng quan trọng để xác định và bảo vệ quyền hưởng thừa kế quyền sử dụng đất hợp pháp của bố bạn. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc theo quy định khoản 1 điều 659 BLDS 2015. Để được hưởng thừa kế theo di chúc đúng pháp luật, bố bạn cũng cần phải để ý tới một số vấn đề sau đây:
– Thời điểm mở thừa kế là thời điểm ông bạn chết – năm 2019 theo quy định tại khoản 1 điều 611 BLDS 2015. Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế theo khoản 1 điều 643 BLDS 2015.
– Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ tài sản của bố bạn với tư cách là người thừa kế là kể từ thời điểm mở thừa kế theo quy định tại điều 614 BLDS 2015.
– Thời hiệu để bố bạn với tư cách là người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế – tức là thời hiệu đến năm 2029.
Thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc theo quy định pháp luật
Như vậy, trước đây quyền sử dụng đất hợp pháp thuộc về ông bạn, giờ ông bạn đã mất và có để lại di chúc đã được công chứng hợp pháp, trong đó xác định rõ di sản thừa kế ở đây là quyền sử dụng đất được để thừa kế cho bố bạn, thì bố bạn và gia đình có thể yên tâm về việc hưởng di sản thừa kế quyền sử dụng đất này của bố bạn. Quyền sử dụng đất còn thuộc đối tượng quy định của pháp luật đất đai, do đó để bố bạn chính thức trở thành chủ sở hữu hợp pháp của quyền sử dụng đất trên thì cần phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai hay cách gọi “dân dã” là làm sổ đỏ. Thủ tục đăng ký biến động đất đai trong trường hợp được thừa kế quyền sử dụng đất của bố bạn được thực hiện theo điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, theo đó:
– Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất tại cơ quan đăng ký đất đai
– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xét thấy đủ điều kiện thì thực hiện các công việc sau đây:
+Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
+Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
+Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Trong đó bộ hồ sơ bố bạn cần nộp tại văn phòng đăng ký đất đai cần bao gồm các tài liệu theo quy định tại khoản 1, điều 2, thông tư 09/2021/TT-BTNMT:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.
– Văn bản về việc thừa kế quyền sử dụng đất
– Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất
– Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;
Căn cứ vào quy định về thủ tục, hồ sơ ở trên có thể thấy bố bạn có thể làm thủ tục đăng ký biến động đất đai mà không cần đến chữ ký của 1 người khác định tranh quyền sử dụng đất. Trường hợp người đó muốn khởi kiện ra tòa thì dưa vào việc:
– Quyền sử dụng đất hợp pháp thuộc về ông bạn lúc chưa mất
– Di chúc công chứng hợp pháp xác định rõ ràng quyền hưởng thừa kế của bố bạn
Bố bạn và gia đình bạn có thể yên tâm về khả năng thắng kiện. Tuy nhiên, vì bạn chưa cung cấp cụ thể hơn các chi tiết liên quan đến vụ việc của gia đình, do đó vẫn cần có lưu ý đến các quy định khác như:
– Về hiệu lực của di chúc tại điều 643 BLDS 2015: “Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.”
– Về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại điều 644 BLDS 2015:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Có thể bạn quan tâm:
- Thừa kế quyền sử dụng đất có phải nộp thuế không?
- Thủ tục nhận thừa kế quyền sử dụng đất mới nhất năm 2021
- Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định pháp luật hiện nay.
Thông tin liên hệ Luật sư X
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về “Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc có tranh chấp xử lý ra sao?”. Luật sư X là đơn vị Luật uy tín, chuyên nghiệp; được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin về dịch vụ pháp lý. Được hỗ trợ và đồng hành để giải quyết những khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư X.
Nếu còn thắc mắc hoặc muốn sử dụng các dịch vụ thành lập công ty của chúng tôi; hãy liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0833.102.102
Câu hỏi thường gặp
Di chúc bằng văn bản không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Theo khoản 4 điều 630 BLDS 2015, di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Về cơ bản thì căn cứ vào khoản 2 điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thì thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày;