Những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại

bởi

Pháp luật Việt Nam cho phép tranh chấp thương mại được lựa chọn phương thức giải quyết nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu thông qua bài viết nhé!

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Trọng tài Thương mại 2010

Luật Thương mại 2005

Nội dung tư vấn:

Những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có thể sử dụng:

Với tranh chấp thương mại xảy ra ở Việt Nam thì có 4 phương thức giải quyết tranh chấp có thể áp dụng tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện nhất định.

– Thương lượng

– Hòa giải

– Trọng tài thương mại

– Tòa án

1. Thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ những bất đồng với nhau mà không cần đến sự tác động hay giúp đỡ của người thứ ba.

Ưu điểm:

– Thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng, linh hoạt

– Ít tốn kém về thời gian, về tiền bạc.

– Đảm bảo bí mật.

– Ít gây phương hại đến quan hệ hợp tác vốn có của các bên. Không gây tác động xấu trong kinh doanh, quan hệ hai bên vẫn cũng có khi thương lượng xong.

Nhược điểm:

– Hình thức thương lượng chỉ thích hợp đối với hai bên có thiện chí muốn tìm giải pháp đối với tranh chấp. Nếu có bên muốn dùng hình thức thương lượng để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thì thương lượng chỉ làm tốn kém và kéo dài thời gian hơn.

– Hình thức giải quyết khép kín, không công khai có khi lại nảy sinh những tiêu cực, trái pháp luật.

Mặt khác, pháp luật điều chỉnh giai đoạn thương lượng này chưa rõ, hiệu lực của thỏa thuận đôi bên có hiệu lực đến đâu, chế tài ra sao đối với một bên không chấp hành thỏa thuận lúc thương lượng, thương lượng này có được Tòa án công nhận hay không…Bởi vậy, nếu tiêu chí của các bên là nhanh chóng, bí mật và thiện chí thì nên chọn phương thức này cũng như để đảm bảo việc hợp tác sau này dễ dàng hơn.

2. Hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua sự tham gia của bên thứ ba.

Bên trung gian đóng vai trò hỗ trợ đôi bên tìm kiếm, đi đến giải pháp có lợi nhất cho đôi bên. Có khi bên trung gian hòa giải thuyết phục đôi bên chấp nhận giải pháp do họ đề ra, chấm dứt xung đột.

Cũng như thương lượng, hòa giải là giải pháp tự nguyện, tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, thương lượng là hình thức tự hòa giải còn hòa giải là hình thức có sự tham gia của người thứ ba vào quá trình giải quyết.

Về mặt nguyên tắc, bên thứ ba đứng ra làm trung gian hòa giải không có quyền quyết định mà chỉ sử dụng kỹ năng và áp dụng các biện pháp mang tính kỹ thuật để  giúp các bên đạt được giải pháp trung hòa, còn giải pháp có đạt được hay không vẫn là sự tự định đoạt của đôi bên.

Ưu điểm và khuyết điểm của hình thức “hòa giải” giống như hình thức thương lượng nhưng hơn một chút là có người làm chứng, làm chủ.

Mặc dù chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn chi tiết về hòa giải nhưng đây vẫn được coi là hình thức giải quyết tranh chấp rất có hiệu quả, được ưa chuộng, giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại ở các quốc gia khác.

3. Trọng tài

Các bên thỏa thuận đưa những tranh chấp ra trước một trọng tài viên hoặc ủy ban trọng tài để giải quyết và trọng tài sau khi xem xét vụ việc sẽ đưa ra một phán quyết ràng buộc các bên tranh chấp. Với tư cách là một bên thứ ba độc lập trọng tài chấm dứt các xung đột bằng cách đưa ra một phán quyết buộc các bên tham gia tranh chấp phải thực hiện.

Đây là hình thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến, được áp dụng rộng rãi do những ưu điểm và lợi thế mà các hình thức giải quyết tranh chấp khác không có được như:

– Các bên được bảo đảm tối đa quyền tự do định đoạt trên nhiều phương diện (lựa chọn trọng tài viên, lựa chọn địa điểm, thủ tục, phương thức giải quyết tranh chấp…)

– Thủ tục đơn giản, ngắn gọn và trong trường hợp cần thiết thì bảo đảm bí mật hơn so với giải quyết bằng Tòa án.

Bên cạnh đó, phán quyết của trọng tài là một ràng buộc có hiệu lực thi hành không bắt buộc phải dựa trên sự thống nhất của đôi bên. Tuy nhiên, đây lại được coi là hạn chế khi việc tự do trong thương lượng giữa các bên không được đề cao.

4. Tòa án

Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án là hình thức giải quyết tranh chấp do cơ quan tài phán Nhà nước thực hiện. Tòa án nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết buộc bên có nghĩa vụ phải thi hành.

Do đó các đương sự thường tìm đến sự trợ giúp của Tòa án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ có hiệu quả các quyền, lợi ích của mình khi họ thất bại trong việc sử dụng cơ chế thương lượng hoặc hòa giải và cũng không muốn đưa vụ tranh chấp của họ để giải quyết bằng trọng tài.

Hi vọng bài viết hữu ích cho bạn! Tham khảo nhiều hơn tại https://lsx.vn/

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm