Bốc bát họ có vi phạm pháp luật?

bởi Luật Sư X
Bốc bát họ có vi phạm pháp luật?

Bốc bát họ – cụm từ khá quen thuộc với nhiều người. Đây là hình thức cho vay phổ biến hiện nay do điều kiện và thủ tục vay cũng rất đơn giản. Vậy bốc bát họ được hiểu như thế nào? Thực hiện bóc bát họ có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?… Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
  • Các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Nội dung tư vấn

1. “Bốc bát họ” là gì?

“Bốc bát họ” hay còn gọi tắt là “Bốc họ” chính là hình thức cho vay tín dụng đen, trong đó bát họ tối thiểu là 10 triệu đồng tuy nhiên trên thực tế người vay (người bốc) chỉ được nhận về 8 triệu đồng và trả mỗi ngày 200 nghìn trong vòng 50 ngày.

Thủ tục bốc bát họ đơn giản không thế chấp tài sản, không cần xác minh khả năng tài chính của người vay mà thay vào đó người vay chỉ cần bản sao chứng minh nhân dânsổ hộ khẩu, sau đó ký vào giấy để bốc bát họ là đã hoàn thành thủ tục vay tiền và nhận được tiền. Thông thường các tổ chức bốc bát họ sẽ sẽ kiểm tra địa chỉ của người bốc bát họ để đảm bảo con nợ không bỏ trốn.

Các hình thức bốc bát họ:

  • Nếu vay 10 triệu thì chỉ được cầm về 8 triệu, 2 triệu còn lại sẽ là tiền lãi được chủ nợ cắt ra của tháng đầu tiên, sau đó tháng thứ hai tức 30 ngày sau người vay phải trả đủ 10 triệu.
  • Nếu vay 20 triệu thì chỉ được cầm về 16 triệu, 4 triệu còn lại phải đóng 400 nghìn/ ngày, trong vòng 50 ngày.
  • Nếu vay 15 triệu thì chỉ được cầm về 12 triệu, 3 triệu còn lại phải đóng 300 nghìn/ ngày, trong vòng 50 ngày.

2. Quy định pháp luật về “bốc bát họ”

Hiện nay không có một văn bản pháp luật cụ thể nào quy định riêng về bốc bát họ. Do đó để xác định bốc bát họ có vi phạm pháp luật hay không cần căn cứ vào quy định chung của Bộ luật Dân sự.

Theo quy định tại khoản 1  Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Theo quy định trên thì mức lãi suất tối đa đối với một giao dịch dân sự là 20%/năm. Tuy nhiên với bốc bát họ thì mức lãi suất đặt ra là 20%/50 ngày, do đó lãi suất theo năm tính ra khoảng hơn 140%/năm. Như vậy đã vi phạm mức lãi suất tối đã theo quy định pháp luật dân sự, mức vượt quá đó sẽ không có hiệu lực.

Hành vi áp đặt mức lãi suất cao như vậy đã thể hiện hành vi vi phạm pháp luật và cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật hình sự.

Căn cứ theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

Điều 201. Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Do đó tùy theo khoản lợi bất chính mà người cho vay thu được thì sẽ có khung hình phạt tương ứng. 

Như vậy có thể thấy bốc bát họ là hình thức cho vay bất chính, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên vì thủ tục vay đơn giản cùng mong muốn có tiền nhanh nên nhiều người đã vô tình vướng phải những hệ lụy không đáng có như bị đe dọa, đánh đập khi không trả nợ đúng hạn, trả lãi không đủ,… Vì vậy mỗi người chúng ta cần thận trọng khi thực hiện bất cứ giao dịch dân sự nào để bảo vệ chính mình và gia đình, tuân thủ quy định pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm