Bốc bát họ là gì? Bị xử lý như thế nào?

bởi
Bốc bát họ là gì? Bị xử lý như thế nào?

Bốc bát họ hay bốc họ là thuật ngữ nhiều người đã nghe, nhưng không phải ai cũng hiểu. Nhưng thường thì ai cũng cố gắng tránh xa việc phải “bốc bát họ”. Vậy bốc bát họ là gì? Quy định của pháp luật về việc này như thế nào?

LSX xin đưa ra ý kiến tham khảo như sau:

Căn cứ:

Nội dung tư vấn:

1. Bốc bát họ là gì?

Bốc bát họ hay bốc họ là một hình thức cho vay nặng lãi hay tín dụng đen. Việc cho vay này không cần cầm cố, thế chấp hay đặt cược gì cả. Hình thức cho vay này thường có các đặc điểm sau:

  • Lãi suất rất cao, đến mức cắt cổ;
  • Bị cắt lãi ngay từ khi vay;
  • Hàng ngày phải đóng tiền họ (trả nợ);
  • Người đứng ra cho vay thường là dân anh chị, có máu mặt;
  • Đội ngũ đòi nợ khá hung hãn và manh động, sẵn sàng làm mọi cách để siết nợ.

Một ví dụ cho các bạn dễ hình dung:

A bốc bát họ 10 triệu, chỉ được cầm 8 triệu, 2 triệu bị cắt mất tính làm lãi ngay từ khi vay.

Thời hạn vay là 50 ngày. Trong vòng 50 ngày phải trả hết nợ 10 triệu. Mỗi ngày sẽ có người đến tận nhà A thu họ 200k. Như vậy lãi suất là 25% trong 50 ngày, tương ứng với 15%/tháng và 180%/năm.

Nếu A có dự định không trả nợ hay bỏ trốn thì sẽ bị đội ngũ đòi nợ chuyện nghiệp hăm dọa, hành hung, … ép buộc phải trả nợ

2. Quy định của pháp luật về bốc bát họ

Bốc bát họ thực chất là hành vi cho vay nặng lãi và hoàn toàn bị pháp luật cấm. Người cho vay nặng lãi có thể bị xử lý hình sự.

Tội cho vay lãi nặng được quy định trong bộ luật hình sự như sau:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mức lãi suất cao nhất được quy định tại điều 468 bộ luật dân sự:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Mức lãi suất tối đa chỉ là 20%/năm, tức là nếu lãi suất lên đến 100%/năm là đã có thể bị xử lý theo pháp luật.

Đây là đối với riêng hành vi cho vay nặng lãi, còn những hành vi khác như đe dọa, hành hung, khủng bố con nợ đều là những hành vi vi phạm pháp luật khác và đều có thể bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề bốc họ hay vay nặng lãi vẫn hoạt động hết sức phức tạp, thậm chí là công khai. Một phần là bởi người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật, e sợ các thành phần xấu. Một phần là bởi chế tài xử lý của pháp luật còn quá nhẹ, thậm chí ở một số nơi còn có sự tiếp tay, bảo kê của chính quyền phía sau những kẻ cho vay nặng lãi. Nhà nước cần có những động thái mạnh tay để chấm dứt tình trạng này.

Hy vọng bài viết hữu ích với bạn!

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm