“Cà khịa” đang là hot trend được sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Có thể do trào lưu hay thói quen mà chúng ta “cà khịa” một cách thường xuyên, gần như là thói quen của nhiều người. Vậy rốt cuộc bản chất của cà khịa là gì, khi cà khịa người khác trên internet liệu có bị coi là vi phạm pháp luật hay không? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
- Luật An ninh mạng năm 2018;
- Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện;
- Các văn bản pháp luật khác.
Nội dung tư vấn
1. “Cà khịa” người khác trên Internet là gì?
Internet là một hệ thống chia sẻ thông tin toàn cầu, là một cộng đồng các máy tính được liên kết, dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa quốc tế (giao thức IP hay gọi là IP protocol). Hệ thống Internet bao gồm hàng triệu mạng máy tính nhỏ hơn của các Công ty, tổ chức, của các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các chính phủ trên thế giới và hàng tỷ người dùng cá nhân.
Cà khịa là một từ ngữ được sử dụng phổ biến ở miền Tây, là từ tiếng Việt vay mượn từ tiếng Khmer.
“khịa” là từ ngữ địa phương, không thường xuyên được sử dụng, có nghĩa là bịa đặt, bịa chuyện, nó như một biến thể từ chữ “bịa” – những thông tin đó không có thật, tự tạo dựng nên.
“Cà khịa” là một động từ có nghĩa là gây sự, gây gổ, muốn gây hấn tạo ra mâu thuẫn cãi vã, đánh nhau.
Do đó đây là một từ không mang nghĩa tích cực mà thường hay dùng để chỉ những người cố ý xen vào chuyện của người khác.
Như vậy cà khịa người khác trên internet chính là hành vi của một chủ thể cố tình gây gổ, gây hấn bằng việc nói những thông tin không đúng sự thật, mang tính bịa đặt để tạo ra mâu thuẫn cãi vã, đánh nhau trên hệ thống mạng ảnh hưởng đến người bị cà khịa.
2. “Cà khịa” người khác trên internet có vi phạm pháp luật không?
Mỗi người chúng ta đều bình đẳng với nhau về quyền được sống, quyền được mọi người tôn trọng. Do đó những hành vi cà khịa người khác có thể đã phần nào có dấu hiệu xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Do đó người có hành vi cà khịa có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý cho những hành vi gây tổn hại đến tinh thần của người khác, cụ thể.
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng quy định như sau:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng
1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;
Mà khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng quy định:
Điều 18. Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
1. Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm:
a) Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này;
Trong đó khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng có nội dung như sau:
Điều 16. Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Theo các quy định trên có thể thấy hành vi cà khịa người khác trên mạng internet là một trong những hành vi bị cấm. Hành vi này tổn hại đến quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm của mỗi người. Không ai được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác dù bằng phương tác động trực tiếp hay gián tiếp.
3. Hình thức xử phạt
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 2. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
1. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VI tại Nghị định này được áp dụng đối với tổ chức. Cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
Như vậy nếu cá nhân có hành vi sử dụng thông tin nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Theo quy định của pháp luật dân sự thì hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì người có hành vi xâm phạm phải bác bỏ thông tin đó, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định.
Hành vi cà khịa người khác mà gây hậu quả nghiêm trọng có thể cấu thành tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy hành vi cà khịa người khác trên internet ở một mức độ nào đó sẽ trở thành hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù có thể hành vi này chỉ nhằm mục đích giải trí, vui đùa quá mức nhưng mỗi người cần lưu ý các quy định của pháp luật để tránh vướng phải vòng lao lý. Trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay thì mức độ ảnh hưởng của một thông tin nhỏ cũng tạo nên hiệu ứng lan truyền rộng rãi, vì vậy chúng ta cần cùng nhau xây dựng một cuộc sống văn minh, lành mạnh.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.