Căn cứ:
- Bộ luật dân sự 2015
Nội dung tư vấn
Bộ luật dân sự 2015 ra đời và cho phép người tặng cho tài sản có thể lựa chọn 1 trong hai hình thức tặng cho nhằm có hay không tạo tính chất ràng buộc đối với người được tặng cho là: Tặng cho có điều kiện, hoặc tặng cho không có điều kiện. Đối với từng loại hợp đồng tặng cho này, người tặng cho có thể đòi lại phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng, cụ thể:
1. Đối với hợp đồng tặng cho không kèm điều kiện:
Việc đòi lại được quà hay không phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng tặng cho được giao kết. Bộ luật dân sự 2015 quy định, hiệu lực tặng cho của hợp đồng phụ thuộc vào đối tượng tài sản tặng cho, cụ thể:
Đối với tài sản tặng cho là động sản:
Điều 458. Tặng cho động sản
1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Như vậy, nếu người yêu bạn tặng quà cho bạn là động sản không phải đăng ký chẳng hạn như điện thoại, trang sức,….. hay thức ăn thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác lập kể từ khi bạn nhận được quà. Có nghĩa là, chia tay thì món quà này không được đòi lại đâu!
Khi tài sản tặng cho là tài sản phải đăng ký như xe máy, ô tô, … thì quyền sở hữu với tài sản này chỉ thuộc về bạn khi nó được đăng ký tên bạn. Bởi vậy, để chắc chắn, thì khi người yêu bạn tặng bạn loại tài sản đáng giá này, thì ngay lập tức “sang tên, đổi chủ” luôn nhé! Tránh trường hợp bị đòi lại mà chẳng làm được gì.
Đối với tài sản tặng cho là bất động sản:
Điều 459. Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Nghĩa là, khi tặng cho bất động sản, 2 bên phải lập thành văn bản được công chứng, chứng thực. Trường hợp, bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thì người được tặng cho phải đi đăng ký. Hiệu lực hợp đồng có tại thời điểm đăng ký. Còn trường hợp, bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thì hiệu lực hợp đồng có tại thời điểm chuyển giao bất động sản.
Như vậy, đối với bất động sản, khi được tặng cho, bạn phải nhớ lập thành văn bản, công chứng và đăng ký (nếu có) để đảm bảo việc nhận tài sản một cách hợp pháp và không bị “bất chợt” đòi lại nhé!
2. Tặng cho có điều kiện:
Tặng cho kèm điều kiện là trường hợp pháp luật quy định nhằm ràng buộc về trách nhiệm đối với người được tặng cho tài sản. Nghĩa là họ phải đáp ứng thực hiện 1 hoặc nhiều công việc(nghĩa vụ) trước hoặc sau khi nhận tài sản tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.
Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Một quy định khá “có lợi” cho những đôi yêu nhau. Bởi bạn có thể đòi lại quà nếu người yêu mình không thực hiện nghĩa vụ như đã giao kết. Đôi khi tặng cho tài sản nhưng kèm theo điều kiện nào đó khiến người yêu bạn có trách nhiệm hơn thì cũng ổn phết nhỉ. Tuy nhiên, tùy trường hợp mà ra điều kiện và cũng cân nhắc về cái điều kiện nhé. Điều kiện đó phải không thuộc điều cấm và không trái đạo đức xã hội.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn !
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là nội dung tư vấn về Chia tay có được đòi quà hay không? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.
Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833102102.