Có rất nhiều vợ chồng chung sống với nhau không còn mặn mà, tình cảm đã phai nhạt. Đặc biệt là thường xuyên không thể tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên hai bên lại chưa đến mức quá căng thẳng để ly hôn. Khi đó họ sẽ tìm đến một giải pháp, đó là ly thân. Vậy trong thời gian đang ly thân mà lại chung sống như vợ chồng với người khác có được không? Vấn đề này được khá nhiều người người quan tâm trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên thì không phải ai cũng nắm rõ và hiểu biết về hậu quả pháp lý của việc này. Chính vì vậy luật sư X sẽ đi làm rõ vấn đề và khúc mắc của độc giả nhé!
Câu hỏi: Vợ chồng tôi đã kết hôn theo đúng thẩm quyền của pháp luật và chung sống với nhau được 4 năm rồi. Nhưng do một vài lý do mà chúng tôi quyết định ly thân. Vậy thì luật sư X cho tôi hỏi trong thời gian ly thân anh ấy chung sống như vợ chồng với người khác thì có vi phạm chế độ một vợ một chồng không? Nếu có thì xử lý ra sao? Tôi mong nhận được phản hồi từ luật sư X. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Nội dung tư vấn: Cảm ơn chị đã gửi đến cho chúng tôi câu hỏi trên! Sau khi hiểu được hoàn cảnh của chị thì chúng tôi xin giải đáp thắc mắc như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDT (Thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành một số quy định của luật hôn nhân và gia đình).
- Bộ luật hình sự năm 2015.
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
1.Giải thích từ ngữ.
1.1. Ly thân.
Ly thân là tình trạng quan hệ vợ chồng khi mà cả hai không muốn sống chung với nhau. Hoặc là cùng chung sống dưới một mái nhà nhưng không ăn chung, ở chung, sinh hoạt tách biệt.
Ly thân hiện chưa được cụ thể hóa và quy định trong một văn bản pháp luật nào hết. Kể cả trong Luật hôn nhân và gia đình 2014. Việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý. Cũng như là các quyền và nghĩa vụ của các bên với nhau. Ly thân cũng không làm phát sinh các quyền riêng về tài sản chung và con chung.
Có thể hiểu đơn giản, ly thân nghĩa là không có liên kết với nhau trong mọi mối quan hệ. Tức là không còn sống chung. Hoặc còn sống chung nhưng không có quan hệ vợ chồng. Đặc biệt là không giao tiếp với nhau, không có những sinh hoạt chung,…
Biện pháp này nhằm giúp cho vợ chồng hiểu được trong khoảng thời gian này mình thật sự muốn gì. Có đôi khi cuộc sống quá áp lực kéo đến cùng một thời gian. Điều đó khiến cho các cặp vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột và cãi vã. Do vậy mà họ cần có một khoảng thời gian không tiếp xúc với nhau. Việc này nhằm giúp họ có thể bình tĩnh, suy nghĩ lại để từ đó có thể cùng nhau giải quyết vấn đề. Đây là một biện pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu việc vợ chồng nóng giận. Hay là thiếu suy nghĩ dẫn đến việc có quyết định ly hôn vội vã gây hối hận về sau.
Ngược lại, nhiều trường hợp lại trở nên tiêu cực. Có thể là do tâm lý của một bên muốn tạo sự ràng buộc cho bên kia. Nghĩa là không muốn giải thoát cho đối phương. Hoặc thậm chí lợi dụng việc đó để có thể tiến hành ly hôn một cách dễ dàng hơn. Từ đấy có thể nhanh chóng tiếp tục một cuộc tình mới.
1.2. Chung sống như vợ chồng.
Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức sống chung với nhau. Và ở đây, họ coi nhau như là vợ chồng. Nếu nam, nữ chỉ lén lút quan hệ tình dục với nhau mà không sống chung thì không coi là chung sống như vợ chồng.
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001 của liên ngành các cơ quan tư pháp, thì: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”
Điều này có nghĩa là họ sống với nhau không khác gì một gia đình. Nhưng ở đây lại không đăng ký kết hôn theo đúng luật định.
2. Hậu quả pháp lý của việc ly thân.
Ly thân có vi phạm luật hôn nhân và gia đình không.
Nhìn chung, hậu quả pháp lý của việc ly thân về bản chất hoàn toàn khác so với ly hôn. Bởi pháp luật hiện nay không thừa nhận vấn đề ly thân. Do đó, ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng giống như ly hôn. Nó chỉ chấm dứt quan hệ sống chung.
Chính vì thế, dù không chung sống với nhau trong một khoảng thời gian dài nhưng xét về mặt pháp luật thì nó vẫn là quan hệ hôn nhân chính thức. Do đó chẳng thể xác định cụ thể thời gian ly thân bao lâu thì được ly hôn. Bởi ly thân không phải là căn cứ ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nó có thể được xem xét như là tiền đề cho thấy vợ chồng có những mâu thuẫn kéo dài, không thể hàn gắn, không thể tiếp tục chung sống.
Những người ly thân, nghĩa là trong thời gian đó mà họ không sống chung với nhau thì mọi quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến các vấn đề tài sản chung, con chung,… vẫn phải tuân theo các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và các quy định khác có liên quan. Nếu trong khoảng thời gian này, vợ chồng có nhu cầu chia tài sản chung. Hoặc là giải quyết vấn đề người trực tiếp nuôi con chung hay cấp dưỡng cho con thì sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên nhưng phải đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Trường hợp hai vợ chồng không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ly thân và ly hôn có nhiều điểm tương đồng. Về biểu hiện của việc không còn chung sống với nhau, không có đời sống kinh tế chung, không có đời sống tinh thần chung,… Nhưng bên cạnh đó vẫn có những điểm khác biệt, phân biệt với ly hôn, cụ thể như sau:
Điểm giống nhau giữa ly thân và ly hôn
- Căn cứ ly thân và ly hôn: Về cơ bản, căn cứ để có thể đi đến quyết định ly thân của hai vợ chồng đều giống với căn cứ để ly hôn. Khi mâu thuẫn vợ chồng làm cho quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được tuy nhiên thì chưa đạt đến mức độ trầm trọng để đôi bên phải ly hôn.
- Về mặt tình cảm của hai vợ chồng: Cả hai trường hợp này xét về mặt tình cảm của hai bên vợ chồng đều đã không còn mặn nồng với cuộc hôn nhân, đã đến mức không còn muốn chung sống hay sinh hoạt cùng nhau như cặp vợ chồng khác.
Điểm khác nhau giữa ly thân và ly hôn
- Về mặt nhân thân: Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý giống như trường hợp ly hôn mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung của hai vợ chồng như không sống chung hoặc sống chung nhưng không có đời sống kinh tế và không có đời sống tinh thần chung hoặc không giao tiếp với nhau,…
- Về mặt thủ tục: Do không được pháp luật thừa nhận cũng như không có quy định một cách cụ thể giống như việc như ly hôn nên thủ tục ly thân sẽ do các bên vợ chồng tự thỏa thuận, sắp xếp mà không phải ra Tòa. Trường hợp vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung mà trước đó không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, ta có thể hiểu mối quan hệ vợ chồng sẽ không bị chấm dứt về mặt khác lý khi đang trong thời gian ly thân.
3. Hậu quả pháp lý đối với trường hợp đang trong thời gian ly thân mà chung sống như vợ chồng với người khác.
Đang trong thời gian ly thân, có rất nhiều trường hợp đối phương chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Do đó mà việc này đang ngày một trở thành vấn đề được dư luận quan tâm rất nhiều. Vậy việc xử lý đối với vấn đề này như thế nào?
Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Điều này quy định về việc Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”
Do đó nếu trong trường hợp đang có vợ hoặc chồng mà tình trạng chỉ mới là ly thân mà lại chung sống như vợ chồng với người khác thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Còn nếu chỉ là việc yêu đương nam nữ với nhau mà không chung sống như vợ chồng thì không vi phạm pháp luật. Đó chỉ là hành vi vi phạm về đạo đức, hay còn gọi ngoại tình.
3.1.Xử phạt vi phạm hành chính đối với trươ
Áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, hành vi này không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-C. Đây là quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:
“Điều 59: Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.”
Trên thực tế, sống chung như vợ chồng với người khác trong khoảng thời gian ly thân thì cả hai bên sống chung như vợ chồng với nhau sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
3.2.Xử lý hình sự
Áp dụng đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp trước đó nếu họ đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi sống chung như vợ chồng với người khác hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng từ việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như thế, căn cứ vào hậu quả nghiêm trọng mà hành vi vi vi phạm chế độ một vợ một chồng có thể bị phạt ở mức phạt cao nhất là 06 tháng đến 03 năm tù. Ngoài ra còn các hình phạt khác: phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm
Qua các thông tin chúng tôi đã cung cấp như trên, mong rằng bạn đã hiểu được trường hợp chung sống như vợ chồng với người khác trong thời gian ly thân thì bị xử lý như thế nào. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Mong rằng bài viết trên sẽ giúp ích cho độc giả! Nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ và mong muốn được tư vấn trực tiếp vấn đề trên, xin hãy liên hệ ngay với luật sư X. Hân hạnh được hỗ trợ quý khách theo số điện thoại: 0833 102 102
Bài viết tham khảo: Giải quyết hậu quả sống chung như vợ chồng