Có được thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau đối với cùng một người?

bởi Hoàng Hà

Cho nhân viên thử việc trước khi vào làm việc chính thức theo hợp đồng lao động là một biện pháp được áp dụng phổ biến tại các doanh nghiệp, vừa là để không phải đóng bảo hiểm bắt buộc, vừa là để hai bên xem xét liệu nhân viên đó có phù hợp với yêu cầu công việc, môi trường làm việc của doanh nghiệp nay không. Một câu hỏi được đặt ra, có được thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau đối với cùng một người? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé.

Căn cứ:

  • Bộ luật lao động 2012
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi vởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP).

Nội dung tư vấn

1.Những phương án doanh nghiệp thường sử dụng để kí nhiều hợp đồng thử việc với một nhân viên?

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn ký nhiều hợp đồng thử việc với một nhân viên. Mỗi doanh nghiệp thực hiện một phương án khác nhau và không ít doanh nghiệp vẫn luôn băn khoăn cách thực hiện của mình liệu có đúng với quy định pháp luật, có rủi ro pháp lý gì không? Thông thường sẽ có 3 cách thực hiện của doanh nghiệp trong thực tế như sau:

  • Doanh nghiệp và nhân viên ký với nhau nhiều hợp đồng thử việc, mỗi hợp đồng thử việc ghi 01 công việc khác nhau và thực tế nhân viên làm thử nhiều công việc khác nhau;
  • Doanh nghiệp và nhân viên ký với nhau nhiều hợp đồng thử việc, mỗi hợp đồng thử việc ghi 01 công việc khác nhau nhưng thực tế nhân viên chỉ làm thử 01 công việc;
  • Doanh nghiệp và nhân viên ký với nhau nhiều hợp đồng thử việc, trong mỗi hợp đồng thử việc đều ghi công việc làm thử theo dạng “công việc … và công việc khác” (VD: hợp đồng 1 ghi “công việc kế toán và công việc khác”, hợp đồng 2 ghi “công việc hành chính và công việc khác”, …). Trên thực tế nhân viên vẫn thực hiện các nhiệm vụ/ công việc phải làm giống nhau qua các hợp đồng thử việc.

2.Tính hợp pháp của ba phương án kí kết hợp đồng thử việc trên.

Phương án 1

Căn cứ Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Có thể hiểu quy định của điều luật này, đó là người sử dụng lao động có thể kí kết nhiều hợp đồng thử việc với một người, trong đó, mỗi công việc chỉ được kí duy nhất một hợp đồng thử việc. Ví dụ doanh nghiệp A kí hợp đồng thử việc với nhân viên B, với công việc làm thử là công việc kế toán, thời hạn thử việc trong vòng 01 tháng. Hết thời hạn thử việc đó, doanh nghiệp A hoàn toàn có thể kí kết một hợp đồng thử việc mới đối với B, ví dụ như kí kết hợp đồng thử việc với công việc làm thử là nhân viên chăm sóc khách hàng, trong thời hạn 01 tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp A không thể tiếp tục kí kết hợp đồng thử việc với B với việc làm thử là công việc kế toán được nữa.

Do đó, phương án 1 là đảm bảo an toàn pháp lý.

Phương án 2

Trong trường hợp này, về mặt hồ sơ sẽ bị lệch nhau. Tức là, hợp đồng có thể ghi nhận là nhiều hợp đồng, nhiều công việc khác nhau, nhưng thực tế, bảng chấm công, bảng lương, kết quả hoàn thành công việc lại thể hiện là nhân viên đều làm một công việc. Như vậy, xét tổng hồ sơ, trường hợp này là thực hiện không đúng luật.

Phương án 3

Trường hợp này là một trường hợp đặc biệt. Trong hợp đồng nói chung, đặc biệt là hợp đồng lao động nói riêng, các chủ thể kí kết thường phải ghi công việc rất cụ thể và chi tiết, dù là hợp đồng thử việc hay hợp đồng lao động chính thức, để tránh những trường hợp mập mờ, gây nhầm lẫn, hiểu sai ý. Do đó, nếu trong hợp đồng ghi là công việc A (ví dụ công việc kế toán) thì hoàn toàn đúng luật, nhưng nếu ghi “Công việc kế toán và những công việc khác theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị” là không chính xác. Và đương nhiên, nếu xuất phát từ một hợp đồng lao động ghi không chính xác, thì việc thực hiện của người lao động sẽ không thể chính xác theo quy định của pháp luật.

3.Thực hiện trái với quy định pháp luật sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nếu thực hiện theo cách 2 và cách 2, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 95/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP), đồng thời bị buộc ký lại hợp đồng lao động kể từ khi kết thúc hợp đồng thử việc đầu tiên, theo đó, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm bắt buộc và giải quyết các chế độ cho người lao động theo quy định pháp luật.

Tóm lại, với cùng một người, có thể thử việc đối với nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý, mỗi công việc chỉ được thử việc duy nhất một lần.

Khuyến nghị

1. LSX là thương hiệu hàng đầu về luật sư tranh tụng tại Việt Nam
2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm