Công chứng vi bằng là gì?

bởi Luật Sư X
Công chứng vi bằng là gì?

Hiện nay thuật ngữ “công chứng vi bằng” được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống nhưng đa phần họ đều không hiểu vi bằng là gì? Công chứng vi bằng có thay thế cho việc công chứng tại văn phòng hay không? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.

Căn cứ:

  • Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
  • Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp;
  • Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-TANDTC-BTC ngày 24/6/2010 của Bộ Tư Pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tài chính hướng dẫn về chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại và chế độ tài chính đối với văn phòng thừa phát lại;
  • Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thủ tục thực hiện một số công việc của Thừa phát lại.

Nội dung tư vấn:

1. Vi bằng là gì?

Khái niệm vi bằng

Vi bằng là biên bản do văn phòng Thừa Phát Lại tại địa phương cấp, ghi nhận: vào một ngày giờ, địa điểm, giữa các bên liên quan có cam kết một nội dung nào đó với nhau. Theo đó, vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng. Vi bằng phải được đăng ký tại Sở Tư pháp thì mới được coi là hợp lệ.

Vai trò của vi bằng

Theo Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ – CP có quy định về giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại lập là:

  • Vi bằng là văn bản được dùng làm chứng cứ để tòa án xem xét, giải quyết vụ án;
  • Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Do vậy, bất kỳ một giao dịch, một hoạt động kinh doanh, một sự kiện mà cá nhân, tổ chức thấy cần phải lưu giữ để làm chứng cứ pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai thì họ có thể sử dụng đến dịch vụ lập vi bằng của thừa phát lại.

Chủ thể có quyền lập vi bằng

Thừa phát lại có quyền lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn mình theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

Vi bằng có phải đăng ký không?

  • Vi bằng được coi là hợp pháp khi được đăng ký tại Sở Tư pháp. Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa Phát Lại.
  • Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng, vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy định. Việc từ chối phải được thông báo ngay bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký.
  • Một vi bằng hợp pháp phải được lập thành văn bản bằng tiếng Việt, nếu vi bằng có từ 2 trang trở lên phải được đánh số thứ tự và được đánh dấu giáp lai tất cả các trang.  Nhằm tăng tính xác thực cho vi bằng, trong một số trường hợp như lập vi bằng về tình trạng nhà bị nứt, tình trạng ô nhiễm, hai bên kí hợp đồng, giao tiền… Thừa phát lại có thể đính kèm băng hình, đĩa, ghi âm hay các tài liệu chứng minh khác (Điều 27, Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC)

2. Công chứng vi bằng là gì?

Hiện nay theo quy định của pháp luật thì Thừa Phát Lại không được Nhà nước trao quyền công chứng. Do đó thực hiện các giao dịch theo hình thức lập vi bằng công chứng Thừa Phát Lại là khái niệm sai. 

Công chứng vi bằng không phải là một thuật ngữ pháp lý. Đây là một cách dùng từ sai nhằm mục đích thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản mà họ tham gia. 

Cần lưu ý rằng giá trị của vi bằng giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực . Vi bằng có giá trị chứng cứ trước Tòa và các quan hệ pháp lý khác, dùng để chứng minh việc các bên đã giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất… làm cơ sở để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra chứ không phải là cơ sở để sang tên đổi chủ cho bên mua.

Hiện nay, khái niệm công chứng vi bằng chủ yếu được các cò sử dụng nhằm lôi kéo khách hàng, khiến họ bị nhầm tưởng vi bằng thừa phát lại có thể thay thế công chứng. Vì vậy, khách hàng cần lưu ý để tránh bị lừa.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm