Hình ảnh nhà nhà, người người tay cầm cuốc xẻng đào bới cả một quả núi để đi tìm “kho báu” những tưởng chỉ có trong truyện cổ tích thì giờ đây, lại là hiện tượng thực tế đang diễn ra tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Với tin đồn rằng trên núi có loại đá quý với giá trị cả tỷ đồng, nhiều người địa phương đã chuẩn bị những dụng cụ như cuốc, xẻng,… lên núi với mong muốn được đổi đời. Nhưng có lẽ, đa phần trong số họ không nhận thức được rằng, hành vi của họ đang làm không những là hành vi trái pháp luật mà còn phá hoại tài nguyên thiên nhiên. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về hành vi vi phạm của người dân tại địa phương đó.
Căn cứ:
- Hiến pháp 2013
- Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
- Luật khoáng sản 2010
- Nghị định 33/2017/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Không được sở hữu đá quý trong đất dù cho có công đào được
Đá quý là một dạng khoáng sản, được hình thành và tích tụ trong quá trình lâu dài trong lòng đất hoặc trên mặt đất. Cụ thể tại Khoản 1 Điều 2 Luật khoáng sản 2010 quy định thì khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.
Với tính chất đặc thù của chế độ chính trị, pháp luật nước ta, có những loại tài sản mà người dân không có quyền tự ý xác lập quyền sở hữu cũng như tự ý khai thác. Cụ thể trong Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định:
Điều 53 Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Như vậy, khoáng sản nói chung và các dạng đá quý nói riêng được pháp luật quy định là tài sản thuộc sở hữu của toàn thể người dân Việt Nam. Cũng giống như đối với đất đai, Nhà nước đóng vai trò là người đại diện sở hữu và quản lý đối với các loại tài sản có tính chất đặc biệt này. Không cá nhân, tổ chức nào có quyền được sở hữu và sử dụng khi chưa được nhà nước cấp phép. Để cụ thể hóa Hiến pháp, tại Điều 197 Bộ luật dân sự 2015 một lần nữa nêu rõ tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi từ vùng biển thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện quyền sở hữu và thống nhất quản lý.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tài nguyên khoáng sản cũng đóng vai trò to lớn khi có một số loại khoáng sản như than, quặng sắt, cát,… là những nguyên liệu quan trọng để tạo ra các thành phẩm phục vụ cho việc xây dựng. Tuy nhiên, việc khai thác các loại khoáng sản này được nhà nước quản lý thống nhất, chỉ những cơ quan, tổ chức được Nhà nước cấp phép khai thác khi đã trải qua các giai đoạn thẩm định năng lực về cơ sở vật chất, vốn, con người,… thì mới được phép khai thác các loại khoáng sản. Cụ thể tại Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 quy định như sau:
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động khoáng sản
1. Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội 2. Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Vốn dĩ pháp luật quy định như vậy cũng căn cứ theo điều kiện thực tế rằng, khi khai thác khoáng sản thường gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, cảnh quan,… Mặt khác, việc khai thác khoáng sản cũng cần phải có cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng được sự an toàn cho người lao động khi thực hiện việc khai thác. Do đó, để ngăn chặn những hậu quả khôn lường có thể ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên, tới tính mạng những con người có liên quan tới hoạt động khai thác khoáng sản. Pháp luật đã quy định chỉ những đối tượng đã được nhà nước cấp phép mới được quyền khai thác khoáng sản và phải hoạt động tuân thủ theo quy hoạch vùng khoáng sản đồng thời tuân thủ theo phạm vi cho phép trong giấy cấp phép.
Vì vậy, để được khai thác khoáng sản, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện về các chủ thể được quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản và phải thực hiện thủ tục xin cấp phép khai thác. Nếu vô tình phát hiện ra khoáng sản, đá quý thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tự ý khai thác khoáng sản khi không được nhà nước cấp phép sẽ phải chịu những chế tài xử phạt.
2. Xử phạt các hành vi khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép
Các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản sẽ căn cứ dựa trên mức độ và phạm vi của hành vi khai thác trái phép khoáng sản. Cụ thể có hai hình thức xử phạt đó là “Xử phạt vi phạm hành chính” và “Truy cứu trách nhiệm hình sự”
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định về chế tài xử phạt các hành vi khai thác khoáng sản trái phép như sau:
Điều 34. Vi phạm các quy định khác về thăm dò khoáng sản ….
2. Phạt tiền đối với hành vi thăm dò khoáng sản mà không có giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định, thăm dò ra ngoài ranh giới được phép thăm dò có tổng diện tích vượt từ trên 100% trở lên so với tổng diện tích khu vực được phép thăm dò hoặc vượt từ trên 05 ha trở lên, vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép thăm dò từ 10m trở lên cụ thể như sau: a) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh b) Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, c) Từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép Bộ Tài nguyên và Môi trường từ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, d) Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò vàng, bạc, đá quý, platin, khoáng sản độc hại là tổ chức.
Theo quy định nêu trên, việc khai thác đá quý trái phép của người dân huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái có thể sẽ phải chịu mức phạt cao nhất là 500.000.000 đồng, đồng thời còn bị tịch thu mẫu vật khai thác được và các dụng cụ, cơ sở vật chất dùng để khai thác. Ngoài ra, việc khai thác làm ảnh hưởng đến hiện trạng thiên nhiên, gây tổn hại tới môi trường thì còn phải thực hiện các biện pháp khôi phục lại hiện trạng và khác phục tình trạng môi trường.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi khai thác khoáng sản, đá quý trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu mức gây thiệt hại và số tiền trục lợi trái phép lớn. Cụ thể tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:
Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên 1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Có tổ chức; d) Gây sự cố môi trường; đ) Làm chết người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Như vậy, đối với trường hợp tự ý khai thác đá quý, khoáng sản, những người dân huyện Lục Yên ngoài việc có thể phải chịu án phạt tù lên tới 7 năm tù, còn có thể phải chịu mức phạt tiền lên tới 500.000.000 đồng.
Hy vọng bài viết sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh những người dân ở vùng núi tỉnh Yên Bái. Giúp họ kịp thời nhận thức và chấm dứt hành vi trái pháp luật đang làm. Đồng thời cũng đem lại những kiến thức pháp luật bổ ích cho quý độc giả.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay