Đất sử dụng ổn định trước 1993 chưa có giấy tờ có được làm sổ?

bởi DangNgocHa
Đất sử dụng ổn định trước 1993 chưa có giấy tờ gì có được làm sổ

 Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia; luôn được Nhà nước quan tâm bảo vệ, quản lý theo định hướng, chính sách nhất định nhằm khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này một cách có hiệu quả nhất. Tuỳ vào từng thời kỳ mà những định hướng, chính sách của Nhà nước trong việc quản lý đất đai có những thay đổi nhất định phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của quốc gia. Một trong những nội dung quan trọng của việc quản lý đất đai đó là quản lý việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là nội dung đã được quy định từ Luật Đất đai 1987, 1993, 2003, 2013. Tuy nhiên trên thực tế thi hành vẫn còn nhiều trường hợp đất đai các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn đinh một thời gian dài những vẫn chưa có giấy tờ gì về đất. Vậy trong những trường hợp này liệu các hộ gia đình, cá nhân có được nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất trên thực tế hay không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng luật sư X tìm hiểu thông qua tình huống sau đây:

“Nhà em có miếng đất có liền nhà sử dụng ổn định trước 1993 đến giờ chưa có giấy tờ gì . Giờ vào khu quy hoạch, luật sư cho em hỏi đất nhà em có được làm sổ ko ạ?”

Căn cứ pháp lý

Luật đất đai 1987

Luật đất đai 1993

Luật đất đai 2003

Nghị định 88/2009/NĐ-CP

Luật đất đai 2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2014

Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Quy định pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước 2013

Cách mạng tháng 8/1945 thành công đã đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nay là nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Công tác quản lý đất đai ở nước ta gắn liền với chính sách từng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ đầu sau thống nhất nhất đất nước với chế độ kinh tế kế hoạch hóa, tập trung cho đến thời kỳ sau đổi mới 1986 với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn từ năm 1945 – 1987, nước ta chưa có Luật điều chỉnh thống nhất các quan hệ đất đai trên cả nước, mà mới chỉ có Luật cải cách ruộng đất 1953 điều chỉnh các quan hệ ruộng đất; cùng nhiều văn bản pháp luật khác với những quy định sơ khai và theo hướng ngày càng chú trọng hơn tới công tác quản lý đất đai.

Luật đất đai 1987 là luật đất đai đầu tiên ở nước ta; trong đó đã có quy định về đăng ký đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khoản 5, điều 9; điều 18. Thời kỳ này, “Người đang sử dụng đất hợp pháp là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; người có tên trong sổ địa chính.” theo điều 4 Nghị định 30-HĐBT ngày 23/3/1989 về việc thi hành luật đất đai. Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Tổng cục Quản lý ruộng đất phát hành, sử dụng chung cho tổ chức và cá nhân quy định tại Quyết định 201-QĐ/ĐKTK năm 1989.

Luật đất đai 1993 sửa đổi bổ sung 1998, sửa đổi bổ sung 2001 đều kế thừa quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo thông tư 346/1998/TT-TCĐC hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Tổng cục Địa chính ban hành, mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời kỳ này được Sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước theo mẫu giấy chứng ban hành theo Quyết định 201 QĐ/ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất (Tổng cục Địa chính); để cấp cho tất cả các thửa đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất ở thuộc nông thôn, đất chuyên dùng các loại; Các thửa đất có công trình nhưng không phải là nhà ở, thửa đất ở chưa có nhà hoặc nhà tạm thuộc nội thành phố, nội thị xã, thị trấn

Luật đất đai 2003 tiếp tục quy định về nội dung quản lý đất đai trong đó bao gồm việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời kỳ này theo Quyết định 24/2004/QĐ-BTNMT, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất.

Ngoài “Giấy chứng nhận quyền sử đất” được nêu ở trên, liên quan tới công tác quản lý nhà ở, đất ở tại nước ta còn có “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” được quy định tại Nghị định số 60-CP ngày 05/07/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị; Sau đó được thay thế bằng mẫu “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở”,  “Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng” do Bộ Xây dựng phát hành và được dùng thống nhất trong cả nước theo Nghị định 95/2005/NĐ-CP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng. Luật Nhà ở 2005 được ban hành, Nghị định 90/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Nhà ở tiếp tục quy định về việc cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở” với mẫu giấy chứng nhận được quy định tại điều 44 Nghị định 90/2006/NĐ-CP, mục IV Phần 1 Thông tư 05/2006/TT-BXD.

Trước thực tế viêc quản lý quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng tồn tại nhiều mẫu giấy, với sự quản lý của cả Bộ Tài Nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng đã dẫn đến những bất cập, nhầm lẫn, khó khăn trong công tác thi hành pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, Nghị định 88/2009/NĐ-CP , Thông tư 17/2009/TT-BTNMT  được ban hành, quy định về “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” do  Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Quy định pháp luật đất đai 2013 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Kế thừa những điểm được của các văn bản pháp luật đất đai thời kỳ trước, Luật đất đai 2013 được ban hành, quy định việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc một trong những nội dung quản lý nhà nước về đất đai; và được quy định rõ hơn tại Chương 7 Luật Đất đai 2013. “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước do Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định.

Đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về đất thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng được quy định tại Điều 101 Luật đất đai 2013:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy, trong trường hợp thửa đất của gia đình bạn được sử dụng ổn định từ trước năm 1993, không vi phạm pháp luật về đất đai, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn tại địa phương thì thửa đất nhà bạn có thể được cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” theo quy định pháp luật hiện hành.

Có thể bạn quan tâm

Mức tiền sử dụng đất phải nộp khi cấp Sổ đỏ

Đất phần trăm có được cấp sổ đỏ hay không?

Điều kiện và thủ tục làm sổ đỏ cho đất không có giấy tờ

Thông tin liên hệ Luật sư X

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Luật sư X là đơn vị Luật uy tín, chuyên nghiệp; được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin về dịch vụ pháp lý. Được hỗ trợ và đồng hành để giải quyết những khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư X.

Nếu còn thắc mắc hoặc muốn sử dụng các dịch vụ thành lập công ty của chúng tôi; hãy liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Đất không có giấy tờ là gì?

Đất không có giấy tờ là đất mà người dân đang sử dụng không có một trong những loại giấy tờ về quyền sử dụng đất; quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16, 17 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

Sổ đỏ, sổ hồng là gì?

Đay là cách gọi cũ, quen thuộc của người dân dựa trên màu sắc sổ của các mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã từng được cơ quan quản lý ban hành

Các khoản tiền người dân có thể phải nộp khi làm sổ cho đất không có giấy tờ?

Sau đây là các khoản tiền người dân có thể phải nộp khi làm sổ cho đất không có giấy tờ: Tiền sử dụng đất (nếu thuộc trường hợp phải nộp); Lệ phí trước bạ; Lệ phí cấp Giấy chứng nhận; Phí thẩm định hồ sơ.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm