Giáo viên vùng cao được hưởng chế độ thế nào?

bởi Hoàng Hà
Vùng cao – hay có tên gọi nói chung là vùng đặc biệt khó khăn, đây là những vùng mà có cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, dân cư thì thưa thớt, đi lại di chuyển khó khăn. Nhưng không phải vì đó mà ý chí của những Nhà giáo ở nước ta có thể bị lung lay. Hàng năm, có hàng loạt thầy giáo, cô giáo xin được làm việc ở vùng cao. Vậy giáo viên vùng cao được hưởng chế độ như thế nào? Luật Sư X sau đây xin gửi tới nội dung này tới bạn đọc như sau:

Cơ sở pháp lý

  • Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Nội dung tư vấn

Ngày 08/10/2019, Nghị định số 76/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, quy định mới về các chính sách với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thay thế cho Nghị định 116/2010/NĐ-CP. Theo quy định này thì giáo viên vùng cao được hưởng những chế độ như sau:

1. Hưởng phụ cấp thu hút 

Cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp thu hút với thời gian thực tế làm việc không quá 60 tháng (05 năm). Mức hưởng tính theo công thức:

Phụ cấp thu hút = 70% (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên, nếu có).

2. Hưởng phụ cấp công tác lâu năm

Bên cạnh phụ cấp thu hút, cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn còn được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc tại đây, cụ thể:

  • Mức 0,5 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 05 năm – dưới 10 năm. 
  • Mức 0,7 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 10 năm – dưới 15 năm. 
  • Mức 1,0 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 15 năm trở lên. 

Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng, mức phụ cấp công tác lâu năm dao động từ 745.000 đồng/tháng đến 1,49 triệu đồng/tháng.

3. Hưởng trợ cấp lần đầu khi nhận công tác

Trước đây nếu muốn được trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn thì nam phải đến làm việc từ 05 năm trở lên, nữ từ 03 năm trở lên. Hiện nay, khoản trợ cấp này được chi trả ngay khi nhận công tác và chỉ thực hiện 01 lần trong tổng thời gian thực tế làm việc.

Theo đó, mức hưởng trợ cấp bằng 10 tháng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng nên nếu cán bộ, công chức, viên chức đến công tác lần đầu tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được nhận ngay mức trợ cấp là 14,9 triệu đồng.

Trong trường hợp có gia đình cùng đến theo cán bộ, công chức thì ngoài khoản trợ cấp lần đầu kia, còn được trợ cấp:

  • Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình theo thực tế;
  • Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.

4. Hưởng trợ cấp tiền mua, vận chuyển nước ngọt

So với quy định chung chung trước đây, hiện nay việc trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, sạch đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn về căn cứ, cách tính và điều kiện để được hưởng trợ cấp mua và vận chuyển nước ngọt.

Theo đó, khi không có nước ngọt và sạch hoặc có nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm thì được trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt sau khi trừ đi phần chi phí nước ngọt sinh hoạt tính trong lương:

Mức trợ cấp được hưởng 01 tháng: a x (c – d).

Mức trợ cấp được hưởng trong 01 năm: a x (c – d) x b.

Trong đó:

a: Định mức tiêu chuẩn: 06 m³/người/tháng;

b: Số tháng thực tế thiếu nước ngọt và sạch trong 01 năm;

c: Chi phí mua và vận chuyển 01m³ nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc của cán bộ, công chức;

d: Giá nước ngọt và sạch – giá kinh doanh 01 m³ nước sạch.

5. Hưởng trợ cấp khi chuyển công tác, nghỉ hưu

Nếu cán bộ, công chức nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thôi hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp kể từ ngày nghỉ hưu. Tuy nhiên, nếu có thời gian công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên thì vẫn được hưởng trợ cấp 01 lần.

  • Mức hưởng trợ cấp được tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn: Mỗi năm công tác tại đây được trợ cấp bằng ½ mức lương tháng hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ, lãnh đạo, thâm niên vượt khung (nếu có) tại thời điểm nghỉ hưu;
  • Do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trả lương trước khi nghỉ hưu chi trả.

6. Được thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ việc riêng

Trong thời gian làm việc tại nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thanh toán tiền tàu xe đi, về với gia đình ngoài tiền lương được hưởng trong các dịp nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng.

7. Được hỗ trợ học phí khi đi học bồi dưỡng nghiệp vụ

Nếu cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm thì được hỗ trợ:

  • Tiền mua tài liệu học tập;
  • Hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập;

Đặc biệt, nếu công tác tại vùng dân tộc ít người tự học tiếng dân tộc để phục vụ nhiệm vụ được giao thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng cho việc tự học. Số tiền hỗ trợ này bằng mức hỗ trợ cho việc học tập ở các trường, lớp chính quy.

8. Hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề

Có 03 nhóm đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm:

  • Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
  • Công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế tại Trạm y tế cấp xã; Nhà hộ sinh; Trung tâm y tế; Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên…
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các Trạm y tế kết hợp quân dân y.

Trong đó, mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

9. Khoản phụ cấp khác dành cho giáo viên

Đối tượng giáo viên luôn là đối tượng được quan tâm trong xã hội. Ngoài những phụ cấp nêu trên, nếu giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì còn được hưởng 02 khoản phụ cấp nữa là phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Phụ cấp lưu động

Nếu nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục buộc phải đi lại thường xuyên giữa các thôn thì còn được hưởng phụ cấp lưu động là 0,2 so với mức lương cơ sở.

Tính từ 01/7/2019 khi mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng thì mức hưởng phụ cấp lưu động là 298.000 đồng.

Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số

Bên cạnh phụ cấp lưu động nếu nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số sẽ được hưởng phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số với mức hưởng là 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Khuyến nghị

 1. LSX là thương hiệu hàng đầu về luật sư tranh tụng tại Việt Nam

2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm