Giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp theo quy định?

bởi TranQuynhTrang
Giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp?

Trong cuộc sống hiện nay vì nhiều lý do khác nhau mà người trực tiếp có quyền và nghĩa vụ liên quan không thể thực hiện công việc, khi đó họ có thể uỷ quyền lại cho người khác thay mình thực hiện công việc, đây là một nhu cầu tất yếu. Giấy uỷ quyền được sử dụng khi đó là một trong những hình thức để xác lập quyền đại diện, khi nắm được vai trò của giấy này sẽ giúp người được uỷ quyền thực hiện đúng những quyền mà người đại diện uỷ quyền. Vậy theo quy định giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp? Pháp luật quy định về hình thức của giấy uỷ quyền như thế nào? Bạn đọc hãy cùng LSX tìm hiểu về vấn đề này tại nội dung bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Quy định pháp luật về giấy uỷ quyền

Giấy ủy quyền là một văn bản pháp lý trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền. Việc lập giấy ủy quyền có 2 trường hợp xảy ra:

  • Ủy quyền đơn phương, tức Giấy ủy quyền không có sự tham gia của bên nhận ủy quyền. Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và không có giá trị bắt buộc bên nhận ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy. Do vậy, nếu sau khi Giấy ủy quyền được lập mà bên nhận ủy quyền không thực hiện công việc theo cam kết thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu bên nhận ủy quyền phải thực hiện, kể cả việc bồi thường thiệt hại, nếu có.
  • Ủy quyền có sự tham gia của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Trường hợp này về hình thức là giấy ủy quyền nhưng về bản chất là hợp đồng ủy quyền. Nếu có tranh chấp, pháp luật sẽ áp dụng các quy định về hợp đồng ủy quyền để giải quyết. Theo đó, người được ủy quyền chỉ được thực hiện các công việc và hưởng các quyền trong phạm vi quy định của giấy ủy quyền. Trong trường hợp người được ủy quyền có hành vi vượt quá phạm vi đó thì phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với phần vượt quá.

Hợp đồng ủy quyền: Căn cứ vào Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 Hợp đồng ủy quyền “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Hợp đồng ủy quyền đòi hỏi phải có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Người được ủy quyền chỉ được thực hiện các công việc và hưởng các quyền trong phạm vi quy định của hợp đồng ủy quyền. Trong trường hợp người được ủy quyền có hành vi vượt quá phạm vi đó thì phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với phần vượt quá.

Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền

Căn cứ vào Điều 566 Bộ luật dân sự 2015 quy định bên được ủy quyền có quyền

1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

2. Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

Cân cứ vào Điều 565 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ của bên được ủy quyền:

1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

Giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp?
Giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp?

4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.

Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền

Căn cứ vào Điều 568 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền của bên ủy quyền như sau:

1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.

Căn cứ vào Điều 567 Bộ luật dân sự 2015 bên ủy quyền có nghĩa vụ sau:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.

2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.

3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

Giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp?

Bản chất của Giấy ủy quyền chính là một giao dịch dân sự, do đó, Giấy ủy quyền có giá trị pháp lý khi đáp ứng 02 điều kiện chính, đó là về nội dung và hình thức.

Điều kiện về nội dung Giấy ủy quyền

Giấy ủy quyền cần đảm bảo các nội dung ủy quyền không được trái với các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015:

– Bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử;

– Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận;

– Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

– Xác lập, thực hiện, chấm dứt ủy quyền một cách thiện chí, trung thực;

– Không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;

– Các bên phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.

Hình thức của Giấy ủy quyền

Trước đây, tại khoản 2 Điều 142 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.

Tuy nhiên, đến khi Bộ luật Dân sự 2015 ra đời, vấn đề hình thức ủy quyền không được nêu ra, việc ủy quyền thế nào, bằng hình thức gì do luật chuyên ngành điều chỉnh.

Bên cạnh đó, cả Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 đều không có điều khoản hay quy định cụ thể nào về hình thức Giấy ủy quyền. Tuy nhiên, Giấy ủy quyền lại được ghi nhận tại nhiều văn bản khác, điển hình như:

– Tại khoản 1 Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền

– Tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe:

Người được ủy quyền đến đăng ký xe phải xuất trình Chứng minh nhân dân của mình; nộp giấy uỷ quyền có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.

Hình thức của Giấy ủy quyền có thể theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản nào quy định tập trung về hình thức của Giấy ủy quyền.

Trong một số trường hợp yêu cầu ủy quyền phải lập thành văn bản và có cả trường hợp yêu cầu văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực như:

Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định uỷ quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực (Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP).

Như vậy, tùy từng trường hợp mà Giấy ủy quyền phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.

Mời bạn xem thêm:

Thông tin liên hệ:

Vấn đề “Giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp?” đã được Luật sư X giải đáp thắc mắc ở bên trên. Với hệ thống công ty Luật sư X chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc của quý khách hàng liên quan tới Tách hợp thửa đất. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giúp quý khách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và ít đi lại. Chi tiết vui lòng liên hệ tới hotline: 0833102102

Câu hỏi thường gặp:

Trường hợp nào được uỷ quyền lại?

Tại Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về ủy quyền lại như sau:
Ủy quyền lại
1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

Các trường hợp pháp lý đặc biệt về giấy uỷ quyền hiện nay như thế nào?

Ngoài những quy định cụ thể cần giấy ủy quyền thì có một số trường hợp đặc biệt về ủy quyền mà bạn cần lưu ý như sau:
Trường hợp 1: Nếu con cái dưới 15 tuổi chưa đủ vị thành niên thì cha mẹ sẽ được coi là người đại diện hợp pháp và không cần giấy ủy quyền.
Trường hợp thứ hai, đối tượng nếu từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn có thể là người đại diện theo ủy quyền.
Trường hợp thứ ba, giữa vợ và chồng hoàn toàn có thể xác lập giấy ủy quyền để định đoạt tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân theo khoản 3 Điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015 về sở hữu chung vợ chồng.

Giấy uỷ quyền có thời hạn bao lâu?

Bộ luật Dân sự 2015 không quy định cụ thể về giấy ủy quyền, mà quy định về ủy quyền thông qua hợp đồng.
Theo Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm