Họ, hụi, biêu, phường là gì?

bởi Luật Sư X
Họ, hụi, biêu, phường là gì?

Họ hụi biêu phường có thể hiểu là một hình thức giao dịch theo tập quán hình thành từ rất lâu đời trong nhân dân ta ở khắp các vùng miền. Các cá nhân, một bên muốn huy động vốn nhanh mà không muốn tới ngân hàng bởi thủ tục phiền hà, phức tạp của nó; một bên có đồng tiền rảnh rỗi cũng muốn sinh lãi nhưng cũng lại không muốn gửi ngân hàng. Chính vì vậy, ở các vùng miền thường xuất hiện hình thức chơi hụi, họ, biêu, phường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây chúng lại đang biến tướng và trở thành một vấn nạn cho xã hội để lại những hậu quả đau lòng. Vậy họ hụi biêu phường là gì? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

Họ, hụi, biêu, phường là gì? Chơi họ, hụi có hợp pháp không?

Họ hụi biêu phường thực chất chỉ là một hoạt động mà tùy vào từng vùng miền sẽ có những cách gọi khác nhau. Mục đích ban đầu là việc góp vốn giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong công việc làm ăn, buôn bán. Một ví dụ cụ thể để các bạn có thể dễ hình dung về khái niệm này:

Khi chơi hụi cần có một người đứng ra làm chủ (chủ hụi) và mời các thành viên khác cùng chơi (con hụi). Chủ hụi có trách nhiệm đi thu tiền (tài sản) của con hụi. Một “dây hụi” có thể không giới hạn người chơi. Các thành viên của dây hụi thống nhất góp một loại tài sản có giá trị giao dịch như: tiền, vàng, gạo… Dây hụi cũng thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi…

Một dây hụi mười người, góp ngày 10.000 đồng, mở hụi cuối tháng. Như vậy, chẳng hạn đến kỳ mở hụi thứ nhất (ngày thứ 30), bà A được “hốt hụi” thì bà nhận được số tiền là: 10.000 đồng x 10 người x 30 ngày = 3.000.000 đồng (trong đó có tiền bà góp là: 10.000 đồng x 30 ngày = 300.000 đồng). Ngoài ra, nếu có thỏa thuận thì bà A phải trích ra một số tiền hoa hồng cho chủ hụi. Qua việc chơi dây hụi này, bà A mượn được nguồn vốn gấp 10 lần bà góp để dùng vào việc riêng.

Qua kỳ hụi thứ hai, bà A và các con hụi khác vẫn phải góp 10.000 đồng một ngày. Đến kỳ mở hụi (ngày thứ 60), một người khác cũng sẽ được “hốt hụi” với số tiền tương tự bà A. Hụi kết thúc khi tất cả các con hụi đều đã được hốt hụi. Có thể thấy rằng, hụi là một hình thức “chia sẻ” kinh tế nhàn dỗi, tương thân hỗ trợ theo vòng lặp.

Mang một mục đích như vậy nên pháp luật đã cụ thể hóa họ, hụi, biêu, phường như là một trong các loại hình cho vay tài sản được quy định cụ thể tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường

1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Như vậy, việc chơi họ, hụi là hoàn toàn được pháp luật cho phép như là một hoạt động mang lại lợi ích cho mọi người. Tuy nhiên, pháp luật còn quy định cụ thể mức lãi suất của họ, hụi, biêu, phường phải tuân theo mức lãi suất được quy định trong luật dân sự là không vượt quá 20%/năm và cũng nghiêm cấm những hình thức cho vay nặng lãi (hay còn gọi là tín dụng đen) núp bóng dưới danh nghĩa các nhóm họ, hụi.

Mức xử phạt nếu vi phạm lãi suất chơi họ hụi biêu phường

Mặc dù vậy nhưng gần đây càng ngày càng có nhiều vụ việc vỡ nợ dẫn đến hậu quả làm tan nhà nát cửa nhiều gia đình, thậm chí còn xảy ra án mạng thương tâm. Để đưa hoạt động của hình thức họ, hụi, biêu, phường về đúng mục đích của nó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP để quy định chi tiết về cách thức hoạt động, về các đối tượng nào được phép tổ chức họ, về các nguyên tắc của tổ chức họ, hụi… Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP nêu các nguyên tắc của hoạt động tổ chức họ.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức họ

1. Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự.

2. Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.

3. Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tại Điều 7 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định:

Điều 7. Hình thức thoả thuận về dây họ

1. Thoả thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.

2. Trường hợp thỏa thuận về dây họ được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Từ một hình thức tiết kiệm tiền với mục đích tương trợ lẫn nhau, hụi, họ đã bị biến tướng và trở thành một vấn nạn khó kiểm soát, nhất là khi người cầm hụi, họ có ý định lừa đảo. Do đó, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, hy vọng trong tương lai gần họ, hụi, biêu, phường sẽ sớm trở về với đúng chức năng, mục đích vốn có của nó.

Hi vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!

Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Các trường hợp chấm dứt dây họ là gì?

Căn cứ Điều 11 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 11. Chấm dứt dây họ
1. Dây họ chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo thoả thuận của những người tham gia dây họ;
b) Mục đích tham gia dây họ của các thành viên đã đạt được;
c) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp dây họ chấm dứt, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia dây họ được thực hiện theo thỏa thuận về dây họ và quy định tại Bộ luật dân sự.”

Chủ họ có những quyền gì?

Theo Điều 17 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 17. Quyền của chủ họ
1. Chủ họ trong họ không có lãi có các quyền sau đây:
a) Thu phần họ của các thành viên;
b) Yêu cầu thành viên không góp phần họ của mình phải trả phần họ trong trường hợp chủ họ đã góp thay cho thành viên đó;
c) Quyền của chủ họ trong việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 7, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này;
d) Các quyền khác theo thỏa thuận.
2. Chủ họ trong họ có lãi có các quyền sau đây:
a) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Lĩnh các phần họ trong kỳ mở họ đầu tiên và không phải trả lãi cho các thành viên khác trong trường hợp chủ họ đồng thời là thành viên, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ họ trong họ hưởng hoa hồng có các quyền sau đây:
a) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này nếu thuộc trường hợp họ không có lãi hoặc các quyền quy định tại khoản 2 Điều này nếu thuộc trường hợp họ có lãi;
b) Được hưởng hoa hồng từ thành viên lĩnh họ.”

Nghĩa vụ của chủ họ là gì?

Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 18. Nghĩa vụ của chủ họ
1. Thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi.
2. Thông báo đầy đủ về số lượng dây họ; phần họ, kỳ mở họ; số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ cho người muốn gia nhập dây họ.
3. Giao các phần họ cho thành viên lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ.
4. Nộp thay phần họ của thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Để các thành viên xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ khi có yêu cầu.
6. Gửi thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này.
7. Các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.
8. Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”

Điều kiện gia nhập dây họ là gì?

Điều 9. Gia nhập dây họ
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, một người có thể trở thành thành viên mới của dây họ khi:
Có sự đồng ý của chủ họ và tất cả các thành viên.
Góp đầy đủ các phần họ theo thỏa thuận tính đến thời điểm tham gia.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm