Khạc nhổ nơi công cộng có vi phạm pháp luật?

bởi Luật Sư X
Khạc nhổ nơi công cộng có vi phạm pháp luật?

Có lẽ trong chúng ta không ít người đã từng lãnh đủ “cơn mưa nước bọt” từ những người đi xe máy, khi họ bất thình lình phun ra. Cảm giác lúc ấy vô cùng khó chịu, bực bội nhưng không thể làm gì hơn. Không chỉ có người đi xe máy mà ngay cả những người đi đường cũng có thói quen “khạc nhổ” ngay tại những nơi công cộng. Một điều chúng ta thắc mắc liệu rằng hành vi khạc nhổ nơi công cộng có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
  • Các văn bản có liên quan khác.

Nội dung tư vấn

1. “Khạc nhổ” nơi công cộng được hiểu như thế nào?

Theo từ điển Tiếng Việt, khạc là “bật hơi mạnh để vật bị vướng trong họng ra ngoài”; nhổ là “làm cho vật đang ngậm trong miệng vọt ra ngoài”. Vậy khạc nhổ là một từ ghép, có nghĩa là việc dùng động lực bằng hơi để đẩy một vật (vật chất) từ trong họng bay thẳng ra ngoài (miệng).

Nơi công cộng được hiểu là những địa điểm “kín” như rạp hát, rạp chiếu bóng,.. hoặc “mở” như sân vận động, công viên, đường phố,… mà ở đó các hoạt động chung xã hội được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên.

Như vậy khạc nhổ nơi công cộng được hiểu là hành vi dùng lực hơi trong cơ thể để đẩy bật các loại vật chất từ họng, miệng ra bên ngoài tại những nơi sinh hoạt chung như công viên, đường phố,… Hành vi này chưa được pháp lý hóa. Do vậy hiện tại không có bất kỳ văn bản nào giải thích rõ ràng khạc nhổ nơi công cộng có nghĩa là gì, vì thế chúng ta có thể hiểu khái niệm này đơn giản như trên.

2. Khạc nhổ nơi công cộng có vi phạm pháp luật không?

Khạc nhổ nơi công cộng là một trong những thói quen xấu nhất của mọi người. Hành vi này không chỉ đơn giản khó coi, mất lịch sự, kém văn minh mà còn là thủ phạm phát tán mầm bệnh trong cộng đồng. Vì vậy các nước có quy định khác nhau để điều chỉnh hành vi này, hướng tới một môi trường sống trong lành.

Có nhiều nước trên thế giới đã cụ thể hóa hành vi khạc nhổ nơi công cộng trong vào trong các quy định của pháp luật. Một ví dụ điển hình đó là pháp luật Singapore quy định về mức xử phạt đối với hành vi khạc nhổ “Người nào khạc nhổ ở nơi công cộng bị phạt từ 1.000 – 5.000 SGD tùy theo số lần vi phạm”. Theo đó hành vi khạc nhổ nơi công cộng được coi là một hành vi vi phạm pháp luật và người có hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài – xử phạt hành chính với số tiền từ 1.000 – 5.000 SGD, số lần vi phạm càng nhiều thì mức phạt càng cao. Chính việc pháp lý hóa các hành vi này đã giúp Singapore trở thành đất nước sạch nhất, đáng sống nhất trên thế giới.

Tại Việt Nam, hiện nay trong các văn bản pháp luật chưa có một quy định nào về hành vi khạc nhổ nơi công cộng. 

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã nêu rõ mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên không có một quy định nào về cấm khạc nhổ nơi công cộng, mặc dù Nghị định này đã quy định tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu vực công cộng và khu dân cư. 

Như vậy pháp luật hiện hành vẫn chưa cấm hành vi khạc nhổ nơi công cộng, do đó có thể hiểu người thực hiện hành vi khạc nhổ nơi công cộng không bị coi là vi phạm pháp luật. Mặc dù không vi phạm pháp luật nhưng nó ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt Nam; gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống của mọi người.

3. Tại sao cần phải “pháp lý hóa” hành vi khạc nhổ nơi công cộng

Khạc nhổ là nhu cầu phải có trong cuộc sống nhất là những lúc chúng ta ốm đau bệnh tật. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta được phép khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Vì thế việc đặt ra các quy định của pháp luật điều chỉnh hành vi khạc nhổ nơi công cộng là rất cần thiết, bởi các lý do cụ thể sau:

Thứ nhất, khạc nhổ nơi công cộng gây nguy hiểm cho mọi người. Khả năng gây nguy hiểm cho người đi đường của hành vi khạc nhổ khá cao, đặc biệt với những con đường có mật độ phương tiện đông và trong những trường hợp mà người khạc nhổ thiếu ý thức quan sát, lại thích thể hiện bản thân rằng mình có sức bật hơi rất mạnh thì quá nguy hiểm cho những người xung quanh. Chính hành vi khạc nhổ có thể là mầm bệnh cho xã hội.

Thứ hai, khi có các quy định pháp luật về cấm hành vi khạc nhổ nơi công cộng một cách bừa bãi sẽ tăng cường trách nhiệm cũng như ý thức tự giác của mỗi người. Bởi việc không tuân thủ quy định pháp luật thì người thực hiện hành vi phải chịu chế tài có thể là xử lý hành chính, dân sự, cũng có thể là hình sự tùy mức độ. Từ đó mỗi người bị ràng buộc bởi trách nhiệm pháp lý nếu không tuân thủ quy định pháp luật. Theo đó góp phần tạo nên môi trường công cộng lành mạnh, sạch đẹp, môi trường sống không còn ô nhiễm.

Thứ ba, việc quy định hành vi khạc nhổ nơi công cộng trong các văn bản pháp lý sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm dễ dàng hơn, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục răn đe cộng đồng.

Thứ tư, khi hành vi khạc nhổ được pháp lý hóa sẽ tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời tạo nên hình ảnh một đất nước văn minh, sạch đẹp so với các nước trên thế giới, làm hài lòng khách du lịch, thu về những khoản lợi nhuận lớn cho sự phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước.

Như vậy hành vi khạc nhổ nơi công cộng chưa được quy định cụ thể theo pháp luật Việt Nam, vì thế người thực hiện hành vi này không bị coi là vi phạm pháp luật và không phải chịu chế tài xử lý. Tuy nhiên hành vi khạc nhổ nơi công cộng sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường sống. Do vậy việc hạn chế tối đa hành vi khạc nhổ nơi công cộng cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mình. Trong trường hợp buộc phải khác nhổ thì người đó có thể lựa chọn nơi kín đáo hoặc thực hiện hành vi một cách lịch sự, văn minh nhất như sử dụng khăn giấy nếu đang lưu thông trên đường hoặc sử dụng nhà vệ sinh,… Việc cần bổ sung hành vi khạc nhổ nơi công cộng vào Nghị định sửa đổi nghị định 167/2013/NĐ-CP là cần thiết hơn bao giờ hết.

Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm