Căn cứ:
- Luật thi đua, khen thưởng 2003 được sửa đổi bổ sung 2013
Nội dung tư vấn
1. Pháp luật quy định như thế nào về Anh hùng
Đã từ lâu, mọi người chúng ta thường quen thuộc gọi hai chữ anh hùng dùng để ca ngợi những người có công đức với xã hội, như là một cách để tôn vinh và đề cao những đóng góp to lớn của những người đó đối với một xã hội hoặc rộng hơn là trên bình diện thế giới. Theo từ điển Việt Nam, “anh hùng” được định nghĩa là một danh từ và được dùng để chỉ những người có tài năng và đã lập nên những công trạng đặc biệt lớn lao đối với nhân dân và đất nước. Bên cạnh đó, pháp luật và nhà nước Việt Nam thông qua danh hiệu anh hùng, ví dụ như các danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động” để nhằm công nhận, tôn vinh những đóng góp của các cá nhân và tổ chức có những đóng góp to lớn, lập được những thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
“Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động” là hai trong số các danh hiệu vinh dự nhà nước được Nhà nước trao tặng cho những cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt, có những đóng góp và tạo lập nên những công trạng lớn lao cho nhân dân và đất nước. Được trao tặng một trong hai danh hiệu này là một vinh dự vô cùng lớn lao đối với mỗi cá nhân, là niềm tự hào đối với gia đình và chính bản thân của người được phong tặng.
Đối với danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, người được phong tặng là những người đang công tác, làm việc, phục vụ và chiến đấu trong hàng ngũ các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, vi dụ như các chiến sĩ công an nhân dân, quân nhân trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam,…. Những người này đã lập được những chiến công, thành tích xuất sắc trong công việc nghiên cứu hoặc chiến đấu. Bên cạnh đó, họ cũng là những người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, xứng đáng là những chiến sĩ công an nhân dân cách mạng, những anh bộ đội cụ hồ trong thời kỳ đổi mới.
Đối với danh hiệu “Anh hùng lao động”, người được phong tặng là những công dân hoặc những người lao động có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất hoặc những người có công trạng lớn lao, đem vinh quang về cho đất nước, làm rạng danh tổ quốc trên bình diện quốc tế.
2. Điều kiện để trở thành “Anh hùng” Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Căn cứ theo khoản 1 Điều 60 Luật thi đua khen thưởng hiện hành quy định về điều kiện để được Nhà nước xem xét và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như sau:a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có hành động anh hùng, dũng cảm, mưu trí, hy sinh quên mình, đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, huấn luyện, phục vụ chiến đấu, trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, được nêu gương trong toàn quốc;
b) Có sáng kiến, giải pháp hoặc công trình nghiên cứu có giá trị đặc biệt được ứng dụng vào thực tiễn họat động quân sự, an ninh hoặc kinh tế – xã hội đem lại hiệu quả thiết thực trong toàn quốc;
c) Có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, chuyên môn, nghiệp vụ thành thạo; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; có công lớn trong việc bồi dưỡng về kỹ thuật, chiến thuật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đồng đội;
d) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, là tấm gương mẫu mực về mọi mặt.
Là những người đảm nhiệm trọng trách giữ gìn an ninh quốc gia, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống đẩy lùi tệ nạn xã hội và đấu tranh, ngăn chặn những mối nguy đe dọa từ các thế lực thù địch ngoại bang, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân muốn đạt được danh hiệu danh giá nêu trên sẽ phải đáp ứng những yếu tố nêu trên phải vừa giỏi về chuyên môn, dũng cảm trong chiến đấu, đồng thời phải có đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng. Đây là những điều kiện hết sức khắt khe, do vậy, không nhiều người vinh dự nhận được danh hiệu này.
Anh hùng lao động Căn cứ theo khoản 1 Điều 61 Luật thi đua khen thưởng hiện hành quy định về điều kiện để được Nhà nước xem xét và truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động như sau:a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có tinh thần lao động sáng tạo, đạt năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả, lập được thành tích đặc biệt xuất sắc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
b) Đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, ngành và đất nước trong thời gian từ 10 năm trở lên, được tập thể suy tôn;
c) Có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, có sáng kiến, giải pháp, công trình nghiên cứu khoa học, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đặc biệt mang lại hiệu quả cao trong phạm vi toàn quốc;
d) Có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ, trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh;
đ) Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, vượt khó, tận tụy với công việc; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác; là tấm gương mẫu mực về mọi mặt.
Đất nước đã đi qua chiến tranh được 44 năm, do đó, những anh hùng không chỉ còn xuất hiện trên chiến trường mà còn xuất hiện trong những công xưởng, nhà máy, xí nghiệp, phòng nghiên cứu. Do vậy, nhà nước quy định những người có những thành tích hội tụ đủ những điều kiện nêu trên thì sẽ được xem xét và phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”.
Như vậy, để trở thành một “Anh hùng” đích thực cũng cần phải trải qua những thử thách và đáp ứng được những điều kiện khắt khe. Tuy nhiên, một khi đã được phong tặng danh hiệu này thì quả thật là một niềm vinh dự to lớn đối với mỗi người chúng ta.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.