Phạt vi phạm là một trong những chế tài thường được sử dụng trong hợp đồng. Tuy nhiên, muốn sử dụng chế tài này trong đối với hành vi vi phạm hợp đồng cần có sự thoả thuận của các bên khi giao kết hợp đồng. Đồng thời, không phải mọi mức phạt được các bên thoả thuận đều được pháp luật chấp nhận. Bài viết này sẽ cung cấp một số kiến thức cần thiết về phạt vi phạm và mức phạt vi phạm hợp đồng.
Căn cứ:
- Bộ luật Dân sự 2015
- Luật Thương mại 2005
- Luật Xây dựng 2014
Nội dung tư vấn
1. Khái niệm phạt vi phạm
Tại khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 thì phạt vi phạm hợp đồng được quy định như sau: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.”
Theo khái niệm trên, phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài phạt tiền đối với bên vi phạm phát sinh dựa trên sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Nếu khi giao kết hợp đồng các bên không thoả thuận và ghi nhận vấn đề phạt vi phạm hợp đồng thì chế tài này sẽ không được áp dụng đối với các hành vi vi phạm xảy ra. Khái niệm phạt vi phạm được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, tuy nhiên, không chỉ các hợp đồng dân sự mới được sử dụng chế tài phạt vi phạm, mà đối với các lĩnh vực khác như thương mại, xây dựng,… vẫn được thoả thuận phạt vi phạm khi giao kết hợp đồng.
2. Quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Phạt vi phạm là một chế tài được áp dụng đối với hành vi vi phạm hợp đồng nếu các bên có thoả thuận. Do đó, điều kiện để phát sinh chế tài là phải có hành vi vi phạm được thoả thuận. Khi hành vi này xảy ra, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải nộp khoản tiền phạt các bên đã thoả thuận. Việc áp dụng phạt vi phạm không làm triệt tiêu quyền đòi bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Tương tự, Điều 307 Luật thương mại 2005 cũng quy định:
1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Như vậy, các bên trong hợp đồng có thể thoả thuận chỉ phạt vi phạm hoặc cũng có thể thoả thuận áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại tuy nhiên vẫn có một số trường hợp đặc biệt sau:
- Đối với hợp đồng kinh doanh dịch vụ giám định, phạt vi phạm không được áp dụng đồng thời dù các bên có thoả thuận sử dụng cả hai chế tài. Dựa trên lỗi của hành vi vi phạm hợp đồng để xác định sử dùng phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại như sau:
1. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.
2. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định.” (Điều 266 Luật Thương mại 2005)
- Đối với hợp đồng xây dựng, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ luôn được áp dụng đồng thời nếu có hành vi vi phạt và có thiệt hại xảy ra quy định tại Khoản 1 Điều 146 của Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
1. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
2. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.
Theo đó, các hợp đồng xây dựng có nghĩa vụ phải thoả thuận về phạt vi phạm, đồng thời, đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, khi có hành vi vi phạm gây thiệt hại xảy ra thì việc bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ bắt buộc.
3. Mức phạt vi phạm
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, mức phạt vi phạt hợp đồng sẽ do các bên thoả thuận, đồng thời không quy định về mức phạt tối đa mà các bên được thoả thuận mà dẫn chiếu đến luật chuyên ngành áp dụng cho hợp đồng được giao kết, cụ thể tại Khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 viết: “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”
Như vậy, dù không quy định mức phạt tối đa các bên được thoả thuận nhưng thực tế mức phạt vi phạm hợp đồng đối với một số loại hợp đồng chuyên ngành vẫn bị giới hạn bởi các quy định của luật chuyên ngành như Luật Thương mại 2005 hay Luật Xây dựng 2014.
Hiện nay, pháp luật quy định mức phạt vi phạm hợp đồng của các loại hợp đồng không giống nhau, cụ thể:
- Đối với hợp đồng dân sự thuần tuý, như đã phân tích, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định mức tối đa cho thoả thuận phạt vi phạm.
- Đối với hợp đồng thương mại, Điều 301 Luật thương mại 2005 quy định các bên được tự do thoả thuận về mức phạt vi phạm nhưng mức phạt cho vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Riêng đối với trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng với mức phạt không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.
- Đối với hợp đồng xây dựng, mức phạt vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 146 Luật Xây dựng 2014, theo đó, các bên bắt buộc phải thoả thuận và ghi nhận vào hợp đồng vấn đề phạt vi phạm và mức phạt không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay